Nhà vệ sinh công cộng: Thiếu mà thừa

QUẢN LÝ ÐÔ THỊ.- Với một thành phố có 7 triệu dân, chưa kể hàng triệu lượt khách vãng lai, mà chỉ có 80 nhà vệ sinh công cộng là quá ít

15.6219

Sở Giao thông Công chánh (GTCC) đang chuẩn bị thực hiện chương trình tem phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường và Công ty Môi trường Ðô thị sẽ cho ra mắt đội quân thanh tra thực hiện quyết định này. Nhưng để có thể xử phạt triệt để các hành vi phóng uế tùy tiện trên đường phố thì phải có nhiều nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).

Thiếu vì số lượng NVSCC quá ít

Thực tế, TP hiện có khoảng 80 NVSCC ở 2 dạng cố định và di động. Số NVSCC này chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành do 4 đơn vị quản lý là Công ty Môi trường Ðô thị, các công ty dịch vụ công ích quận – huyện, Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong, Khu Ðường sông. Ông Nguyễn Bá Dũng, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, nhận xét: “Với số lượng NVSCC như thế chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân TP”. Thật vậy, với một TP 7 triệu dân chưa kể hàng triệu khách vãng lai, mà chỉ có 80 NVSCC là quá ít ỏi.

Suốt tuyến đường Ðiện Biên Phủ kéo dài đến ngã tư Hàng Xanh, nơi có mật độ người qua lại khá cao nhưng không hề có một NVSCC nào. Chính vì thế, cảnh tùy tiện “trút bầu tâm sự” đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc đối với những ai thường xuyên đi trên con đường này. Chị Hoàn Nguyên, phường 17, Q. Bình Thạnh, bức xúc: “Tôi rất khó chịu với những cảnh vô văn hóa như thế! Nhưng nghĩ lại cũng chẳng có gì lạ, bởi có nhà vệ sinh đâu mà bảo họ đi cho đúng chỗ, đúng nơi”. Không riêng gì tuyến đường Ðiện Biên Phủ mà một số tuyến đường trung tâm của TP như Võ Văn Tần,  Pasteur... cũng thế. Việc thiếu NVSCC dẫn đến tình trạng phóng uế bừa bãi như hiện nay đã được cảnh báo từ rất lâu nhưng các cơ quan chức năng dường như vẫn chưa mặn mòi đầu tư xây dựng.

Thừa vì ít người sử dụng

Nói về tình trạng vắng khách của NVSCC ở góc đường Lý Thái Tổ - 3 Tháng 2, chị Phan Thị Cảnh, người phụ trách nhà vệ sinh này, cho biết: “Lượng khách vào nhà vệ sinh rất ít. Nguyên nhân chính là sự phân bố chưa hợp lý, chỉ đường Lý Thái Tổ mà có đến 3 nhà vệ sinh”. Không chỉ vì sự phân bố không hợp lý mà nguyên nhân ở đây còn do sự xuống cấp và tệ nạn xã hội phát sinh trong NVSCC làm cho người đi đường cảm thấy ngán ngẩm khi bước vào. Ðến NVSCC góc Trần Phú - Lê Hồng Phong, nơi từng được xuất hiện trên báo với bảng hiệu “xin quý khách tự coi chừng xe”, thì hiện nay dù cái bảng hiệu ấy không còn nữa, nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn. Khi chúng tôi hỏi có người giữ xe hay không, người quản lý trả lời gọn ơ: “Ðể đó chứ ai mà coi!”. Thật hết sức phi lý! Khi làm chuyện kín đáo như thế mà còn phải lo coi xe thì bất tiện quá. Ðó là chưa nói một số NVSCC quá nhếch nhác làm cho khách vừa vào chỉ muốn quay ra lập tức. Tại khu vực hồ Con Rùa, nơi thường xuyên được nhiều người đến thư giãn vui chơi, lại tồn tại một nhà vệ sinh chẳng vệ sinh chút nào. Nhà vệ sinh nơi đây không chỉ xập xệ, che đậy chắp vá mà người phụ nữ quản lý phải đeo khẩu trang suốt ngày để chống lại mùi hôi thối.

NVSCC tại Công viên 23-9 có vẻ khang trang, đặc biệt là tấm biển cảnh cáo treo ngay phía trước với nội dung “nghiêm cấm sử dụng các chất ma túy”. Nhưng khi bước vào thì hỡi ôi, trong thùng rác của cả 2 phòng vệ sinh đều đầy những ống chích còn dính máu tươi. Anh Hồ Tăng Khoa, quận 10, cho biết: “Tôi không ngờ nhà vệ sinh tại trung tâm lại có thể tồn tại nạn hút chích như thế. Liệu người dân đến đây có dám bước vào nhà vệ sinh hay không, nhất là nơi đây có rất nhiều cháu nhỏ theo gia đình vui chơi”.

Quy hoạch - chờ đến bao giờ?

Từ trước đến nay, việc lắp đặt NVSCC chưa mang tính quy hoạch đồng bộ. Chính điều này đã gây ra không ít khó khăn cho Sở GTCC khi thực hiện chủ trương kêu gọi nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng NVSCC. Theo ông Nguyễn Bá Dũng, Trưởng Phòng Quản lý môi trường: “Nguyên nhân chính làm cho việc đầu tư xây dựng NVSCC chưa mang lại hiệu quả cao là do TP chưa quy hoạch các địa điểm NVSCC”. Năm 2000, Công ty Môi trường Ðô thị đã lập đề cương dự án “Quy hoạch phát triển hệ thống NVSCC” trình lên TP. Tuy nhiên, theo Sở GTCC, dự án này không được phê duyệt, vì theo Sở Kế hoạch - Ðầu tư, việc lập quy hoạch NVSCC là chưa thật sự cần thiết.

Ðể cho năm 2002 thật sự là Năm Trật tự đô thị và các NVSCC hoạt động có hiệu quả, sở nên ban hành một chính sách khuyến khích những khu thương mại tập trung, các cây xăng tham gia đầu tư xây dựng NVSCC nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị và giải quyết được vấn đề khó khăn mặt bằng. Thực hiện được những vấn đề vừa nêu mới mong đẩy lùi được tình trạng mất vệ sinh, thiếu văn hóa trên đường phố.

Quý Hiền - Ðoàn Phú
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]