Nhận biết và điều trị sớm bệnh Kawasaki ở trẻ

Bệnh khởi phát với triệu chứng sốt cao kéo dài, đỏ mắt, phát ban đỏ khắp cơ thể…, gây biến chứng lên tim mạch, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, làm đột tử trẻ.

0

Bệnh Kawasaki được đặt theo tên một vị giáo sư người Nhật Bản - người đã phát hiện ra căn bệnh này đầu tiên. Bệnh làm viêm các mạch máu và có thể gây tổn thương tạm thời đến tim.

Theo PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch BV Nhi đồng 1 TP HCM, những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tăng cao. Trung bình mỗi năm ở Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 100 trẻ em đến điều trị.

Cần đưa trẻ đi thăm khám sớm để điều trị bệnh Kawasaki. Ảnh: zimbio.com

"Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi", bác sĩ Phúc cho biết.

Các triệu chứng điển hình thường gặp:

- Sốt cao liên tục, khó hạ sốt.

- Kết mạc mắt sung huyết, khô, đỏ.

- Môi khô, đỏ, nứt nẻ, chảy dịch, chảy máu.

- Lưỡi đỏ giống quả dâu tây.

- Niêm mạc vùng hầu họng đỏ rực.

- Hồng ban ở da.

- Hạch cổ sưng.

- Lòng bàn tay, bàn chân sưng đỏ.

- Bong da đầu ngón tay, ngón chân.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh là viêm, tắc động mạch vành (động mạch chính nuôi tim), dãn phình động mạch vành, dẫn tới suy tim. Cần phát hiện bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện sớm. Nếu được điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ mắc bệnh thì có thể ngừa được các biến chứng ở tim.

Bệnh được điều trị bằng 2 thuốc chính:

- Uống Aspirin làm giảm đau, hạ sốt, chống viêm và phòng ngừa tắc động mạch vành.

- Truyền tĩnh mạch Gamma globulin phòng ngừa biến chứng dãn phình mạch vành.

Bác sĩ Phúc lưu ý, bệnh nhân không nên chủng ngừa các bệnh (sởi, quai bị, rubella, thủy đậu...) trong vòng 3 tháng sau khi truyền Gamma globulin. Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị và tái khám theo dõi sau khi xuất viện để phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm.

AloBacsi.vn
Theo Lê Phương - VnExpress
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]