1. Đang nghỉ dưỡng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, lòng bà quặn thắt khi nghe người thân báo tin “ông Năm Công vừa mới mất”. Những kỷ niệm với người thủ trưởng, người đồng chí, người anh ùa về trong bà. Sáng 10-9, đứng trước linh cữu, cầm nén hương, bà mếu máo khóc: “Em chẳng kịp về nhìn anh trước lúc ra đi”.

Bà là Nguyễn Thị Liên (81 tuổi), người giao liên trung thành của ông ở những chiến trường ác liệt năm xưa. Giác ngộ lý tưởng từ lúc lên 15 và cũng từ đó bà nguyện một lòng theo ông Năm đi làm cách mạng. Khi ông Năm rời chiến trường khu 5 về Trung ương Cục miền Nam, bà là một trong nhóm người được ông Năm tin cẩn chọn vào hoạt động giao liên đơn tuyến. “Cái tên Nguyễn Thị Liên là do anh Năm đặt cho đó” (tên thật của bà là Nguyễn Thị Dũng) - mắt bà đỏ hoe trước cuốn sổ tang.

Bà kể: “Anh Năm sống nghĩa tình, có trước có sau lắm! Ngày giải phóng xong, tôi và nhiều đồng chí hoạt động năm xưa trở về quê cũ làm ăn sinh sống. Cứ ngỡ là lạc mất nhau và bị thời gian quên lãng. Nào ngờ anh Năm âm thầm cho người đi tìm kiếm, xác nhận hoạt động để Nhà nước ghi công cho chúng tôi…”.

Những năm tháng ở TP.HCM, bà thường hay lui tới thăm ông. Ông luôn ân cần hỏi han về những khó khăn trong cuộc sống. “Mà lần nào tới chơi anh cũng bảo: “Con Liên ở lại chơi nhiều nhiều chút”, về là anh không cho”. Cách đây hai tuần, biết ông yếu, bà đến BV Thống Nhất thăm. “Khi ấy mấy cô y tá vào tiêm thuốc, anh không chịu, cũng không chịu ăn cháo. Tôi phải ngồi nói chuyện, dỗ dành một hồi anh mới chịu ăn miếng cháo và cho tiêm thuốc. Mới đó… vậy mà. Biết là tới tuổi trời rồi, thế nhưng nghe tin anh đi, tôi thấy mất mát điều gì đó to lớn quá!”.

Bà Nguyễn Thị Liên, người giao liên năm xưa của ông Năm Công xúc động ghi sổ tang. Ảnh: MC

2. Cũng trong buổi sáng viếng đầu tiên ấy có một người đàn ông nói tiếng Quảng đặc sệt, phập phồng đợi mãi để được vào thắp một nén hương cho người thủ lĩnh ngày nào. Ông là Mai Thúc Luân, nguyên Tổng Biên tập báo Văn Hóa. Ông đúc kết: “Cụ là người quyết liệt. Và đó là sự quyết liệt của một người thận trọng, chắc chắn. Chính cụ đóng vai trò chủ đạo quyết đánh để giải phóng Đà Nẵng sau khi quân ta giành chiến thắng ở Buôn Ma Thuột. Lúc đó có nhiều ý kiến nói cần cân nhắc vì Đà Nẵng là cứ địa rất mạnh của quân địch. Thế nhưng cụ quả quyết đánh! Và lịch sử đã chứng minh quyết định của cụ đúng”. Rời chiến tranh, ở những vị trí lãnh đạo của đất nước, cụ là người hết lòng vì nước, vì dân. Thực tiễn hoạt động của đời cụ cho thấy muốn ra một quyết sách gì thì luôn đi sâu vào thực tế và phải nghe thực tế lên tiếng mới làm. Cụ là người quyết liệt bảo vệ “khoán chui” (khoán 100) và cũng là người chủ xướng ra khoán 10, ủng hộ Đổi mới, nhờ đó mà nông nghiệp mới được cởi trói và nền kinh tế đã bước qua cơn thập tử nhất sinh của thời kỳ đó”.

Ông Võ Duy Đề, người được nguyên Chủ tịch Võ Chí Công giác ngộ cách mạng và đã làm việc nhiều lần với cụ, nhớ lại những năm chuẩn bị ra khoán 10. Ông Đề trải lòng: “Cụ là người cẩn trọng và tâm lý lắm! Khi dự thảo lại Chỉ thị 100 chuẩn bị ra khoán 10 để đưa ra bàn luận ở Trung ương, vì biết còn nhiều ý kiến cho rằng làm thế là đi ngược lại đường lối trước giờ nên cụ dặn dò không nên tranh luận gay gắt và “nghênh chiến” mà cần thuyết phục để được làm thí điểm. Khi ấy tôi có hỏi vì sao lại không tranh luận, cụ nói: “Chỉ có kết quả của việc thí điểm thực tế, kết quả của lòng dân mới là bằng chứng thuyết phục nhất. Với lại cũng không nên gay gắt trong chuyện này, để tránh sự tự ái làm tổn thương người khác về sau”. Sau này khi khoán 10 thắng lớn, tôi có hỏi: “Cụ thấy thế nào về quyết định của mình ngày trước?”, cụ chỉ cười hiền, vỗ vai tôi. Cụ là người mềm dẻo mà kiên quyết và tế nhị lắm. Sống rất khiêm tốn và hòa đồng với anh em. Chúng tôi không chỉ học cụ về cách thức nắm chắc quy luật thực tiễn, mà còn học được ở con người ấy cách đối nhân xử thế sâu sắc”.

3. Lẫn trong những dòng khách viếng sáng 10-9 có những chiếc áo thường dân cũ kỹ, lặn lội từ những miền đất xa xôi đến chỉ để thắp cho người con ưu tú của đất nước một nén hương lòng. Ông Huỳnh Ngọc Mỹ (quê xã An Phước, huyện Châu Thành, Bến Tre), 4 giờ sáng đã dậy, bắt chiếc xe tốc hành đến thẳng Hội trường Thống Nhất. “Ông Võ Chí Công là ân nhân của bà con nông dân chúng tôi. Nghe báo, đài thông báo ông mất, tôi phải canh ngày viếng, nói với gia đình đi thăm bà con trên Sài Gòn để được đến thắp nén hương cho ông” - ông Mỹ tâm sự.

Hay như ông Huỳnh Huyết Hùng, một thường dân gốc Cần Thơ, cũng hòa vào dòng người để được đến viếng trước khi cụ về với đất mẹ, lúc bước ra khỏi phòng tang lễ hai mắt ông đỏ hoe, tay run run cầm chiếc nón cũ, thẫn thờ bước qua những vòng hoa “Vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Chí Công”…

MINH CƯỜNG

Một người rất tình nghĩa

Năm 1940, anh Võ Chí Công (tên thật là Võ Toàn) làm bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam. Anh tôi là Hoàng Mai,  làm tỉnh ủy viên. Nhóm Xuân-Hạ-Thu-Đông hình thành từ đó (Xuân - bí danh của ông Võ Chí Công, Hạ - bí danh ông Hoàng Mai, Thu - bí danh ông Mã Sắc Kim, Đông - bí danh ông Trương Kiểu - PV). Thời gian này, anh Võ Chí Công bị chính quyền thực dân truy nã khắp nơi nhưng vẫn thường lui tới nhà tôi ở Duy Xuyên, Quảng Nam để hoạt động. Anh đi lại nhiều mà không bị phát hiện nhờ mưu trí, lúc thì đóng vai người mua heo, lúc thì giả làm người bán tơ… Do rành chữ Hán, tôi giúp các anh viết tài liệu cách mạng để tuyên truyền. Thấy tôi có tình cảm với cách mạng, anh viết giấy giới thiệu tôi ra học Trường Chấn Thanh ở Đà Nẵng. Đó là bước đường đầu tiên đưa tôi đi theo cách mạng. Năm 1945, tôi được điều về làm ở Trường Quân chính Quảng Nam. Một trong hai người giới thiệu tôi vào Đảng là anh Võ Chí Công. Sau đó, tôi làm việc chung với anh ở Quân khu ủy 5 được một thời gian rồi mỗi người mỗi việc. Sau này mỗi khi bạn bè, đồng chí có dịp ngồi lại thì đều nhắc anh là một người quá đỗi giản dị. Anh phụ trách đảng ủy Quân khu 5 nhưng ra với dân, người ta không biết đâu là cán bộ, đâu là dân.

Sau này khi gia đình tôi chuyển vào TP.HCM, anh chủ động dò tìm đến nhà để thắp nhang cho ba mẹ và anh tôi. Anh hỏi gia đình tôi có được hưởng chính sách gì không. Tôi thưa không. Thấy anh buồn lắm, rồi anh về viết thư gửi đến chính quyền yêu cầu công nhận gia đình chính sách cho ba mẹ tôi vì đã có công che giấu cách mạng. Từ đó, ba mẹ tôi được trao bằng Tổ quốc ghi công.

Những lần họp Hội đồng hương Quảng Nam, anh cũng đến để thăm hỏi đời sống của bà con ngoài quê ra sao. Hễ nghe nói hội đang ủng hộ quỹ khuyến học hoặc trao học bổng cho ai đó là anh rút tiền túi ra góp. Anh vốn là người ít nói nhưng đã có vài lần anh nhắn nhủ rằng bà con mình giàu ý chí nhưng còn khó khăn lắm, ai giúp gì được thì chung tay giúp chứ đừng nề hà.

Ông HOÀNG KIM, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam

T.MẬN ghi


Video đang được xem nhiều