Nguyên nhân và phòng ngừa bệnh trúng gió méo miệng

0

Bệnh trúng gió méo mồm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi thời điểm trong năm đấy!

“Mổ xẻ” nguyên nhân và biểu hiện của bệnh trúng gió méo miệng

Bệnh trúng gió méo miệng (méo mồm) có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi thời điểm trong năm, nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa nguy cơ mắc bệnh sẽ nhiều hơn do sáng và chiều tối trời se lạnh, nhiều sương và mưa gió. Hơn 70% nguyên nhân trúng gió méo miệng là do nhiệt độ thấp, làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên.

Biểu hiện của bệnh này là không nhắm được mắt, miệng và nhân trung méo xệch về phía tai bên lành, chảy nước miếng, nước mắt, nói cười khó khăn, mắt chỉ còn lộ lòng trắng (do liệt cơ khép vòng mi khiến nhãn cầu bị đẩy lên).

Các xử lý nhanh khi mắc chứng méo miệng do gió độc

–  Tự xoa bóp tại chỗ: Ngồi trước gương, dùng hai ngón tay cái bấm vào hai bên má nơi chỗ trũng giao điểm của khớp hai hàm trên dưới, nếu bấm vào có cảm giác đau nhiều là đúng vị trí. Cùng lúc há miệng ngáp nhiều lần, cứ vừa ngáp vừa bấm nhấn huyệt, miệng méo bên trái thì nhấn bên phải mạnh hơn để miệng kéo về bên phải. Nếu miệng kéo về bên phải nhiều quá làm méo bên trái, thì lại nhấn mạnh bên trái để điều chỉnh lại,…cho đến khi nào ngáp thấy miệng há to thành hình vòng tròn là được.

– Đánh gió: Với triệu chứng trúng gió thông thường, nên đánh gió bằng cách dùng rượu gừng, dầu đánh gió, uống nước đường gừng nóng hoặc sữa nóng… rồi ủ ấm. Có thể cho người bị trúng gió ăn cháo hành, tía tô nóng với lòng đỏ trứng gà.

Tuy nhiên, với chứng trúng gió méo miệng nặng, bệnh nhân cần đi khám để có sự chẩn đoán và chữa trị chính xác từ bác sĩ. Thông thường các biện pháp châm cứu kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện cơ,….sẽ được áp dụng nhằm làm nóng vùng nhiễm lạnh tại chỗ và làm giãn các tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị có hiệu quả và bệnh nhân có thể khỏi bệnh sớm nếu đi khám kịp thời trong vòng 1 tháng kể từ khi phát hiện dấu hiệu bệnh.

“Bí kíp” phòng bệnh “trúng gió méo miệng”

– Tránh gió và lạnh. Người yếu cần giữ tinh thần thoải mái, ăn uống đều độ, vệ sinh ngoài da cẩn thận để tránh mụn nhọt, không để nước bẩn vào tai.

– Cần lưu ý giữ ấm cho cơ thể khi giao mùa. Khi tắm hay đi tàu xe nên đóng cửa để tránh gió lùa.

– Khi ra ngoài cần mặc ấm, đeo khẩu trang, kính râm để tránh gió. Khi đã mắc bệnh, cần tuyệt đối tránh gió, hàng ngày rửa mặt bằng dung dịch muối NaCl 0.9% hoặc cloramphenicol 0,4%.

Trúng gió là bệnh thường gặp nhưng lại có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về lâu dài, do bệnh liên quan đến hệ thần kinh, dễ để lại di chứng tiềm tàng do phong thấp, tê thấp, mất khả năng đề kháng sau này. Khi mắc chứng trúng gió méo miệng, cần kịp thời xử lý và mau chóng tới bệnh viện để được chữa trị bài bản. Nếu điều trị chậm hoặc điều trị không đúng cách, bệnh sẽ có tiến triển xấu, gây biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc, co giật cơ mặt, co cứng nửa mặt.

Theo Thúy Giang/Ken14.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]