Nguyên nhân và cách trị vàng da ở trẻ

Theo thông tin từ trang web eva.vn thì trẻ sơ sinh có 2 dạng vàng da là: Sinh lý và bệnh lý.

15.6033

Xin cho biết nguyên nhân xuất hiện bệnh vàng da? Bệnh này có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không? Nên điều trị ra sao? Chân thành cảm ơn.

(Lê Thanh Bình - Tam Bình, Vĩnh Long)

Chào bạn,

Trẻ sơ sinh có 2 dạng vàng da là: Sinh lý và bệnh lý.

Vàng da sinh lý: Xảy ra khi trẻ được 1- 7 ngày tuổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn ăn ngủ bình thường và hiện tượng này sẽ tự hết, không cần điều trị và không nguy hiểm.

Vàng da bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non. Các em bị vàng da từ đầu đến chân ngay khi lọt lòng. Nếu không được điều trị đúng mức, trẻ sẽ bị nhiễm độc thần kinh, co giật, hôn mê rồi tử vong.

Đã có rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn, nghĩ vàng da ở trẻ sơ sinh là bình thường và sẽ tự hết. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày chưa hết họ mới đưa trẻ đi khám. Lúc này, có những trẻ đã trong tình trạng nặng tổn thương nhân xám, bại não.

Cũng không loại trừ nhiều trường hợp do giới hạn sinh lý và bệnh lý của vàng da không rõ ràng nên cha mẹ khó nhận biết.


Vàng da bệnh lý có thể để lại di chứng thần kinh cho trẻ sơ sinh

Nguyên nhân:

Vàng da sinh lý: Thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi trẻ mới sinh và khỏi trong vòng 10 ngày.

Vàng da do nhiễm khuẩn: Hay gặp nhất ở trẻ mới sinh là nhiễm khuẩn rốn, nhiễm khuẩn da. Vàng da có thể xuất hiện sớm, hoặc muộn.

Vàng da do người mẹ mắc giang mai: Vàng da thường nhẹ nhưng kéo dài, kèm theo gan to, lách to.

Vàng da do virus: Chủ yếu là do virus gây bệnh viêm gan truyền từ mẹ qua nhau thai gây nên.

Vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh: Bệnh xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh(-), người bố có yếu tố Rh(+), con sinh ra có yếu tố Rh(+).

Vàng da do tắc mật bẩm sinh: Nguyên nhân do đường mật bị teo nhỏ ở mức độ khác nhau.

Vàng da được chia thành 2 mức độ:

Nhẹ: Da hơi vàng ở mặt, thân mình; trẻ vẫn bú tốt.

Nặng: Da vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém, bỏ bú; hoặc vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh. Những trẻ sinh non, nhiễm trùng, sinh ngạt dễ bị vàng da nặng.

Đối với trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8-8h30 mỗi sáng, lúc trời không quá nóng hay quá lạnh).

Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Cần theo dõi diễn tiến của chứng vàng da mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày sau sinh.

Trẻ bị vàng da nặng cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:

Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu.

Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Nông nghiệp Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]