Nhà phân phối sữa Danlait có nguy cơ bị NTD kiện

(VietQ.vn) - Khi sự việc sữa Danlait vẫn đang trong quá trình điều tra, thì ở một diễn biến khác, các bà mẹ đã và đang mua và sử dụng cho con loại sữa này nói, họ sẽ khởi kiện.

15.5869

Khi những bà mẹ nổi giận

Trong buổi làm việc với luật sư Trần Đình Triển chiều hôm qua (26/2), chị Đinh thị Ngọc M đại diện cho  người tiêu dùng (NTD) cho biết, chị và các bà mẹ khác đang tập hợp các chứng cứ để khởi kiện công ty phân phối sữa Danlait Mạnh Cầm.

Trao đổi với Chất Lượng Việt Nam, chị M nói: “Hiện chúng tôi đã có chứng cứ khẳng định công ty phân phối sữa dê Danlait có hành vi gian dối, lừa đảo người tiêu dùng. Là những bà mẹ vì những đứa con của mình, chúng tôi không thể chấp nhận sự lừa dối đó, nếu bỏ qua sự việc này, những đứa trẻ khác sẽ lại phải sử dụng loại sữa không đúng với chất lượng mà công ty quảng cáo”.

Sự thiếu chuyên nghiệp của công ty phấn phối thể hiện ở cách ghi sai lỗi chính tả trên nhãn sản phẩm

Trên face book, nhiều ông bố, bà mẹ cũng chia sẻ sự tức giận khi biết sản phẩm sữa dê Danlait chỉ là thực phẩm bổ sung mà họ phải bỏ tiền ra mua bằng giá của sản phẩm sữa. Chưa hết, họ còn cảm thấy bức xúc khi biết sản phẩm sữa dê Danlait của công ty Mạnh Cầm được quảng cáo là sản phẩm hàng đầu Châu Âu mà chính ngay nước xuất khẩu người dân không hề biết có sản phẩm này, thậm chí ngay cả website của hãng sữa cũng được công ty phân phối dựng lên bằng tiếng Pháp để “tạo sự tin tưởng” cho người sử dụng lại được copy nguyên xi từ một hãng sữa khác....

“ Với những chứng cứ có được, chúng tôi sẵn sàng theo vụ kiện đến cùng”, chị M quả quyết.

Trên diễn đàn mạng, hành động khởi kiện công ty phân phối sữa dê Danlait Mạnh Cầm đang được đông đảo các thành viên ủng hộ. Theo nguồn tin riêng, có những bà mẹ chưa từng cho con sử dụng loại sữa này cũng cùng ký đơn kiện chỉ với lý do “chung tay đưa sự việc này ra ánh sáng”.

Cần khởi tố Mạnh Cầm về tội lừa đảo

Luật sư Trần Đình Triển (Ảnh: Thanh Uyên)

Trao đổi với Chất Lượng Việt Nam, LS Trần Đình Triển ( Trưởng Văn phòng luật Vì Dân) cho biết, “Trước hết cần phải khẳng định rằng, đây hoàn toàn không phải là doanh nghiệp quảng cáo nhầm do sơ suất, bởi là doanh nghiệp phân phối sản phẩm thì không có lý do gì mà doanh nghiệp lại không có thông tin đầy đủ về sản phẩm như giá cả, chất lượng, thành phần, chức năng,… để đến nỗi “viết sai” nhãn mác quảng cáo. Việc phù phép từ thực phẩm bổ sung thành “sữa dê Danlait hàng đầu Châu Âu” hoàn toàn là do chủ ý”.

Cũng theo LS Trần Đình Triển, căn cứ vào hành vi cũng như những thiệt hại đã gây ra đối với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm trong suốt thời gian qua hoàn toàn đủ cơ sở để truy tố đại diện trước pháp luật của doanh nghiệp phân phối sản phẩm – cụ thể là Công ty TNHH Mạnh Cầm – ra trước pháp luật về tội “lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trong kinh doanh”.

“Các cơ quan chức năng cần truy tố đại diện trước pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh sữa dê giả mạo này ra trước pháp luật về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trong kinh doanh.

Cụ thể ở đây doanh nghiệp đã lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng thông qua việc bán sản phẩm ra thị trường không đúng với giấy phép đăng ký, chất lượng, giá cả, công dụng”, LS Trần Đình Triển cho biết.

Về công tác quản lý chất lượng, vụ việc của công ty Mạnh Cầm đã chỉ ra việc quản lý theo kiểu hậu kiểm vẫn còn nhiều bất cập. Công tác kiểm tra, kiểm soát, lấy mẫu ngẫu nhiên thử nghiệm chưa được tổ chức thường xuyên. Việc cơ quan quản lý thị trường vào cuộc tuy có ngăn chặn được lượng sữa chưa phân phối của Mạnh Cầm ra thị trường, nhưng nhiều người tiêu dùng đã phải đối mặt với việc đã rồi khi lỡ sử dụng sản phẩm.

Bên cạnh đó, dư luận đã chỉ ra công tác quản lý thị trường sữa (bao gồm cả giá cả và chất lượng) vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể là việc sữa nhập khẩu xách tay (không đăng ký chất lượng, không nộp thuế, không có nhà sản xuất – phân phối chịu trách nhiệm…) đang bán tràn lan ở các shop, cửa hàng trực tuyến, không ai quản lý. Các hãng sữa khi thay đổi bao bì, công bố tăng thêm các thành phần vi chất DHA, AHA, taurin, cholin… thì thực tế cũng không có cơ quan nào kiểm chứng được việc thay đổi thành phần là có thực hay chỉ là quảng cáo.

Cuối cùng, để bảo vệ mình khi dùng sữa, không còn cách nào khác người tiêu dùng buộc phải... thông minh.

Thanh Uyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]