Nhận biết và điều trị viêm khớp Reiter

Viêm khớp Reiter là bệnh viêm khớp phản ứng, viêm khớp vô khuẩn xảy ra sau một nhiễm khuẩn ở một cơ quan ngoài khớp.

15.6116

Viêm khớp Reiter là bệnh viêm khớp phản ứng, viêm khớp vô khuẩn xảy ra sau một nhiễm khuẩn ở một cơ quan ngoài khớp, chủ yếu là ở hệ tiết niệu sinh dục, hệ tiêu hoá... Bệnh gây tổn thương ở một số cơ quan như kết mạc, niệu đạo, đại tràng, cầu thận...

Có phải sau nhiễm khuẩn là viêm khớp?

Bệnh viêm khớp Reiter (VKR) gặp ở mọi quốc gia trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, châu Á trong đó có Việt Nam. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, mức độ nặng nhẹ rất khác nhau. Bệnh VKR thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ từ 20-40; ít gặp ở trẻ em và người cao tuổi. Nam mắc bệnh chiếm ưu thế từ 55-70%.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh VKR chưa được biết rõ, các chuyên gia cho rằng đây là bệnh có cơ chế qua trung gian miễn dịch, liên quan đến sự tồn tại của các kháng nguyên vi khuẩn trong khớp... Các vi khuẩn thường gặp liên quan đến bệnh là: Chlamydia trachomatis, Yersinia, Salmonella Typhimurium, Shigella...

Bệnh xảy ra sau một nhiễm khuẩn ở một cơ quan ngoài khớp, chủ yếu là ở hệ tiết niệu, sinh dục, hệ tiêu hóa.

Biểu hiện bệnh thế nào?

Bệnh gây tổn thương ở nhiều cơ quan: khớp và ngoài khớp. Viêm các khớp chủ yếu ở chân, không có tính chất đối xứng. Viêm phần mềm quanh khớp kết hợp với các tổn thương niêm mạc xảy ra 4-8 tuần sau khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sinh dục hoặc đường tiêu hoá.

Một số tổn thương trong bệnh viêm khớp Reiter.

Tổn thương khớp ngoại biên gặp ở nhiều mức độ khác nhau: đau mỏi khớp, viêm sưng, nóng, đỏ, đau, tràn dịch ở một hoặc vài khớp, hạn chế vận động khớp, viêm dính khớp và tàn phế. Triệu chứng nổi bật là viêm một khớp hoặc vài khớp không đối xứng, hay gặp ở các khớp chịu trọng lực ở chân như khớp gối, khớp bàn cổ chân, khớp háng. Tuy nhiên, bệnh cũng có tổn thương ở các khớp lớn khác như khớp vai, khớp khuỷu tay, ít gặp ở các khớp nhỏ như khớp bàn cổ tay hoặc khớp ngón tay.

cột sống, bệnh nhân thường đau vùng cùng chậu, đau cột sống thắt lưng, hạn chế vận động cột sống sau khi nằm lâu. Đau và hạn chế vận động vùng đốt sống do tổn thương viêm chỗ bám của các sợi xơ vào bề mặt thân đốt sống: bệnh nhân bị đau âm ỉ vùng cột sống lưng hoặc thắt lưng, đau có thể lan xuống vùng mông.

Tổn thương viêm dây chằng, cân cơ, các điểm bám gân, bao khớp. Hay gặp viêm gân Achilles, viêm các điểm bám gân cơ ở chi, viêm các lồi cầu xương cẳng chân và cẳng tay. Viêm, sưng mô mềm quanh các ngón tay, ngón chân tạo hình ảnh lâm sàng đặc biệt trong bệnh VKR, là ngón chân, ngón tay "hình khúc dồi" hoặc "hình xúc xích".

Các tổn thương ngoài khớp: bệnh nhân có sốt, gầy sút, thiếu máu nhẹ. Viêm củng mạc mắt vô khuẩn, viêm mống mắt... Biểu hiện là: đỏ mắt, sợ ánh sáng, giảm thị lực. Tổn thương da, móng và niêm mạc: da ở ngực, chi, gan bàn tay, bàn chân, bìu... có các ban hồng hoặc các mảng sừng hoá nhẹ, nhưng không ngứa, không có mụn nước.

Viêm niêm mạc, vòm miệng có mảng đỏ sẫm, không đau, không chảy máu. Viêm loét niêm mạc sinh dục: loét xung quanh miệng sáo...Viêm đường tiết niệu: đái buốt, đái dắt, khó đái, hội chứng bàng quang, đái máu vi thể, đái ra protein... kéo dài trong vài ngày rồi khỏi hẳn. Triệu chứng ở hệ tiêu hoá: đau bụng, rối loạn tiêu hoá, triệu chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu, hội chứng Crohn, viêm đại tràng mạn tính...

Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể thấy sự phù nề phần mềm cạnh khớp, hình ảnh viêm điểm bám gân hoặc viêm khớp cùng chậu...

Điều trị ra sao?

Giai đoạn cấp tính dùng thuốc chống viêm không steroid. Thuốc kháng sinh cần phải điều trị ngay trong đợt viêm khớp cấp tính nếu có kèm theo nhiễm khuẩn đường niệu, sinh dục, tiêu hoá... nhằm hạn chế sự phát tán của kháng nguyên vi khuẩn và làm rút ngắn thời gian tiến triển của bệnh.

Tại chỗ: tiêm phần mềm quanh khớp, các điểm bám gân, bao gân, các lồi cầu xương bằng các chế phẩm corticoid dạng nhũ dịch là một trong các liệu pháp điều trị hiệu quả, an toàn và chi phí thấp.

Dùng vật lý trị liệu có hiệu quả tốt trong các trường hợp có tổn thương viêm khớp và tổn thương phần mềm quanh khớp như chườm lạnh các khớp viêm, để các khớp viêm ở tư thế cơ năng nhưng không được bất động tuyệt đối. Nếu bệnh nặng có yếu cơ, teo cơ, dính khớp phải tập phục hồi chức năng.

Giai đoạn mạn tính: dùng thuốc như giai đoạn cấp tính nhưng thời gian điều trị có thể kéo dài hơn cho đến khi ổn định được tổn thương khớp. Điều trị tổn thương ngoài khớp như mắt, da, thận...

Làm gì để phòng bệnh?

Bệnh VKR có thể khỏi hẳn không để lại di chứng, song vẫn có một số bệnh nhân chuyển sang viêm cột sống dính khớp, với hậu quả nặng nề về chức năng vận động khớp và tổn thương ngoài khớp. Vì vậy, việc phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng.

Các biện pháp phòng bệnh là: thực hiện ăn chín uống sôi, bảo quản thức ăn tốt để ngăn ngừa vi khuẩn lây bệnh qua thức ăn như Salmonella, Yersinia, shigella và campylobacter. Luôn luôn thực hành tình dục an toàn để phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục...

Theo ThS. Nguyễn Xuân Lục - Sức khỏe và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]