“Nhận phong bì ngày 20/11 không ảnh hưởng đến đạo đức giáo viên”

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề án “Giảng đường tươi đẹp”.

15.6112

Thầy nghĩ sao về việc nhận phong bì vào các ngày lễ lạt, đặc biệt là ngày 20/11?

Theo tôi, bản thận tự nó thì phong bì không có tội gì vì phong bì là hình thức giao tiếp từ xưa đến nay vẫn tồn tại trong xã hội loài người. Trong phong bì có thể chứa đựng nhiều thông điệp. Đó có thể là tình yêu thương gửi gắm qua những tấm thiệp dành cho nhau, là tấm thiếp chúc mừng, là món quà thể hiện sự kính trọng, biết ơn… Trong môi trường giáo dục, phong bì trở thành “vấn đề” khi nó chứa đựng tiền bạc trong đó.

Tuy nhiên, cũng không phải cứ chứa đựng tiền bạc là xấu, nó chỉ xấu khi người trao và người nhận làm cho nó xấu. Trong phong bì có thể có tiền, nhưng nếu đó là món tiền chân chính mà người học trò kiếm được bằng lao động, sau khi ra trường, công tác thành đạt, nay quay trở lại thăm tặng thầy cô giáo nhân ngày 20/11, trò muốn bày tỏ sự biết ơn trân trọng với thầy cô nên tặng phong bì...thì chuyện tặng thầy cô phong bì tiền đâu có xấu?

Hoặc như khi thầy cô giáo còn nghèo, khó khăn mà không may gặp ốm đau, tai nạn...các thế hệ học trò bảo nhau đến thăm và tặng tiền giúp đỡ thầy cô... thì việc học trò đến thăm nom thầy cô, thể hiện thái độ chia sẻ, cảm thông, mong muốn phần nào cổ vũ động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất và mong thầy cô sớm mạnh khỏe thì điều đó không có gì là xấu.

"Vấn đề văn hóa phong bì và việc nhận phong bì Ngày 20/11 phải được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau".

Tôi nghĩ là đã có nhiều học trò thành đạt, là doanh nhân hay là tỉ phú, họ đến cảm ơn thầy, cô giáo xưa từng dạy dỗ, đã trang bị cho họ kiến thức, vốn sống để họ nên người...thì vấn đề tiền bạc, phong bì không hề mang tính chất vụ lợi, thậm chí nó lại mang tính nhân văn của triết lý sống:“ăn quả nhớ người trồng cây” như các cụ ta xưa vẫn nói. Người tặng phong bì thật trong sáng, có tấm lòng...(Còn việc thầy cô có nhận hay không lại là vấn đề của các thầy, cô giáo). Nhưng hành động đó là thể hiện sự biết ơn, rất đáng hoan nghênh. Phong bì đó đâu có xấu.

Nhưng khi trò lười học, bị điểm kém, thi không đỗ, ham chơi… rồi dùng  phong bì để đưa biếu thầy cô, mong thầy cô bỏ qua, xí xóa, thậm chí yêu cầu cho điểm cao hơn bình thường hoặc để mong được nhận điểm cao, nhận ưu ái mà đáng ra họ không được nhận và thầy cô cũng nhận để làm sai lệch mà dung túng cho trò … thì cái phong bì ấy cả người cho lẫn người nhận đều xấu. Vì nó mang tính vụ lợi, đổi chác, mua bán. Chúng ta lên án người cho và người nhận đã làm cho môi trường giáo dục bị vẩn đục.

Nói tóm lại, theo tôi, vấn đề văn hóa phong bì và việc nhận phong bì Ngày 20/11 phải được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau.

Vậy  theo thầy, việc nhận phong bì nói chung và phong bì nhân Ngày 20-11 có ảnh hưởng đến tư cách đạo đức giáo viên không?

Theo tôi, việc nhận phong bì nhân ngày 20-11 không ảnh hưởng đến đạo đức giáo viên. Thực chất, là do thái độ, cách ứng xử của từng người. Điều đó có thể xét trên khía cạnh con người.

Về thầy cô giáo, theo tôi có 3 loại thầy cô. Thứ nhất là loại quá trọng tiền bạc mà tìm mọi cách để trù úm, chèn ép, gây khó khăn để học sinh, sinh viên, phụ huynh phải đem tiền bạc đến biếu xén, quà cáp. Đây là hành vi không đàng hoàng, không chuẩn mực với phẩm chất, đạo đức của nhà giáo, chúng ta cần phải lên án, phê phán, nói ra trước công luận.

Thứ hai là các thầy cô yêu nghề, trọng nhân cách, vẫn luôn thể hiện trách nhiệm dạy dỗ bình thường, đúng mực. Việc có hay không quà cáp, phong bì Ngày 20-11 không làm ảnh hưởng đến nghề nghiệp và lối sống của họ. Đối với họ, có cũng được mà không có cũng không sao, không ảnh hưởng đến thái độ khách quan, vô tư của giáo viên với học sinh, sinh viên.

Thứ 3 là các thầy cô nhất định nói không với phong bì. Thái độ kiên quyết và rõ ràng, trọng nhân cách và xây dựng lối ứng xử không phong bì của họ khiến ta phải suy nghĩ. Họ cũng là người làm công ăn lương, có thể lương được hưởng còn eo hẹp nhưng sống thanh thản. Ngày 20/11, có thể chỉ một bó hoa, một tấm thiệp hay một vài cuộc điện thoại hỏi thăm, tin nhắn chúc mừng thực sự là những điều ý nghĩa, chứ nhất định không nhận tiền hay những gì mà họ cảm thấy không đáng nhận.

Tương ứng thế cũng có 3 loại học sinh, sinh viên. Một là, cậy tiền cậy của mong có sự đối xử khác với mình, mong được hưởng những thứ tốt đẹp không đáng được hưởng. Hai là chạy theo đám đông, thấy người ta đem phong bì đến thầy cô thì cũng đem, xu thế xã hội hiện nay có nhiều học sinh sinh viên loại này. Ba là, sinh viên nỗ lực học tập hết mình, tự tin vào chính mình và không bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ đến thầy cô và dùng tiền bạc để mong vụ lợi. Các em luôn thể hiện sự nỗ lực để thể thành đạt, việc nhớ ơn và kính trọng thầy cô không phụ thuộc vào phong bì dày hay mỏng.

Nói rộng ra, đây là vấn đề giữa con người với con người nên để phân biệt giữa vụ lợi với không vụ lợi cũng là rất khó.

Người Trung Quốc có câu: Con cái nuôi cha mẹ cho cha mẹ ăn mà không kèm theo sự kính trọng thì cũng như nuôi con chó con ngựa trong nhà. Là người thầy tôi nghĩ các thầy cô không khó để biết ai cho tặng mình cái gì có kèm theo sự kính trọng hay không. Có người tế nhị, nhận quà xong thì vứt vào sọt rác, có người thì ném vào mặt người mang đến, vì họ nhận ra thái độ của người nhận sau khi thò ra cái phong bì dấm dúi nhét vào túi thầy kèm theo câu thì thầm: Thầy nhất định phải giúp em đấy nhé. Như thế là một cuộc mua bán.

Nhưng có món quà mà người nhận mãi trân trọng để trên mặt bàn hay tủ kính để ngày nào cũng có thể  nhìn thấy vì họ cảm nhận được tấm lòng người tặng gửi trong món quà ấy, bất kể nó có giá trị vật chất to hay nhỏ.

Vậy nên vấn đề ở chỗ là tùy từng người với những cách xử sự khác nhau. Phong bì là không có tội, vấn đề là người sử dụng nó như thế nào.

Thầy nghĩ sao khi có phụ huynh cho rằng: “Độ dày của phong bì tỷ lệ thuận với kết quả của con em mình”?

Theo tôi, quan niệm này là không đúng. Chẳng nhẽ trong mắt phụ huynh cái giá của thầy cô chỉ rẻ rúng thế sao. Một vài trăm ngàn, tôi nghĩ là người nào giỏi lắm cũng cho được thầy cô được cái phong bì triệu bạc hay là bao nhiêu đó nhưng đó vẫn là con số có thể đo, đếm được. Nhưng nhân cách, sự đối xử của thầy, cô giáo với sinh viên, học sinh không đo, đếm được.

Do đó, các vị phụ huynh suy nghĩ dùng tiền mua chuộc hay có thể tác động đến sự ứng xử của thầy, cô giáo đối với kết quả học tập, tu dưỡng của con em mình là một lối suy nghĩ không đúng.

Nhưng học sinh và xã hội vẫn đồn đại chuyện coi ngày 20/11 là ngày để “tăng thu nhập”?

Cũng không loại trừ trường hợp một số thầy, cô giáo mong chờ vào các dịp 20/11 để có thêm thu nhập, nhưng trường hợp đó không nhiều và không đánh giá được toàn bộ đội ngũ nhà giáo.

Trong thực tế hiện nay, còn nhiều thầy, cô giáo vẫn sống bằng đồng lương chính đáng và xứng đáng với công sức, trí tuệ bỏ ra. Nếu phụ huynh có suy nghĩ như vậy là đánh đồng đại bộ phận nhà giáo và suy nghĩ không tốt về thầy, cô.

Thứ hai là bằng những hành động như thế, các bậc phụ huynh đang làm hỏng một thế hệ trẻ, trong đó có con của mình. Khi trẻ em nhìn thấy cha mẹ đưa phong bì cho thầy cô, trong các em sẽ hình thành một cách nghĩ, nếp nghĩ: phải chăng dùng tiền bạc là một phương pháp giải quyết tất cả các vấn đề? Có phải thông điệp của bố mẹ với con là: “ không phải học đâu con ạ,  mẹ đã cho tiền cô rồi, không phải cố gắng đâu con ạ, bố đã cho tiền thầy rồi”.

Vô hình chung, họ làm hỏng, làm mất đi ý chí phấn đấu của con họ, tạo cho con họ một cái thói quen ỷ lại, bố mẹ mình có tiền lo cho rồi. Tôi có lời khuyên là không bao giờ nên đưa phong bì cho thầy cô bằng cách như thế và tôi nghĩ, chúng ta hãy cùng chung sức để chặt đứt cái mắt xích của suy nghĩ dùng tiền bạc giải quyết mối quan hệ đó, góp phần đẩy lùi tệ nạn phong bì, thứ mà đang làm cho môi trường giáo dục trở nên thiếu lành mạnh và không trong sáng.

Vậy theo thầy cha mẹ nên định hướng cho con ứng xử thế nào trong ngày nhà giáo Việt Nam 20/11?

Sẽ thật là tốt nếu định hướng cho con chuẩn bị một bó hoa, tấm thiếp chúc mừng để tặng Thầy, Cô giáo nhân Ngày 20/11. Chính các con sẽ là người cầm bó hoa, tấm thiệp trân trọng đưa tặng thầy cô kèm theo ánh mắt và nụ cười tin tưởng, kính trọng. Đấy là những tình cảm trong sáng và chân thành của cả người “tặng” lẫn người “nhận”.

Dự án “Giảng đường tươi đẹp của chúng tôi có mục tiêu là ‘Xây dựng mối quan hệ thầy trò trong sáng lành mạnh, minh bạch góp phần phòng chống tham nhũng trên giảng đường đại học” nhận được nhiều sự quan tâm của cả thầy và trò cũng là nói nói về môi trường giáo dục. Quan hệ thầy - trò phải trong sạch, bền vững, nền giáo dục mới phát triển văn minh, hiện đại được.

Xin cảm ơn thầy!

Thảo Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]