Nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông

Bệnh viêm nang lông xuất phát từ một nhiễm trùng của các nang lông do vi khuẩn, vi-rút hoặc nấm.

0

Theo Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, viêm nang lông (VNL) là bệnh khá phổ biến trong mùa nắng nóng. Tình trạng viêm nhiễm này thường xảy ra ở các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, mông… Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống (nhọt gây sẹo và mất tóc vĩnh viễn). Đáng nói, bệnh rất dễ mắc, dễ tái phát, việc điều trị thường kéo dài.

BS Lâm Bình Diễm, Bệnh viện Q.2 (TP.HCM) cho biết, VNL gây tổn thương da, thể hiện bằng những mụn mủ, sẩn hoặc sẩn - mụn mủ ở nang lông, chung quanh có quầng viêm đỏ và có thể thấy sợi lông xuyên qua.

Các vị trí thường gặp là da đầu, mặt, nách, vùng mu và mặt duỗi tứ chi. Khi mụn vỡ để lại vết nhỏ và đóng vảy tiết. Bệnh thường gây ngứa (nhất là ở da đầu, mặt) và hay tái phát.

Các tác nhân gây bệnh viêm nang lông

VNL xuất phát từ một nhiễm trùng của các nang lông do vi khuẩn, vi-rút hoặc nấm. VNL là hiện tượng viêm nguyên phát của nang lông do nhiều nguyên nhân nhiễm trùng và cũng có thể thứ phát do chấn thương hoặc băng kín nang lông. Nguyên nhân phổ biến nhất của VNL là vi khuẩn Staphylococcus aureus.

VNL nông thường gặp nhất là do tụ cầu vàng. Tuy vậy, tụ cầu vàng cũng có thể gây viêm sâu lan xuống toàn bộ nang lông (sycosis), gây ngứa. Bệnh hay tái phát khi không loại được các yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng ẩm. Ngoài ra, bệnh có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas, Proteus..., nấm men, nấm sợi, nhiễm vi-rút herpes, và ký sinh vật demodex. Cụ thể:

- VNL do vi khuẩn gram âm: có hai dạng - dạng mụn mủ nông quanh mũi và dạng cục hoặc nang ở sâu. Bệnh thường xảy ra trên những người sử dụng kháng sinh kéo dài trong điều trị mụn trứng cá, đôi khi việc điều trị kém hiệu quả, mụn trứng cá nặng hơn với hai dạng: mụn mủ nông và tổn thương sâu.

- VNL do nấm sợi: biểu hiện ban đầu là nhiễm nấm ở lớp sừng quanh miệng nang lông, sau đó lan vào sâu trong nang lông. Nấm da và nang lông có thể thấy ở đầu với các biểu hiện khác nhau do các chủng nấm khác nhau gây nên.

- VNL do nấm Malassezia: thời tiết nóng và ẩm là yếu tố thuận lợi gây bệnh. Khi mắc bệnh, bề mặt da nổi các sẩn ngứa và mụn mủ ở nang lông vùng lưng, cánh tay, đôi khi có ở gáy, mặt. Các thương tổn này giống như trứng cá nhưng không có nhân mụn.

- Nấm men Candida albicans thường xảy ra ở vùng bị băng bịt hoặc bị nóng ẩm lâu ngày (vùng da băng bịt bằng plastic, bôi kem corticoid...). Nhiễm nấm candida nang lông gây các mụn mủ thành đám.

- VNL do nhiễm vi-rút herpes: thường xảy ra ở vùng râu cằm, ria mép do cạo râu. Các mụn nước nang lông ở vùng râu tạo thành đám như chùm nho, sau vài ngày đóng vảy tiết. Bệnh tự khỏi, không để lại sẹo nhưng thường tái phát.

- VNL do Demodex: do nhiễm Demodex folliculorum, gây bong vảy da xung quanh nang lông, biểu hiện giống như viêm da tiết bã nhờn hoặc sẩn-mụn mủ đỏ nang lông như trứng cá đỏ ở mặt.

- VNL ái toan là VNL không do nhiễm trùng, hiếm gặp, thường xảy ra ở người suy giảm miễn dịch với tổn thương là chùm mụn nước, mụn mủ, ngứa dữ dội. Bệnh kéo dài dai dẳng.

VNL do nhiều tác nhân gây ra, nên cần thực hiện các xét nghiệm nhằm tìm đúng tác nhân gây bệnh. Vấn đề đáng ngại nhất của VNL là để lại sẹo, đặc biệt là vùng tóc.

VNL dạng nhẹ có thể sử dụng kháng sinh thoa tại chỗ, nếu nặng thì dùng kháng sinh kháng nấm, kháng vi-rút toàn thân. Để ngăn chặn biến chứng, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng. Phòng ngừa VNL tốt nhất là vệ sinh sạch sẽ, không gây chấn thương (không gãi, không mặc quần áo quá chật, cạo râu cẩn thận…).

Điều trị bệnh viêm nang lông

- Điều trị tại chỗ: Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Da liễu Trung Ương cho biết, có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm trùng như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như bactroban, fucidin...

- Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.

- Kháng sinh: trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân khi cần thiết. Các kháng sinh thuộc nhóm β-lactamin, amoxillin, nhóm cephalosporin, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin và metronidazol. Liều lượng và cách sử dụng theo tình trạng bệnh và hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng, rửa benzoyl peroxide và cho ampixillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường hợp phải cho Isotretinoin.

- Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống. Thuốc bôi như Nizoral, Canesten, Mycoster.... Có nhiều loại thuốc chống nấm đường uống như itraconazole 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày hoặc terbinafine uống 250mg/ngày trong 14 ngày.

Nên đọc

Đối với nấm men candida dùng itraconazole 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày, hoặc fluconazol 150mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày.

- Viêm nang lông do vi rút herpes, có thể bôi kem acyclovir 6lần/ngày và uống acyclovir 400mg 3lần/ngày hoặc 200mg 5lần/ngày, hoặc valacyclovir 500mg uống 2 lần/ngày.

- Viêm nang lông do demodex: có thể dùng kem permethrin bôi hoặc kem metronidazol phối hợp với uống metronidazol 1g/ngày trong 1 tuần.

Chú ý: đối với viêm nang lông hay tái phát cần tìm nguyên nhân, phát hiện các ổ vi trùng ở các hốc mũi, hậu môn... và tránh làm xây xước da do cạo râu bằng cách cắt râu bằng kéo.

Thuốc tham khảo: Gentrisone 10g

Chỉ định:
-Viêm da & dị ứng da: chàm cấp tính & mạn tính, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, viêm da tăng tiết bã nhờn, liken phẳng mạn tính, viêm da bong vẩy, mề đay dạng dát sần, vẩy nến, ngứa hậu môn, âm hộ.
-Rụng tóc từng vùng, bỏng nhẹ, vết đốt côn trùng, viêm da bội nhiễm, nấm da.

Thùy Linh

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]