Nhà thiết kế Minh Hạnh: Sự độc đáo dễ chịu!

Dân trí "Điều khó nhất đối với các nhà thiết kế thời trang là đi tìm nét độc đáo trong sự bình thường. Nếu anh đi tìm nét độc đáo trong sự bất thường thì anh bị lọt ngay ra khỏi qũy đạo ấy“, "Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương” tâm sự về nghề thiết kế.

14.387

Đã trên mười lần chị nói rằng “tất cả những nhà thiết kế của Việt Nam được đào tạo từ các trường đều không làm việc được, đó là một thực tế”. Chị có thể nói rõ hơn không?

 

Điều đó thật sự đáng tiếc! Tôi đã nói rất nhiều về điều này rồi. Tất cả những nhà thiết kế của Việt Nam hiện nay mà là các nhà thiết kế được đào tạo từ các trường đều không làm việc được.

 

Ví dụ có hai cô bé cũng học ở trường ra lần đầu tiên làm bộ sưu tập nhưng làm không được, “gãy” liền. Vấn đề ở đây là đào tạo. Khi đội ngũ thời trang Việt Nam, các nhà thiết kế trẻ có sự đào tạo căn bản và vững chắc thì chắc chắn rằng lúc ra trường, vào một công ty  họ sẽ làm việc được ngay. Đằng này…

 

Tôi đã hướng dẫn 3 lớp tại Trường Đại học Kiến Trúc TPHCM, tất cả các em khi đến học với tôi đều… khóc. 4 tháng trời thực tập, có em khóc ròng rã, nước mắt lã chã bảo: “Sao cực thế hả cô? Sao lại như thế này, sao lại như thế kia?”. Tôi kể như vậy để thấy rằng, muốn trở thành nhà thiết kế thời trang thực sự mà không cảm giác về chất liệu, màu sắc, không có thông tin, không xử lý bằng tri thức, không có gì cả thì làm sao anh thành công được.

 

Có nghĩa chị cho rằng vấn đề đào tạo là yếu tố quyết định cho bước tiến của ngành thời trang Việt Nam?

 

Chính là cái đào tạo, không thể là con đường nào khác. Tất cả các nhà thiết kế có sản phẩm bán được nhiều trên thị trường toàn là những nhà thiết kế trong cuộc thi - tự học qua các khoá học do Fadin tổ chức với các giáo sư người Pháp. Bởi vì vẽ đẹp tốt rồi, may đẹp cũng tốt rồi nhưng mà mặc đẹp mới là quan trọng nhất.

 

Theo nhìn nhận của tôi, cái quan trọng nhất của các trường hiện nay nên chú ý vào đầu vào. Những người vào học ngành nghề này phải có tư chất, tức là có yếu tố trời sinh. Giống như ca sĩ mà không có giọng thì…chịu luôn. Dù có đẹp cách mấy, đi hát mà không có giọng thì người ta cũng chê. Nhưng yếu tố tư chất không phải là tất cả, không thể quyết định toàn bộ cuộc đời 1 con người. Người ta có một chút khả năng, cộng với kiến thức căn bản, có sự hiểu biết cuộc sống thì mới làm nên thành công.

 

Có một định nghĩa như thế này: “Thời trang chính là phần ngoại diên của nhân cách”. Vậy theo chị làm như thế nào để bộ trang phục mình vận trên người, cùng các phụ kiện đi kèm thể hiện được tính cách cũng như tâm hồn mình?

 

Chính mình phải biết mình là ai và phải hiểu mình sâu sắc. Nhất là với một người không làm về thời trang, muốn thể hiện cá tính, tâm hồn qua trang phục thì phải hiểu rất sâu về bản thân.

 

Không phải ai cũng hiểu biết mình một cách sâu sắc. Đôi khi có một cô gái hoặc một chàng trai, thấy người ta mặc đẹp liền bắt chước mặc theo, điều đó thật sai lầm vì mỗi người hình thể và cá tính khác nhau, không nên ăn mặc theo trào lưu, nên chú ý đến bản thân để ăn mặc cho phù hợp.

 

Chính vì hiểu biết bản thân một cách sâu sắc mà chị đã tạo được cho mình một hình ảnh riêng biệt, không lẫn vào đâu trong bất cứ chương trình thời trang nào với gu thời trang mộc mạc, duyên dáng, Á Đông?

 

Điều khó nhất đối với các nhà thiết kế thời trang là đi tìm độc đáo trong sự bình thường. Nếu anh đi tìm sự độc đáo trong sự bất thường thì anh bị lọt ngay khỏi quĩ đạo ấy. Anh nên tìm cái độc đáo trong sự bình thường và cố gắng để giữ sự độc đáo đó, luôn luôn mới mới là phong cách.

 

Tôi nhiều khi cũng thấy vui khi đi ra ngoài Hà Nội, có người đi ngang tôi rồi bỗng quay lại nhìn: “ Ủa Minh Hạnh hả, sao bình thường quá vậy? ”. Tôi nói: “Ủa, sao nhà thiết kế lại bất thường à?”. Họ cứ nghĩ nhà thiết kế phải là cái gì ghê gớm!

 

Ở ngoài tôi mặc rất bình thường vì công việc của nhà thiết kế làm việc với các nhà sản xuất rất là nhiều và đương nhiên khi giao tiếp,cần bộc lộ cá tính cũng như sự độc đáo của mình. Đó là sự độc đáo dễ chịu, nếu không sẽ tạo một ấn tượng “nguy hiểm”.

 

Một chút tò mò, từ trước tới nay hiếm khi chị nói về gia đình. Không biết trong cuộc sống gia đình chị Minh Hạnh có “giản dị” như quan niệm về cái đẹp?

 

Tôi không thích trả lời về gia đình đâu. Gia đình là nơi bình yên nhất, vĩnh cửu nhất nên tôi không bao giờ muốn một cái gì đó ảnh hưởng đến. Khi về đến gia đình, đối với tôi giống như về nơi thư giãn, cuộc sống riêng tư của mình…

 

Một câu hỏi cuối, quay trở lại tuần lễ thời trang Xuân Hè 2007, với tư cách cá nhân thì chị thích bộ sưu tập của nhà thiết kế trẻ nào nhất?

 

Thật ra rất nhiều! Mỗi người đều có nét riêng và tôi ấn tượng với BST của nhà thiết kế Đức Hải, đương nhiên không hẳn là thích nhất nhưng tôi ấn tượng vì bộ sưu tập trên chất liệu thể hiện bản sắc của một nhãn hiệu rất đạt, rất con người.

 

Xin cảm ơn chị!

 

Thu Nguyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]