Nguyên nhân và phòng tránh nhiễm ký sinh trùng

15.3434

Lâu nay ai cũng nghĩ sống ở thành phố thì ít bị các bệnh truyền nhiễm, nhất là nhiễm ký sinh trùng- là căn bệnh của các vùng nông thôn. Thế nhưng, ngày càng có nhiều người dân thành phố đến các trung tâm y tế để khám và điều trị bệnh ký sinh trùng. Vì sao? Tiến sĩ Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi và là chuyên gia về ký sinh trùng sẽ lý giải những nguyên nhân vì sao dân thành phố dễ nhiễm ký sinh trùng.

Ăn uống cũng gây nên bệnh – nếu không cẩn thận

Các loại thủy sản bày bán ở các chợ đều có nguồn gốc từ các địa phương khác nhau, do đó có thể mang các mầm bệnh ký sinh trùng. Cá lóc, lươn, ếch được đánh bắt từ môi trường hoang dã có chứa ấu trùng giun đầu gai Gnathostoma spinigerum.

Nếu nấu thức ăn không kỹ, người ăn sẽ bị nhiễm ký sinh trùng này vào cơ thể. Ấu trùng của giun Gnathostoma spinigerum vào cơ thể sẽ đi chu du ra ngoài mô dưới da, gây áp xe di chuyển hoặc lên não gây xuất huyết não. Đây là bệnh được phát hiện khá nhiều ở thành phố Hồ Chí Minh gần đây, cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất đáng quan tâm.

Ở vùng ngoại ô, nơi có nhiều vườn cây, đất nông nghiệp, chuột là loài vật mang giun Angiostrongylus cantonensis,  ấu trùng giun theo phân ra ngoài đất ẩm, nhiễm vào rau xanh và ốc sống trên cạn như ốc bươu, ốc ma, sên.

Người ăn rau sống không rửa kỹ hoặc ăn ốc bươu, ốc sên tái, sống  sẽ bị nhiễm giun Angiostrongylus cantonensis, gây bệnh viêm màng não tăng bạch cầu toan tính, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tử vong cao. Bệnh này vẫn xuất hiện đều đặn hàng năm tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm trong cộng đồng.

Bệnh nhiễm sán sán xơ mít (sán dải) vẫn là bệnh thời sự ở thành phố ta, khi các quán phở bò mọc lên ngày càng nhiều. Bò bị nhiễm sán sơ mít, nang sán nằm trong thớ thịt bò, khi nấu phở tái, các nang sán vẫn còn sống trong thịt sẽ được nuốt vào ruột, phát triển thành sán trưởng thành ở người, khi đốt sán trưởng thành sẽ tự bò ra hậu môn, vỡ ra phóng thích trứng ra xung quanh và lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình rất mạnh.

Sán sơ mít sẽ hấp thu dinh dưỡng ở người, làm cho bệnh nhân xanh xao, suy nhược, đau bụng lâm râm quanh rốn. Ở trẻ em, nhiễm sán dải sẽ gây chậm lớn, suy dinh dưỡng. Đây là bệnh tương đối phổ biến ở thành phố, sán dải hay gặp là sán dải bò Taenia saginata.

Ngoài ra, cư dân sống ở ngoại ô vẫn có thể bị nhiễm giun đũa, giun tóc, giun kim nếu điều kiện vệ sinh kém và sử dụng cầu cá, không có hố xí tự hoại.

Nhiễm ký sinh trùng từ vật nuôi

Người dân các đô thị lớn có thói quen nuôi thú cưng như chó, mèo, chim… nhất là trẻ em, thường hay gần gũi với thú nuôi. Chó, mèo là thú nuôi phổ biến ở nước ta, chúng thường bị nhiễm giun đũa, ở chó là giun đũa Toxocara canis và mèo là giun đũaToxocara cati.

Trứng giun đũa theo phân ra ngoài và dính lên lông chó mèo, sau đó sẽ dính lên giường chiếu, ghế sopha hoặc lây nhiễm ra đất, nền nhà. Người bị nhiễm khi vuốt ve chó mèo hoặc ngồi trên ghế, giường có dính trứng giun, trứng sẽ dính lên tay, sau đó dùng tay bốc thức ăn đưa vào miệng, trứng giun sẽ đi vào ống tiêu hóa của người, nở thành ấu trùng đi xuyên qua thành ruột, theo máu đến nhiều cơ quan.

Bệnh thường có nhiều dạng như thể nội tạng, thể ở não, thể ở mắt. Thể ở não gây chèn ép não, hôn mê, tỷ lệ tử vong cao. Thể ở mắt gây mù mắt, hay gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Ngoài ra, mèo còn mang ký sinh trùng Toxoplasma gondii, là loại đơn bào, nang trùng được thải ra theo phân mèo, nằm trong đất ẩm hoặc cát và sống được nhiều tháng. Người và động vật khác bị nhiễm Toxoplasma gondii  khi nuốt nang trùng vào ruột, chúng sẽ biệt hóa thành các thoa trùng theo máu đi đến gan, cơ, não. Đây là ký sinh trùng gây viêm não trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS ở TP. HCM và gây sẩy thai trong ba tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ.

Chim bồ câu cũng là nguồn lây bệnh vì phân chim là môi trường lý tưởng cho vi nấmCryptococcus neoformans phát triển. Vi nấm sống trong phân chim và trong đất ẩm, khi gặp gió sẽ phát tán trong không khí, nếu người hít vào phổi, vi nấm sẽ xâm nhập vào đường hô hấp và theo máu lên não hoặc các cơ quan nội tạng, gây bệnh viêm màng não do nấm  Cryptococcus neoformans, đây là bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Phòng ngừa

– Nên tránh tiếp xúc với thú nuôi, chó mèo và phải xổ giun định kỳ tại phòng khám thú y.

– Không cho trẻ em chơi ngịch với chó mèo.

– Chim bồ câu phải được nuôi nhốt, tránh thải phân bừa bãi ra xung quanh.

– Ngoài ra thức ăn phải được nấu chín, rau phải rửa thật sạch để tránh nhiễm ấu trùng và trứng giun sán. Nên đi khám bệnh ký sinh trùng định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa.

Do vậy tuy sống ở thành phố văn minh hiện đại, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng vẫn cao nếu như không biết cách phòng, chống bệnh và không đi khám sức khỏe định kỳ.

Tiến sĩ-Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu
Phó Giám Đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi

Theo Motthtegioi.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]