Nguyễn Phan Linh Đan: Nhiếp ảnh- ngôn ngữ của giấc mơ

TP - Nguyễn Phan Linh Đan chưa nổi tiếng nhưng là một nghệ sỹ nhiếp ảnh trẻ đầy hứa hẹn. Ở tuổi 17, Linh Đan đã có nhiều tác phẩm đăng trên những ấn phẩm thời trang nước ngoài, từng xuất hiện trang trọng trên trang web của tạp chí Vogue danh giá.

15.6023
Quen biết nhà phê bình văn học Ngô Thảo, nhiều lần trò chuyện cùng ông, từ chuyện văn chương đến những chuyện ngoài văn chương, tịnh chẳng thấy ông nhắc tới cháu ngoại của mình, Nguyễn Phan Linh Đan.

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Một lần, tôi cầm chiếc ipad của Ngô Thảo, xem bộ sưu tập ảnh của ông trên máy, bỗng dưng sững người với những tấm hình thời trang chụp cô gái trẻ mang vẻ đẹp Á Đông bí ẩn. Tôi tò mò về tác giả của bộ ảnh ấn tượng. Ông đáp: Cháu ngoại tôi chụp đấy. Từ đó tôi biết Nguyễn Phan Linh Đan và bộ ảnh tôi có dịp thưởng thức đã được đăng tải trên trang web của tạp chí Vogue khi cô 16 tuổi, cũng được những người biên tập trang web này xếp hạng: Những tấm hình đẹp nhất (Best of Photo Vogue). 

Năm nay Linh Đan bước sang tuổi 17, cô là “tác phẩm” của Ngô Thị Bích Hạnh và Nguyễn Phan Quang Bình, những “ông chủ”, “bà chủ” của BHD, một cái tên đã làm mưa, làm gió nhiều năm nay trên lĩnh vực truyền thông, giải trí và nghệ thuật ở Việt Nam (tên đầy đủ của BHD là Bình Hạnh Đan- Đan là tên ba cô con gái của hai vợ chồng). Nếu Nguyễn Phan Linh Đan muốn nổi tiếng theo lối thông thường, đâu khó.

Bởi bố mẹ của cô nắm trong tay một công ty chuyên nhào nặn người nổi tiếng cho làng giải trí Việt, họ cũng từng sản xuất những chương trình giải trí khiến dư luận yêu ghét liêu xiêu: Vietnam Idol, Vua đầu bếp, Vietnam’s Got Talent, Trò chơi âm nhạc, Đuổi hình bắt chư… hay những bộ phim hút khách: Vũ khúc con cò, Mỹ nhân kế, Những nụ hôn rực rỡ, Áo lụa Hà Đông, Cánh đồng bất tận… 

Nguyễn Phan Linh Đan không phủ nhận mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. (Bà nội của Linh Đan chính là Phan Thanh Hảo, dịch nhiều cuốn sách, trong đó có “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh ra tiếng Anh). Cô được nuôi dưỡng chu đáo, có đủ điều kiện tài chính để theo đuổi những giấc mơ nghệ thuật.

Có vẻ Linh Đan khá tham lam khi cùng một lúc vừa yêu hội họa, vừa say nhiếp ảnh và sắp tới lại sang Mỹ du học về điện ảnh. Linh Đan tâm sự: “Tôi là một người nghệ sỹ luôn khát khao thỏa mãn trí tò mò của mình. Nghệ thuật như ngọn lửa mạnh mẽ trong tôi khi làm tôi thức dậy mỗi buổi sáng cũng như làm tôi thao thức vào ban đêm. Tôi đã thử sử dụng nghệ thuật, với các thể loại khác nhau, chủ yếu là hội họa, nhiếp ảnh và điện ảnh để truyền tải một trạng thái về điều kiện sống của con người, một tiến triển của tư duy, một cảm xúc… Những điều người ta thấy được, cảm nhận được hàng ngày không phải là dễ dàng khi thể hiện ra”. 

Khá ngạc nhiên khi Linh Đan bật mí, cô chưa từng kinh qua lớp đào tạo chính qui về nhiếp ảnh. Tất cả đều do mày mò mà nên: “Với tôi, chiếc máy ảnh giống như một thiết bị do thám thú vị”.

Từ bầu trời đến chân dung

Như mọi đứa trẻ, khi còn nhỏ Linh Đan hay nghịch ngợm, cô cũng mang máy ảnh của bố ra khám phá, xem nút này để làm gì, nút kia chức năng ra sao... 

Đầu tiên cô thử nghiệm chụp bầu trời. Với cô nàng có tâm hồn bay bổng thì bầu trời giống như một người con gái nhiều tâm trạng: Khi vui vẻ - trời quang mây tạnh, khi giận dỗi - bầu trời xám xịt, khi buồn tủi - trời đổ mưa… Có lần cô thử chụp bầu trời thông qua mặt nước, không may làm rơi máy xuống nước khiến bố cô không vui.

Nhưng sau sự cố này, người cha đã nhận ra niềm đam mê nhiếp ảnh ở cô con gái nhỏ. Ông đã mua chiếc máy ảnh mới hiện đại hơn và nhờ Linh Đan chụp giúp trong mỗi lần đi chơi. Và cô đã mê mẩn âm thanh “tách, tách” từ bao giờ không rõ. Tính Linh Đan khá nhút nhát. Cô được giải nhiếp ảnh trong một số cuộc thi ở địa phương do thầy giáo của cô chủ động gửi tác phẩm của học trò tham gia. 

Nhưng Linh Đan chưa từng một lần tới nhận giải. Một điều đặc biệt, cô chịu khó chụp chân dung người khác nhưng bản thân lại nói không với trào lưu “tự sướng” của giới trẻ và cũng chẳng để ai đó chụp ảnh mình. Kiếm tìm một bức ảnh rõ mặt cô trên facebook là một điều khó khăn, cho dù Nguyễn Phan Linh Đan sở hữu dung nhan dịu dàng, xinh xắn. 

Một tác phẩm của Nguyễn Phan Linh Đan

Từ năm 16 tuổi những tác phẩm của Linh Đan bắt đầu được đăng trên ấn phẩm điện tử của nước ngoài. Cô cho rằng: Nhiếp ảnh cất lên ngôn ngữ đặc biệt, xóa nhòa sự khác biệt màu da, tín ngưỡng, văn hóa nên tin rằng, dù “đứa con tinh thần” của mình chu du ở trời tây thì chúng vẫn tìm được sự đồng cảm từ người thưởng thức. 

Linh Đan coi trọng cảm xúc trong sáng tạo, khi bấm máy cô ít dụng công sắp đặt: “Tôi thử đối mặt với thế giới hiện hữu nên thường thì không sắp đặt bối cảnh trước, trừ khi đó là việc làm theo yêu cầu, nhưng thậm chí khi tôi nghĩ tới việc phải sắp đặt, tôi sẽ chọn địa điểm, tới đó và để nơi đó tạo cảm hứng cho mình, kể cả khi chụp ảnh thời trang. Hầu như lúc nào tôi cũng để cảm xúc chi phối hoàn toàn công việc của mình. Khi mình vui các bức ảnh dường như sáng sủa hơn. Nhưng thường thì các ý tưởng hay sẽ đến với tôi khi tôi phải đấu tranh với điều gì đó và cố nắm bắt lấy cảm xúc khi ấy”. 

Người ta cũng thấy cô hay chụp chân dung hơn các thể loại khác trong nhiếp ảnh. Bởi chụp chân dung giúp cô truyền tải những ý tưởng, cảm xúc theo cách rất gần gũi, bằng cách diễn đạt của ngôn ngữ hình thể: “Tôi muốn mọi người nhìn vào bức ảnh của tôi và nhận ra điều gì đó thật gần gũi, đôi khi như thể là chính mắt họ nhìn ra hoặc nhận thấy. Hy vọng họ có thể liên hệ bức ảnh với một trạng thái nhất định trong cuộc sống bản thân và tìm thấy trong đó sự an ủi nào đó”. 

Không ưa chỉnh sửa

Giới trẻ say sưa với trào lưu tắm trắng, tạo mắt hai mí, nâng mũi cao v.v.. tức là họ muốn có một hình thức “tây”, hơn là một dung nhan Á đông sẵn có. Còn tiêu chí lựa chọn người mẫu của Linh Đan lại là: Đề cao sự khác biệt. Cô yêu thích những vẻ đẹp mang hơi hướng của một nền văn hóa. 

Dù hay đăng ảnh ở ấn phẩm nước ngoài nhưng cô lại đặc biệt chú trọng tôn vinh nhan sắc Việt, phong cảnh Việt trong tác phẩm của mình: “Tôi thích sự mộc mạc cổ kính của Việt Nam. Tôi cảm nhận được nét duyên dáng trong những nơi hoang sơ và cổ kính. Theo tôi, nét mộc mạc này ẩn chứa nhiều khía cạnh, nhiều câu chuyện hơn là những công trình hiện đại. Tôi chọn các công trình cổ kính để tăng nét cá tính cho cảnh nền”. 

“Cảm hứng đến với tôi từ phần lạ lẫm chưa được biết đến trong mỗi con người chúng ta, đó là tiềm thức của chúng ta. Tôi lấy cảm hứng từ những cảm xúc nhỏ nhất hoặc những gì sâu thẳm nhất, những gì giết chết chúng ta từ bên trong và những điều giữ ta luôn sống, chứng mộng du và ngôn ngữ của giấc mơ”. 

Nguyễn Phan Linh Đan
Linh Đan cũng không ưa dùng photoshop, khoảng thời gian ngồi trước máy vi tính không hề tạo sự thú vị cho cô. Cô dành tối đa thời gian làm việc với ống kính và hạn chế cao nhất chỉnh sửa: “Tôi muốn các bức ảnh phải được cảm nhận chân thực và tự nhiên nhất có thể và không bị chỉnh sửa quá nhiều. Tôi muốn làm sao thể hiện được cảm xúc một cách thô mộc nhất để sao cho có thể liên kết với người xem một cách dễ dàng nên tôi không muốn tạo quá nhiều lớp hình giữa mắt người xem và mắt nhân vật”. 

Thường thì Linh Đan chỉ chỉnh độ sáng và tương phản. Cô chỉ sử dụng ánh sáng tự nhiên cùng tấm phản quang khi làm việc. 

Có một điều thú vị ở Linh Đan, cô vẫn đi làm thuê cho những công ty thời trang khi họ cần nhiếp ảnh nhưng không bao giờ ra giá cho sức lao động của mình. Không đòi hỏi tiền bạc nhưng lại cống hiến hết mình vì cô là một nghệ sỹ trẻ và nhiếp ảnh đang là “người yêu”.

Đạo diễn điện ảnh tương lai

Nếu hỏi Nguyễn Phan Linh Đan về công việc của cha mẹ, cùng lắm cô cũng chỉ nhận: Bố mẹ tôi làm ở công ty truyền thông BHD. Ai đó muốn tò mò về vị trí của bố mẹ cô, cũng chỉ nhận được câu trả lời lảng tránh: “Tôi không biết”. 

Hiện tại Nguyễn Phan Linh Đan sống với ông bà nội ở Hà Nội, bố mẹ cô ở Sài Gòn, cô không muốn Nam tiến theo bố mẹ, bởi: “Tôi yêu Hà Nội hơn”. Ngoài thời gian dành cho nhiếp ảnh, Linh Đan còn vẽ tranh, tranh cô có thiên hướng trừu tượng hay lọt mắt khách quốc tế. Giống như những tác phẩm nhiếp ảnh, Linh Đan bán tranh cũng tùy tâm khách mua. Sắp tới cô sang Mỹ du học về điện ảnh để theo đuổi dòng phim nghệ thuật, cho dù biết ở Việt Nam, dòng phim giải trí dễ dàng kiếm tìm danh lợi. “Ông chủ” của BHD không ngăn cản lựa chọn của con gái, chỉ khuyên: “Đã đam mê phải theo đến cùng”.

Linh Đan thì chia sẻ: “Nhiếp ảnh thực sự giúp tôi trở nên tự tin hơn về bản thân. Đối với tôi đây là cách thể hiện những gì ẩn chứa trong tâm trí nhưng không thể chia sẻ được với ai. Vì thế mà trong cách tiếp cận với nghệ thuật nhiếp ảnh, tôi thường tập trung vào cảm xúc và câu chuyện trong bức ảnh hơn”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]