Không nghiên cứu thị trường, không có chiến lược tiếp thị rõ ràng và cũng không có kế hoạch chăm sóc khách hàng, giới âm nhạc Việt Nam bước ra thế giới như thế nào? Vui Xuân năm Dần, mời bạn đọc chia sẻ vài ý kiến quanh đề tài này…

1. Của một đống, công một nén

Như đã thành lệ, những chuyến lưu diễn của dàn nhạc giao hưởng, những lời mời tham dự liên hoan dành cho các nhạc sỹ, ca sỹ Việt Nam từ nước ngoài không phải là việc xuất khẩu nghệ thuật sáng tạo, bởi nó không mang tính thương mại, mà chỉ rơi vào tình cảnh “của một đống, công một nén”, doanh thu quá nhỏ bé với đầu tư. Đó là một thực tế gây nhức nhối.

Lý giải cho sự thất bại thảm hại của các sản phẩm sáng tạo của âm nhạc Việt Nam trên thị trường thế giới, nhiều người đổ lỗi cho chất lượng sản phẩm, nhưng không hẳn.

Sau chuyễn lưu diễn ở Mỹ, một nữ ca sỹ Việt Nam đã tìm đến tặng đĩa cho một nhà sản xuất Mỹ và bị từ chối thẳng thừng.

Nhạc sỹ Lê Minh Sơn.Ảnh: Tuoitre

Trái lại cũng có người bạn từ xa tỏ ý muốn làm điều gì đó với một tác giả Việt Nam nào đó, cho dù người nhạc sỹ này chưa chắc đã nhận sự chia sẻ thật sự ở nơi ông sinh ra

Cũng có người bảo rằng, sự thất bại của ta nằm ở chỗ ta thiếu sự quảng bá. Nhưng nhiều người lại quên mất một điều cốt tử: Dù không quan tâm nhiều lắm đến thị trường nhạc Việt, song một khi ai đó đã có ý định tiếp cận thị trường của ta, họ đều bỏ công để thực hiện những cuộc nghiên cứu thị trường.

Biết vậy, nhưng vẫn không học được là bao, bởi cho đến nay, vẫn chưa có một ca sỹ hay một công ty âm nhạc nào chịu khó đi nghiên cứu thị trường, trong khi ấy, việc xúc tiến thương mại thường vẫn chỉ là hệ quả của những quan hệ cá nhân.

2. Chuyện về những cái chai

Một buổi chiều đông tối trời, khi Hà Nội vừa bắt đầu lên đèn, tôi ngồi đối diện với nhạc sỹ Hoàng Vân ngay gần nhà ông ở phố Hàng Thùng.

Tôi biết Hoàng Vân là một trong ba nhạc sỹ Việt Nam từng được qua Pháp để giới thiệu âm nhạc, nhưng không phải do Việt kiều mời như nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu và Trịnh Công Sơn, mà đi theo thư mời của Bộ Văn hóa Pháp.

- Kể cũng thú vị, ở đó mình được nói chuyện với bạn bè bằng âm nhạc, về cuộc đời và về tác phẩm.

Hồi đó, Lê Dung vẫn còn, cô ấy cùng ca sỹ Quang Thọ đã hát cho những bạn bè ở Paris nghe các tác phẩm của Hoàng Vân đấy. Hôm đó đông lắm và có cả ông bà đại sứ đến dự. Hát xong vẫn có “bise”(yêu cầu hát lại) đấy nhé!

- Để có được điều này, ngoài việc “hữu xạ tự nhiên hương” ra thì người nhạc sỹ ắt phải có nội lực…

- Và sự trợ giúp của xã hội. Năm trước, thành công đêm Giao hưởng Hoàng Vân là do Vietnamnet đấy chứ, và vừa rồi, đêm nhạc Hoàng Vân tại sân khấu Nhà hát Lớn cũng do anh em giúp xa gần đỡ.

- Nhưng nhìn chung thì sự giao lưu với bên ngoài của nhạc sỹ Việt là chậm chạp, ông có thấy như thế không?

- Có thế thật. Có người đã bảo, nhạc Việt vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm trong sự chậm trễ ấy, tuy hiện nay, việc tiến hành giao lưu học hỏi đã khá hơn trước nhiều.

Bỗng nhạc sỹ nhoẻn miệng cười bảo tôi:

- Cậu đọc sách đâu đó chắc biết rằng, mọi bùa chú và tín ngưỡng đa thần đều tồn tại trên con thuyền của những người đánh cá, tức là ở trên biển.

Đã có lúc mình mơ đang ở Los Angeles, ngay bên cạnh ngọn đồi của kinh đô điện ảnh Hollywood, thả xuống biển chiếc chai ở bên trong đựng nhạc của Hoàng Vân và viết tựa đề bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, hôm sau lại thả chai ở hải cảng Philadelphia và thế là chỉ vài ngày sau, ở Marsseille, người ta sẽ nhận đươc….

Ai chả biết, trước sau thì việc truyền lại cho thế giới bên ngoài những gì con người đã sáng tạo nên vẫn là ước vọng của nhân loại.

Chia tay người nhạc sỹ tài ba của làng nhạc Việt Nam, tôi vẫn như còn nghe văng vẳng một xác tín từ xa xưa: Hễ lúc nào có một thông điệp được tìm thấy ở bên trong một chiếc chai trôi dạt bên đại dương, người ta lại cảm giác như có một điều kỳ diệu đã vượt ra ngoài những câu chuyện thần thoại.

Và dù ít, song những câu chuyện thần thoại đó vẫn cứ tồn tại quanh đây, trong cuộc sống này!

3. Không xây nhà từ nóc

Tôi gặp Lê Minh Sơn trên khán đài sân Hàng Đẫy. Anh là fan ruột của túc cầu.

Mũ trùm che nắng và cách ngồi thu lu làm nhiều người chưa kịp nhận ra gương mặt điển trai và mái tóc dài của một nhạc sỹ trẻ có tên tuổi.

Chúng tôi vừa xem bóng đá vừa tâm sự chuyện làm sao nhạc Việt ra khơi, xem ra việc này cũng có cái gì đó, khó như bên VFF vậy. Sơn bộc bạch:

- Thật ra thì đây là một vấn đề rất rộng, rộng hơn nhiều so với một tác giả trẻ như tôi. Mà nó lại động chạm đến nhiều vấn đề có liên quan mật thiết đến cuộc sống của con người ở Việt Nam.

Phải chăng, chỉ khi nào có hàng triệu người Việt Nam hiểu được rằng, khát vọng đưa nhạc Việt ra biển không còn là việc của một số rất ít người yêu nhạc và làm âm nhạc, thì lúc đó, cái phải đến sẽ đến? Âm nhạc của chúng ta có những gì, ngoài việc gặp gỡ để rồi hát cho nhau nghe?

Chúng ta chưa có gì cả, vì thế cần bắt tay xây dựng một nền móng cho tốt, thật văn minh và vững chắc, lại có tính chất hiện đại trên nền chất liệu Việt Nam, thì lúc đó may ra mới làm được điều gì đó…

Câu chuyện của chúng tôi đang xôm, thì dưới sân đã có bàn thắng. Bên cạnh tôi, Sơn hét lên sung sướng, rồi lập tức nín lặng.

Tôi hiểu, đã thành danh ở tuổi 35, con người này làm tôi yêu ở chỗ luôn biết sống vừa vặn với mình, luôn biết ngẫu hứng trong sự tiết chế.

4. Hãy làm tốt việc đưa nhạc Việt đến với người Việt

Tôi gặp nhạc sỹ Ngọc Châu trong ngôi nhà tràn đầy âm nhạc của anh, thật vui vẻ và cũng thật hy hữu. Cha là nghệ sỹ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng, mẹ là ca sỹ Vũ Dậu nổi danh và cô em gái là ca sỹ Khánh Linh có tiếng hát như chim, vì thế Ngọc Châu, luôn có một hậu phương vững vàng.

Là nhạc sỹ trẻ, mới 42 tuổi, song Ngọc Châu đã chỉn chu trong nghề nghiệp và có phong cách chững chạc của một người thầy ở sân chơi của mình.

Rất tâm huyết với khát vọng đưa nhạc Việt đi xa, song anh sớm ý thức về một thực tế, làm sao đưa nhạc Việt Nam đương đại đến được với đa số công chúng Việt, trước tiên là với lớp trẻ.

- Tôi chia sẻ với băn khoăn và ước mơ của lớp nhạc sỹ cha chú. Tôi cũng bức xúc vì nhiều bậc cha mẹ đang lo lắng trước tình trạng xô bồ của ca khúc Việt Nam.

Thật hạnh phúc khi một nhạc sỹ Việt Nam có bài hát hay tác phẩm khí nhạc được biểu diễn trên sân khấu quốc tế, song chuyện làm sao để nhạc Việt sẽ có con đường “vượt biển” một cách nhanh chóng e là sự vội vàng.

Tôi tự thấy mình cũng không còn trẻ nữa, song vẫn tự nhủ hãy bình tĩnh và công bằng hơn khi bày tỏ mơ ước, hãy làm thật tốt việc đưa thứ âm nhạc Việt Nam lành mạnh và đầy bản sắc dân tộc, hiện đại, đến với bạn trẻ Việt Nam đã, trước khi nghĩ đến những cú vượt vũ môn ngoạn mục.

5. Còn đó những rào cản

Trên đời, việc biết người xem ra có khi lại dễ hơn việc biết mình. Ví như trong địa hạt văn chương, nhiều người dễ thấy cái hay của người khác đã được tôn vinh và cứ nghĩ văn mình cũng đáng được thế, nhưng chưa đến thế.

Còn trong âm nhạc, có thực tế là tài năng chưa được thẩm định, đôi khi bị ngộ nhận và từ đó dẫn đến sai số.

Một trong những ví dụ nhãn tiền là trường hợp của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc, trích ngang thế này: Là một nhạc sỹ chuyên nghiệp, học nhạc từ năm lên 10 tuổi và được đào tạo chính quy cả hai chuyên ngành: sáng tác và biểu diễn piano.

Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc. Ảnh: VNN

Đặng Hữu Phúc từng tu nghiệp tại Nhạc viện quốc gia Paris và là nghệ sỹ độc tấu pinao của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam trong hơn 20 năm. Hiện nay Đặng Hữu Phúc giảng dạy bộ môn Sáng tác ở Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội.

Anh là nhạc sỹ đầu tiên của Việt Nam giành giải nhạc phim xuất sắc nhất tại một liên hoan phim quốc tế (Giải Kim Tước, Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 8 tháng 6/2005) sau khi vượt qua 375 phim của 40 nước.

Thế mà vấp. Anh bị Ban giám khảo Việt Nam loại khỏi vòng đầu 2 tác phẩm, một hợp xướng và 1 bản giao hưởng, trong đó, bản giao hưởng bị “phán” là khó biểu diễn, nên không xét!

Trong khi ấy, bản nhạc đã được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn không dưới 3 lần do Tetsuji Honna- là một nhạc trưởng tài năng người Nhật Bản chỉ huy

Vấn đề là ở nhận thức. Một khi chúng ta còn thiếu những “vũ khí” cần thiết nhất để cắt nghĩa những hiện tượng thiên nhiên và con người thì sai số là có cơ sở.

Với âm nhạc, một khi khát vọng ra biển vẫn còn vấp phải sự hạn chế từ nội lực của chính chúng ta, hoặc ở một bộ phận có thẩm quyền phán xét chúng ta, thì bên cạnh một chính sách mở hơn nữa của Nhà nước, việc cần làm ngay là nhanh chóng có chính sách đầu tư cho chất xám của chính những người cầm cân nảy mực.

Nhạc Việt đã và vẫn đẹp, song nó cần được chắp cánh và thẩm định ngay từ bên trong trái tim của những người làm âm nhạc chân chính, trước khi mơ giấc mơ biển cả

Đặng Hữu Phúc


Nguyễn Lưu
Theo báo Đầu tư số Tết 2010


Video đang được xem nhiều