Nhẫn nhịn liệu có phải là giải pháp?

0

Trên bức tường trang trọng nhất trong nhà Quỳnh có treo một tấm gỗ vuông khắc nổi một chữ Hán phủ nhũ vàng. Cô chẳng biết là chữ gì nên hỏi mẹ. Mẹ bảo đó là chữ “nhẫn” và giảng giải ý nghĩa của nó là nhẫn nhịn, chịu đựng, một đức tính cần thiết của người phụ nữ. Tục ngữ cũng dạy: “Một câu nhịn chín câu lành”. Ai làm điều gì mà mình không thích, cứ nhịn đi cho êm cửa êm nhà.

Chuyện của Quỳnh

Mẹ bị ung thư, mất năm 44 tuổi. Hai năm sau, cha lấy vợ khác. Người mẹ kế chỉ hơn Quỳnh khoảng chục tuổi, da trắng, tóc dài, người tuy đẹp nhưng đối xử với Quỳnh rất hà khắc, nhiều cái vô lý không chịu nổi. Mỗi lần như thế, Quỳnh lại nhìn lên chữ “nhẫn” của mẹ để lại, rồi lén nhìn vẻ mặt giận dữ của cha, không dám nói nửa lời, chỉ âm thầm lau nước mắt. Quỳnh nghĩ, phải cố học để thoát khỏi căn nhà này.

Tốt nghiệp đại học được một năm, vừa đi làm được mấy tháng, Quỳnh lấy chồng. Chồng Quỳnh là Tuân, hơn vợ sáu tuổi. Anh đã đi làm được mấy năm cho một dự án với nước ngoài nên thu nhập khá cao. Thấy Quỳnh mỗi lần sắp đi làm lại đứng trước gương sửa sang y phục, chải lại mái tóc, giặm chút phấn hồng, tô chút son môi, Tuân tỏ vẻ khó chịu: “Em đi làm hay đi biểu diễn thời trang mà ngắm vuốt kỹ thế?”.

Minh họa: NOP

Thực ra, Quỳnh chỉ đứng trước gương độ hai phút chứ có tỉa tót gì lâu đâu. Ở cơ quan của Quỳnh, các “sếp” luôn nhắc nhở phải chịu khó làm đẹp, phải lịch sự mới gây được lòng tin và thiện cảm với khách hàng. Có lần Tuân lại bảo: “Các cô chỉ thích ăn diện cho mấy “thằng sếp” nó ngắm chứ gì? Vừa vừa thôi, không thì tôi cho cô nghỉ ở nhà trông con luôn đấy! Đồng lương còm của cô không bằng thằng này bớt một bữa nhậu”.

Nghe chồng nói ngang phè, Quỳnh định cãi nhưng nhớ đến chữ “nhẫn” của mẹ lại thôi. Không ngờ, ba tháng sau Tuân bảo vợ nghỉ ở nhà không đi làm nữa thật. Anh ta lý sự, đi làm lương chỉ chừng ấy, nhưng không trông được con nên phải nuôi người giúp việc, lại còn tiền gửi nhà trẻ nữa, hơn cả tiền lương, ở nhà trông con tốt hơn.

Quỳnh sẽ sàng nói với chồng, cô đi làm không phải chỉ để lĩnh lương mà còn là niềm vui được làm việc, được khẳng định bản thân và sử dụng tấm bằng đại học của mình. Không đi làm nữa là mất tất cả những thứ đó. Ở nhà trông con quanh năm cũng buồn. Tuân quắc mắt: “Phụ nữ mà lại bảo trông con là buồn thì thích cái gì? Thích đú đởn với giai à?”. Quỳnh uất tận cổ nhưng nghĩ đến chữ “nhẫn” lại cho qua khi nhìn thấy chồng giận dữ cầm cái ấm nước định đập xuống sàn nhà.

Thế là từ đó Quỳnh nghỉ làm ở nhà trông con. Có hôm Tuân đi làm về nhìn mâm cơm hỏi vợ: “Cô không biết tôi thích ăn món gì à? Thức ăn thế này ai nuốt nổi? Sao thằng bé ngã xước cả trán ra thế kia? Cô trông con kiểu gì thế?”. Từ lúc nào, Quỳnh như trở thành người hầu của chồng. Ngay cả chuyện gối chăn cũng chẳng khác gì “cô được tôi nuôi thì cô phải đáp ứng, đừng có mà ngúng nguẩy”. Cố gắng nhịn nhục được một năm, Quỳnh đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Nếu tiếp tục sống như vậy, cô sẽ bị trầm cảm nặng.

Những đợt sóng ngầm

Trong cuộc sống gia đình, có những đôi vợ chồng thường xuyên cãi nhau nhưng lại không bỏ nhau được. Lại có những đôi sống bên nhau lặng lẽ chẳng bao giờ tranh cãi nhưng bất ngờ đưa nhau ra tòa ly hôn, khiến ai biết cũng phải ngạc nhiên. Hóa ra, khi đã nói thẳng thì có thể dễ hiểu nhau hơn, tránh gây cho nhau những điều khó chịu, còn cứ nhẫn nhục chịu đựng, tích tụ dần những bất mãn cho đến một ngày nổ tung như quả bom và kết thúc chắc chắn là chia tay.

Hai con người là hai cá thể riêng biệt, không bao giờ giống hệt nhau. Vì thế, sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng là điều không tránh khỏi. Có người lấy “chữ nhẫn” làm phương châm đối xử với người bạn đời để cố giữ bầu không khí gia đình êm ấm một cách giả tạo, thì đó có phải là một giải pháp khôn ngoan hay cuối cùng cũng phải trả giá? Các chuyên gia về gia đình ở Mỹ phát hiện một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ ly hôn trên thế giới chính là xu thế chấp nhận sự áp chế của người bạn đời, đến mức người này trở nên lệ thuộc hẳn vào người kia, tạo ra những ức chế do bị kìm nén như những đợt sóng ngầm xô đẩy hôn nhân đến đổ vỡ.

Chính cách sống không cởi mở đó đã hủy hoại hạnh phúc vợ chồng và có thể dẫn tới mâu thuẫn nghiêm trọng. Có người vợ lệ thuộc vào chồng đến mức luôn sẵn sàng hy sinh những nhu cầu của chính mình để đáp ứng nhu cầu của chồng. Dường như, hạnh phúc của họ phụ thuộc vào việc cảm thấy chồng hài lòng nhiều hay ít. Như thế có phải là hy sinh cho tình yêu? Thực ra, bạn đã bị người khác áp đặt bạn phải sống theo ý họ. Lâu dần, những bất mãn trong bạn sẽ tăng lên, đến một lúc nào đó, bạn không còn chấp nhận được nữa.

Chẳng hạn, bạn đang có một công việc ở ngoài xã hội và đó chính là niềm vui trong cuộc sống của bạn, nhưng nếu ai đó yêu cầu bạn không đi làm nữa mà ở nhà nội trợ, bạn có chịu không? Chắc chắn bạn sẽ trả lời: không! Nhưng, nếu người đó lại là chồng bạn, một người có vai trò quan trọng trong cuộc đời bạn và bạn không muốn làm mất lòng anh ấy nên bạn lại nghe theo. Đó là một trong những ví dụ về sự nín nhịn không nên có. Lẽ ra, bạn phải nói thẳng điều đó với chồng, cho dù hai người có thể bất đồng, thậm chí có thể tranh cãi, nhưng ít ra người này vì thế cũng hiểu được người kia. Trong trường hợp đó, sự tranh cãi là cần thiết chứ không nên nhẫn nhục chấp nhận.

Có những phụ nữ nín nhịn chỉ vì sợ chồng nổi nóng, trong khi bản thân thì không bao giờ dám nóng giận. Họ nuốt những cơn giận đó vào lòng, tưởng rằng nó sẽ tiêu tan nhưng thực ra là nó tích tụ lại. Bạn sợ những cơn phong ba bão táp có thể phá hủy cuộc sống chung nhưng bạn không biết, khi tích tụ, nó sẽ phá hủy chính con người bạn.

Nhẫn nhịn không phải là giải pháp

Khi kết hôn, ai cũng mong muốn cả hai cùng hạnh phúc, nhưng nếu bạn xác định mục tiêu hàng đầu của hôn nhân là làm cho một người nào đó hạnh phúc thì hậu quả chắc chắn là bạn phải hy sinh hạnh phúc của chính mình. Vậy có cách nào khắc phục điều đó? Có những nguyên tắc cơ bản của hôn nhân mà bạn nên biết: không làm điều gì mình không thích, chỉ vì người khác muốn mình làm. Hãy xả bực tức và tỏ thái độ không hài lòng nếu bạn cảm thấy khó chịu. Đừng bao giờ quan tâm tới người khác nhiều đến mức bạn phải quên đi chính mình.

Chị Lan có người chồng ngoại tình quanh năm, nhưng mỗi lần vợ nói đến anh ta lại gầm lên, đập phá đồ đạc trong nhà. Cách trấn áp đó làm người vợ sợ hãi và chị tự an ủi là thà “mũ ni che tai”, giả đui giả điếc cho nhà cửa êm thắm còn hơn. Nhưng, điều chị Lan không ngờ là càng thấy vợ nhẫn nhịn, chồng chị càng làm quá, đến mức anh ta viết sẵn đơn ly hôn bảo vợ nếu không chấp nhận được thì ký vào. Từ một người phụ nữ một con, 32 tuổi, nhan sắc mặn mà, sau sáu năm sống trong tình trạng nhẫn nhục chịu đựng đó, chị trở nên xanh xao gầy mòn, héo tàn cả tuổi xuân, cứ vài tháng một lần bệnh tim lại tái phát, chị lại ngất xỉu phải gọi xe cấp cứu. Thế nhưng, chị vẫn mong chồng sẽ thay đổi một cách tích cực, vẫn chờ cho cái “tuổi chơi bời” của anh ta qua đi để anh ta biết cách làm chồng, làm cha tốt hơn.

Chẳng hiểu rồi hy vọng của chị Lan có thành hiện thực không, hay chưa chờ được đến ngày đó thì chị đã hết đời. Chỉ biết, qua câu chuyện của chị Lan, chúng ta thấy rõ sự nhẫn nhịn không phải là giải pháp tốt đẹp cho hôn nhân. Nếu chị sớm phản ứng khéo léo và kiên quyết khi chồng ngoại tình thì sẽ có hai trường hợp xảy ra, một là chồng chị dừng lại chuyện ngoại tình, hai là chị sẽ được giải thoát khỏi người chồng trăng hoa để tìm hạnh phúc mới chứ không phải chịu đựng đến tàn úa cuộc đời.

BACSI.com (Theo PNO)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]