Nguyễn Quỳnh Trang - 'Nhiều cách sống', chưa nhiều cách viết

28 tuổi, Nguyễn Quỳnh Trang sống chưa nhiều và viết cũng còn ít. Nhưng với những gì đã thể hiện trong hai cuốn tiểu thuyết "1981" và "Nhiều cách sống", buổi tọa đàm về tác phẩm của chị đã xới lên nhiều vấn đề, không của riêng Trang, mà liên quan cả đến các nhà văn trẻ.

31.1136

Hà Linh - 

Buổi tọa đàm, do Ban công tác Nhà văn trẻ tổ chức, có sự tham gia của nhiều nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Chí Hoan, Văn Giá và nhiều cây bút trẻ cùng lứa tuổi với Nguyễn Quỳnh Trang.

Tác giả Nguyễn Quỳnh Trang tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thiên Kim.

Cũng như nhiều tác giả lứa 8X khác, Nguyễn Quỳnh Trang trước hết là nhà văn hợp thời, từ cách chọn đề tài, lối dùng câu chữ, cách kể chuyện cho đến việc chọn khuôn khổ, độ dày cuốn tiểu thuyết. Với 1981Nhiều cách sống - mỗi cuốn chừng 300 trang - Nguyễn Quỳnh Trang trình bày trong đó, dường như đủ cả, muôn chuyện đương thời, va đập hàng ngày với giới trẻ hôm nay: sex bình thường, sex đồng tính, hội họa đương đại, chuyện án mạng… Tác giả Đỗ Hải Ninh nhận định: "Tiểu thuyết Nguyễn Quỳnh Trang cho thấy sự táo bạo của cây bút trẻ này, táo bạo vì dám đụng chạm đến tất cả những cái hot nhất trong đời sống hôm nay". "Táo bạo" cũng như một mỹ từ khác là "thể nghiệm" là những cách diễn đạt mà các cây bút phê bình trẻ thường hay dùng để định danh, đánh giá sáng tác của các nhà văn trẻ. Thực tế, nếu Quỳnh Trang viết lồ lộ về sex, về đồng tính trong những năm 1980, 1990, trang viết của chị đáng được xem là "táo bạo". Còn đến đầu thế kỷ 21, chỉ tính riêng trong văn học Việt Nam thôi, sex hay đồng tính đã không còn lạ, không còn gây sốc, dù ít nhiều, đó vẫn là những đề tài "hot", đơn giản vì đó là chuyện bản năng (sex), chuyện ngược với tự nhiên (đồng tính). Vậy nên, về mặt đề tài, Nguyễn Quỳnh Trang, cũng như nhiều tác giả trẻ khác, chỉ bám sát những gì đang diễn ra quanh đời sống của giới trẻ, hẹp hơn là một bộ phận giới trẻ thành thị. Mà như trong đoạn mở đầu 1981, người đọc đã thấy, hễ 8X, 9X nghĩa là phải đi bar, phải lên sàn, phải uống Ken, phải triết lý Tôi là ai, phải băn khoăn đi tìm chính mình…

Bìa cuốn "1981".

Điều quan trọng hơn, như nhà phê bình Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học), nhận định: "Vấn đề sẽ rất khác biệt nếu biết giữ nguyên cách thức tiếp cận và thay câu hỏi "Tôi là ai?" bằng câu hỏi "Tôi như thế nào?". Cũng như vậy, thay vì chú trọng vào đề tài của Trang hot hay không hot, việc để ý đến chuyện chị khai thác đề tài đó như thế nào sẽ giúp định hình sự khác biệt và những tìm tòi của ngòi bút trẻ này. Nhà văn Phong Điệp nhận xét: "Chuyện đồng tính trong 1981 - nếu nhìn thật thấu đáo - dường như chỉ là cái cớ để tác giả trình bày một cách tiếp cận và khám phá bản thể: Sự mạnh mẽ hay yếu đuối nhu nhược; những khát khao muốn phá tung mọi lề thói ấu trĩ và nặng nề; những cơn điên rồ muốn bỏ trốn; những khao khát bản năng; những nỗi hoang mang của tuổi trẻ…". Nhà văn Phạm Ngọc Tiến khen, Nguyễn Quỳnh Trang đã "bứt ra khỏi dòng 8X chung chung bằng sự khai phá bản thể và những nỗ lực về hình thức văn bản". Đoàn Ánh Dương cho rằng, những "nỗ lực về hình thức văn bản" đó, thể hiện ở "nghệ thuật kết cấu dựa trên tâm lý nhân vật". Quả thật, tuy không hề mới trong kết cấu, trong việc tổ chức điểm nhìn, nhưng 1981 - cuốn tiểu thuyết của chị khá hấp dẫn khi kể bằng giọng nhân vật, khi thể hiện những băn khoăn, dằn vặt của nhân vật Quỳnh và Nhi. Ở một mức độ nào đó, với 1981, Nguyễn Quỳnh Trang đã khẳng định được "Tôi đã ở đây trong cuộc đời này", như câu mở đầu trong cuốn sách của chị.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã ưu ái nhận định rằng, viết sang được cuốn thứ hai là Quỳnh Trang đã vượt qua được chính mình, thoát khỏi "hội chứng cuốn tiểu thuyết thứ hai". Một hội chứng thường gặp ở người làm văn, thể hiện trạng thái bế tắc, cạn vốn sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nhiều cách sống, dù không dày dặn gì, cũng chứng tỏ Nguyễn Quỳnh Trang đang nỗ lực đi tiếp con đường văn chương.

Cuốn "Nhiều cách sống".

Nhưng dễ nhận thấy, Nhiều cách sống non hơn nhiều so với 1981. Nhiều cách sống đã nỗ lực sống nhiều, nghĩ nhiều nhưng kết quả dường như vẫn chỉ dừng lại ở nghĩ chưa sâu và sống chưa chín. Nhà phê bình Văn Giá nhận định, cuốn sách chưa gây được nhiều ám ảnh cho người đọc. Hơn thế nữa, khác với lối kể giàu cảm xúc trong 1981, Nguyễn Quỳnh Trang ở tác phẩm thứ hai này đã "làm văn" nhiều hơn "viết văn". Chị rông dài nên cuốn sách trở nên nhạt; chị cầu kỳ câu chữ quá nên bị thừa cảm giác giả tạo. Nguyễn Quỳnh Trang so sánh sáo mòn, rỗng nghĩa: "Từng tiếng còi xe tan loãng vào đêm, như một niềm cô đơn bí ẩn muốn kêu gào mà chợt tắc ngang chừng vòm họng"…; dài dòng: "Ngày cô bước sang tuổi 12. Sinh nhật cô. Ừ. Ngày sinh nhật. Thì cứ cho rằng đó là ngày sinh nhật. Thì có sao"…; hay điệu đà một cách khó hiểu: "Lạnh một cách đoạn tuyệt"… Cây bút Nguyễn Minh nói: "Đó là lối miêu tả ấn tượng, mà miêu tả ấn tượng thì không có gì lạ với văn học trẻ". Nhưng đó chỉ là cách bào chữa, cách cùng mỹ từ vốn cũng không có gì lạ với văn học trẻ.

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]