Ông nói: “Làm nghiên cứu Huế, trước hết là tiếp nối di nguyện của cha tôi. Nhưng nếu không có nghiên cứu Huế thì chắc tôi đã... chết từ lâu vì buồn rồi...”.

- Sau này, nếu có ai viết lịch sử về nghề làm sách ở Việt Nam, chắc chắn “Nghiên cứu Huế” do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan làm chủ biên sẽ được xếp vào danh mục “đặc biệt”. Bởi đến thời điểm này, đây vẫn là một hình thức hiếm có ở ta khi một cá nhân tự bỏ tiền ra thành lập một trung tâm nghiên cứu, sau đó tập hợp một số nhà nghiên cứu hàng đầu về Huế để mỗi năm, thậm chí... hai ba năm ra một tập sách mà trước hết, nhằm thoả mãn thú vui nghiên cứu của chính mình. Làm cho vui nhưng “Nghiên cứu Huế” in ấn sang trọng hàng... nhất nước, và chất lượng nội dung thì đến GS Phan Huy Lê cũng phải xuýt xoa: “Tôi ao ước Hà Nội có được một tủ sách nghiên cứu như thế”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan trong thư phòng của mình.

Thưa ông, Trung tâm Nghiên cứu Huế và tập san “Nghiên cứu Huế” được ra đời trong bối cảnh như thế nào?

- “Nghiên cứu Huế” tập một ra mắt bạn đọc vào năm 1999. Tuy nhiên, tiền thân của tập san “Nghiên cứu Huế”, số đầu tiên lại ra đời từ năm 1973 với tên gọi là “Nghiên cứu Việt Nam” với hình thức niên san do ông cụ tôi (ông Nguyễn Hữu Đính) tổ chức. Đáng tiếc là “Nghiên cứu Việt Nam” chỉ ra được số đầu tiên, đến số thứ 2 thì bị đình bản với lý do: Trong số 1 trước đó đã dám đăng một bài nghiên cứu về “các thể loại dân ca Thanh Hoá” của một tác giả lúc đó đang sống ở miền Bắc là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh.

Những năm tháng sau đó là giải phóng miền Nam, rồi cùng với hàng loạt lý do chủ quan và khách quan khác nên đến năm 1995, chúng tôi mới thành lập được Trung tâm Nghiên cứu Huế, quy tụ được một số anh em nghiên cứu như Hồ Tấn Phan, Nguyễn Xuân Hoa, Trần Hoài, Trần Đại Vinh, Đoàn Văn Quýnh, Nguyễn Miên, Vĩnh Phối... với nhen nhóm sẽ tái lập lại “Nghiên cứu Việt Nam” dưới hình thức mới là “Nghiên cứu Huế”. Và đến năm 1999, “Nghiên cứu Huế” số 1 ra mắt bạn đọc như đã biết. Điều đặc biệt là phần lớn những bài in trong “Nghiên cứu Huế” tập 1 đã được chúng tôi chuẩn bị từ... năm 1974.

Nhiều người bảo là ông gàn khi tự bỏ tiền túi ra để làm “Nghiên cứu Huế” và từ chối những gợi ý tài trợ, ông nghĩ sao?

- Đúng là “Nghiên cứu Huế”, đến nay đã ra số thứ 7 và sắp có số thứ 8 bao nhiêu năm được làm hoàn toàn bằng tiền của gia đình tôi. Trước khi qua đời (năm 1995), phụ thân tôi đã để lại cho tôi một số tiền mà ông đã dành dụm cả đời và dặn chỉ để xuất bản một tủ sách nghiên cứu Huế, không được làm một việc gì khác. Nhiều năm nay, năm nào chúng tôi cũng nhận được những gợi ý xin được tài trợ cho “Nghiên cứu Huế” của nhiều cá nhân, tổ chức, nhưng chúng tôi đã từ chối vì không muốn bị họ ràng buộc...

Bởi vậy, Trung tâm Nghiên cứu Huế toàn trả công cho hội đồng biên tập bằng... sách?

- Do kính phí hạn chế nên chúng tôi chỉ trả nhuận bút cho những ai có bài đăng trên ấn phẩm. Các thành viên của hội đồng biên tập, họ đến với chúng tôi trước hết là vì lòng đam mê, sau nữa là gặp nhau ở mong muốn làm một điều gì đó cho Huế. Họ rất vất vả vì phải làm tất cả mọi thứ từ biên tập cho đến chấm lỗi chính tả từ tháng này sang tháng khác nhưng không nhận được một xu tiền công nào. Thậm chí mỗi khi sách ra, họ còn... tự nộp tiền để đãi nhau một bữa cơm nhưng ai cũng rất vui vẻ, không hề có một lời phàn nàn.

Bìa sách “Nghiên cứu Huế” tập 7, xuất bản năm 2010.

Được biết, ông lại lập thêm một thư viện tại nhà riêng và mở cửa phục vụ miễn phí?

- Việc thành lập thư viện, chính xác hơn là thư phòng vào năm 2004, cũng như làm “Nghiên cứu Huế” trước đó là di nguyện của cha tôi, tôi chỉ là người kế tục.

Cha tôi tên là Nguyễn Hữu Đính. Cụ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông lâm súc Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20 và trở thành một trong những kỹ sư thuỷ lâm đầu tiên của Việt Nam. Trước 1975, cụ từng giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ cũ: Tổng thanh tra Thuỷ lâm VN, Giám đốc Lâm trường Trung Việt, Trưởng khu Lâm nghiệp IV... Sau 1975, cụ là Chủ tịch UBMTTQVN TP.Huế, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Trị Thiên (cũ).

Là kỹ sư thuỷ lâm, nhưng cụ rất ham hoạt động xã hội, và đặc biệt là rất mê sách. Lương tiền bao nhiêu, cụ dồn cho việc sưu tầm sách. Sinh thời, ông cụ có 4 ước nguyện lớn: Mở một thư phòng; ra tập san nghiên cứu Huế; làm một bộ từ điển bách khoa về Huế; và thứ nữa, cụ khao khát được lập một uỷ ban để nghiên cứu một cách rốt ráo, tận gốc mọi vấn đề về Huế; để từ đó thấy được Huế mình có cái gì hay, cái gì mạnh mà phát huy; cái gì yếu, cái gì dở mà chế ngự. Trong 4 ước nguyện của cụ, đến nay mới chỉ làm được có hai là làm “Nghiên cứu Huế” và thành lập một thư phòng.

Thư phòng của ông có bao nhiêu đầu sách và hoạt động như thế nào?

- Thư phòng của tôi hiện có hơn 10.000 cuốn, hầu hết là do cụ để lại gồm: Khoảng 2.500 cuốn sách về lâm nghiệp, môi trường...; khoảng 1000 cuốn về mỹ thuật, phần lớn được xuất bản tại Pháp, trong đó hầu hết là sách quý hiếm mà ngay cả các hoạ sĩ, giảng viên của Trường Đại học Nghệ thuật Huế cũng không có. Số còn lại, khoảng 6.500 cuốn là sách chuyên về văn học và lịch sử. Ngoài sách, thư phòng còn có một lượng lớn tư liệu  có hệ thống về nhiều lĩnh vực bằng chữ Hán, Việt, Anh, Pháp... do gia đình để lại, và tôi  sưu tầm.  

Thư phòng của tôi mở cửa một tuần 3 buổi sáng (hai, tư, sáu) để phục vụ miễn phí những ai có nhu cầu đọc và tra cứu... Sách của tôi không cho mượn. Ai có nhu cầu thì tôi sẽ đi photo giúp họ. Bạn đọc của thư phòng chủ yếu là sinh viên các khoa Văn, Sử của Trường Đại học Khoa học Huế và các nhà nghiên cứu. Trong đó có rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài, đến từ các trường đại học của Mỹ, Úc... đã tìm đến thư phòng của tôi để tra cứu.

Tôi quan niệm, có nhiều sách rất hạnh phúc, nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu sách của mình được phục vụ cộng đồng, hỗ trợ công việc, đem lại tri thức và sự mở mang cho nhiều người khác. Và niềm hạnh phúc mới nhất của tôi là thư phòng vừa giúp cho một nhà nghiên cứu người Úc hoàn thành luận án tiến sĩ về đề tài Vườn Quốc gia Bạch Mã. 

Làm “Nghiên cứu Huế”, thành lập thư phòng, và sắp tới là gì nữa thưa ông?

- Trong số 4 việc lớn mà cha tôi để lại, còn hai việc chưa làm được là làm một bộ Bách khoa từ điển về Huế và  tập hợp một nhóm anh em để nghiên cứu về Huế. Nhưng chắc là đời tôi không thể làm thêm được gì nữa bởi hiện tôi tuổi đã lớn, khả năng tài chính có hạn và sức khoẻ lại không tốt. Những tháng ngày sắp tới, tôi sẽ tập trung vui chơi với “Nghiên cứu Huế” và thư phòng này theo kiểu làm được tới đâu thì làm...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan năm nay đã 74 tuổi (sinh 1937). Năm 1962, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ngành Sử, được giữ lại làm trợ giảng, rồi chuyển qua giảng dạy ở Viện Hán học của Đại học Huế cũ; sau đó làm chuyên viên Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục (chế độ cũ), một công việc gắn liền với sách. Sau 1975, ông làm thầy giáo dạy sử,  rồi phụ trách thư thư viện trường Hai Bà Trưng. Năm 1988, trường thành lập Nhà in Hai Bà Trưng và ông được giao điều hành cho đến khi nó phát triển thành Xí nghiệp In chuyên dùng Thừa Thiên - Huế mãi đến năm 1998 mới nghỉ hưu.

Trong tất cả các nhà nghiên cứu Huế, ông Nguyễn Hữu Chân Phan là một con người “lạ” bởi cái bề ngoài cao lớn lừng lững và phong cách quý tộc mà bạn ông, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan hay gọi đùa là “ông Tây lai”. Lạ bởi ông sống khép kín, hầu như không “đăng đàn” và thoát ra khỏi những cuộc tranh cãi về học thuật để chuyên tâm và “Nghiên cứu Huế” và chăm chút cho thư phòng của mình... Ông “lạ” với hậu thế như chúng tôi bởi những giai thoại như hồi ông còn làm thư viện trường Hai Bà Trưng, dù lúc đó là những năm 1980 khó khăn, nhưng phòng đọc trong thư viện của ông lúc nào cũng thơm phức, lại còn mở nhạc Schubert, Beetthoven... và trên tường treo toàn tranh thiếu nữ của Đinh Cường... Ai làm mất sách thì phải đền, kể cả giáo viên; làm bẩn thì phạt, nợ sách thì quyết đòi cho bằng được, kể cả việc lên trước cuộc họp hội đồng đọc tên đòi nợ...
 

Hoàng Văn Minh thực hiện