Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc 'bẻ gãy' phát ngôn sốc về nhạc Trịnh

(GDVN) - "Cho đến tận bây giờ, với tôi, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” không chỉ đơn thuần là một ca khúc...", Nguyễn Quang Long tâm sự.

15.6074
LTS: Giaoduc.net.vn đã nhận được ý kiến của nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long - Phó Ban biên tập Nhà xuất bản Âm nhạc Dihavina, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam, xung quanh phát biểu của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh. Tuy tác giả cũng chỉ nói đây là "cảm nhận cá nhân" và không có ý tranh luận với Đoàn Quang Anh Khanh, nhưng có thể thấy nội dung nêu ra đã "bẻ gãy" từng luận điểm của vị đạo diễn, rằng: nhạc Trịnh không bi lụy và nhạc Trịnh có giai điệu rất đặc biệt... Giaoduc.net.vn xin đăng tải nguyên văn bài viết này.

Ý kiến về nhạc Trịnh của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh khiến tôi khá ngạc nhiên, đó là một cái nhìn rất khác về nhạc Trịnh. Nếu đứng từ góc độ một người nghiên cứu lý luận âm nhạc, tôi ghi nhận những điều đó như một ý kiến, góp phần tạo nên bức tranh đa màu về tình cảm cũng như sự cảm nhận của khán giả dành cho ca khúc Trịnh Công Sơn.

Tôi không phải một fan hâm mộ nhạc Trịnh nên chưa có điều kiện tiếp xúc hết tất cả những ca khúc của ông, đặc biệt là ca khúc dòng nhạc phản chiến mà chỉ thưởng thức những ca khúc được phổ biến rộng rãi trong nhiều năm qua. Ở góc độ cá nhân với tư cách một khán giả, xin chia sẻ vài cảm nhận của tôi về ca khúc Trịnh Công Sơn.

Không chỉ là nhạc bình dân


Trịnh Công Sơn là một hiện tượng, một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc đại chúng Việt Nam thế kỷ 20; và có lẽ tên tuổi cùng tác phẩm của ông còn có tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của nhiều lớp thế hệ người Việt Nam sau này nữa. Tại sao lại có được như vậy? Ta phải nhìn nhận một thực tế là người nghe có thể tìm thấy được một chút gì đó trong thẳm sâu tâm hồn mình ở một hay nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn. Cho nên họ muốn những ca khúc ấy là người bạn tinh thần của mình.

Nói ca khúc Trịnh Công Sơn thuộc dòng nhạc bình dân chưa hoàn toàn đúng. Bởi ca khúc của ông chứa nhiều lớp thông điệp, mỗi lớp thông điệp phù hợp với một loại đối tượng khán giả và nếu bóc tách ra sẽ có nhiều điều thú vị ở trong đó. Khi thưởng thức một ca khúc, với người này có khi chỉ đơn thuần là một câu chuyện, cảm xúc, hoặc một chuyện tình đúng như ca từ truyền tải, nhưng có khi người khác lại nhìn được phần ẩn trong những ca từ ấy nhiều ý nghĩa mang tính triết lý về thế giới quan, nhân sinh quan, về cuộc sống... Điều này lý giải tại sao ca khúc Trịnh Công Sơn lại được nhiều người thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội từ bình dân đến giới trí thức đều yêu thích.

Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long

Chất “bi” và triết lý mang tên Trịnh Công Sơn

Mấy ai trong mỗi chúng ta, kể từ khi mới lớn, mới bước vào tuổi yêu, không một lần ngồi góc quán nhâm nhi ly café và thả hồn với những giai điệu man mác buồn của Trịnh Công Sơn. Mấy ai không nghêu ngao được đôi ba câu hát “Em còn nhớ hay em đã quên…”, “Chiều nay còn mưa sao em không lại…”, “Còn hai con mắt khóc người một con…”

Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi, chỉ dừng lại ở cái man mác buồn đã thể hiện một điều là có chất “bi”, song không thể kèm theo cả “lụy” ở trong đó. Bi lụy hoặc ủy mị có thể hủy diệt một con người nhưng với riêng tôi cảm nhận, “bi” của Trịnh Công Sơn như nguồn động viên, an ủi giúp con người ta có thể bấu víu trong lúc chơi vơi, và rồi sẽ tự thấy được cách giải thoát từ chính những gì ở trong những giai điệu, ca từ đó. Cái hay là Trịnh Công Sơn không đưa ra “đáp án” cụ thể mà để điều đó cho mỗi người nghe tự cảm nhận. Có lẽ vì điều này mà có người cảm thấy vị nhạc sĩ vẫn còn mông lung, không rõ ràng tư tưởng, chính kiến?!

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…”, sẽ nhẹ lòng hơn nhiều nếu ai đó đang bước vào ngưỡng của sự không lối thoát mà lại được làm bạn với những giai điệu ấy. Tưởng cát bụi là vô tri ư? Không, nó vẫn rất có ích và nó là một thành tố không thể tách rời, không thể thiếu để tạo nên trái đất này! Và như thế, nếu một mai ta trở về với cát bụi, ta không mất đi, ta chỉ chuyển từ dạng vật chất này sang dạng vật chất khác. Và như vậy, dù chỉ là một hạt cát ta vẫn có ích cho sự sống của trái đất này.

Và hơn hết, đã thấy được phần nào những ảnh hưởng của tư tưởng tôn giáo trong Trịnh Công Sơn nhưng được chắt lọc một cách khéo léo để rồi cô lại trong những ca khúc. Nhớ lại chuyện của bản thân tôi từ những năm còn học ở Nhạc viện Hà Nội, có một giai đoạn khó khăn khiến tâm trạng tôi hoang mang, và lúc ấy, những giai điệu chân phương, những ca từ giản dị “Đừng tuyệt vọng tôi ơi từng tuyệt vọng…” với lối hát mộc mạc bỗng cho tôi động lực, như tiếp khí thế và sự tự tin giúp tôi vượt qua con đường chông gai ấy. Cho đến tận bây giờ, với tôi, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” không chỉ đơn thuần là một ca khúc.

Trịnh Công Sơn “nói” trong ca khúc của mình: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Thì đúng quá rồi, các cụ ta từ xưa tới nay chả dạy con cháu mình như vậy, sống nhân hậu, yêu thương, chia sẻ với nhau. Nhưng có được điều đó (tấm lòng) để làm gì? Chẳng lẽ chỉ “để gió cuốn đi” đơn giản thế thôi sao? Nếu ta biết được rằng tấm lòng ấy mà được gió cuốn đi, lan tỏa vào không gian để rồi đến với triệu triệu tấm lòng thì điều ấy có ý nghĩa biết bao. Tôi nghĩ, “gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn là như vậy đấy!

Cái chất bi của Trịnh Công Sơn là như thế, cái chất triết lý của Trịnh Công Sơn cũng nằm chính trong những lời ca bình dị chứ không hề cao xa, nó là một thứ triết lý đời thường!

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” Sẽ nhẹ lòng hơn nhiều nếu ai đó đang bước vào ngưỡng của sự không lối thoát mà lại được làm bạn với những giai điệu ấy.

Giai điệu âm nhạc Trịnh Công Sơn có gì đặc sắc?

Có không ít nhận xét rằng ca khúc Trịnh Công Sơn hay ở phần lời, nếu tách lời ra, chỉ còn phần nhạc sẽ không có gì đặc sắc. Thực sự sẽ rất tệ nếu ai đó làm một điều như vậy! Và nếu làm thì đó là một công việc quả hết sức ngớ ngẩn. Bởi lẽ đây là những ca khúc và ca khúc thì không thể thiếu 2 thành tố đó là giai điệu và lời ca.

Tất nhiên, bấy lâu nay nhiều những nghệ sĩ guitar, piano, saxophone, violon… vẫn độc tấu những ca khúc của Trịnh Công Sơn và được hưởng ứng. Nhưng với người yêu nhạc Trịnh dù trình diễn như thế nào hễ giai điệu vang lên thì lời ca của những giai điệu đó cũng sẽ tự hát lên trong đầu và trong trái tim họ rồi. Nói rõ hơn, kể cả trong trường hợp này, dù được tấu không lời nhưng đó vẫn là những ca khúc.

Tính chất trữ tình hơi buồn là một đặc trưng cho phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn, cũng có những giai điệu tươi mới, rộn ràng hơn nhưng chỉ là số ít. Nó được truyền tải bởi một hình thái giai điệu với lối tiến hành không quá cầu kỳ phức tạp mà giản dị (nhưng không tùy tiện), dựa vào mối tương quan mật thiết với ca từ. Điều này đã tạo được hiệu quả trong nhiều ca khúc của ông là ca sĩ hát rõ chữ rõ lời, ca khúc khi vang lên dễ nhớ, dễ thuộc.

Đây cũng chính là điều cơ bản của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, là “quy luật” mà cha ông ta đã tìm ra và áp dụng từ bao đời nay (hãy thử kiểm nghiệm qua những bài dân ca). Với một dân tộc nhạc hát chiếm ưu thế như Việt Nam thì việc sáng tác những ca khúc dễ nhớ đến được với đông đảo mọi người là hướng đi sáng suốt. Cái tài của Trịnh Công Sơn là đã nắm bắt và thể hiện được tinh thần ấy vào trong ca khúc của mình.

Tất nhiên, Trịnh Công Sơn không phải vị thánh trong âm nhạc, ông chỉ đơn thuần là một nhạc sĩ sáng tác ca khúc từ những cảm xúc của mình, vì thế có thể có một vài hạn chế nào đó trong số ít tác phẩm cũng là điều bình thường. Nhưng rõ ràng lịch sử âm nhạc Việt Nam sẽ ghi nhận ông là một trong những người viết ca khúc có ảnh hưởng nhất đối với công chúng qua nhiều thế hệ.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]