Trước đây, cứ đến mùng 10 tháng Giêng, từng đoàn người nối nhau kéo về chật kín đình làng Lại Ân cổ, nhỏ nhắn uốn lượn theo con nước và hướng mặt ra phía dòng sông Hương thơ mộng với cổng vòm cổ rêu phong, bao quanh là những hàng cây cổ thụ chạy dọc bến đò Sình. Trong không khí đó, lễ hội diễn ra trang nghiêm, khi các hội đồng bô lão tổ chức lễ thả đèn trời, sau đó là cúng “ngài vật”. Tiếp theo là những đô vật trong làng bắt đầu đăng ký, rồi lần lượt lên tranh tài trước bãi đất ở đình làng với hàng ngàn tiếng reo hò, cổ động của người dân trước những màn vật ấn tượng, đậm đà văn hóa của một lễ hội làng quê.

Nhưng giờ đây, quay trở lại đình làng Lại Ân người ta chỉ nhìn thấy cảnh heo hút ở đình làng, với tấm băng rôn Lễ hội vật làng Sình, bên trong vài nén hương được các bô lão thắp trước giờ lễ hội. Sân đình, một nửa giờ đã trở thành bãi trồng khoai, còn bãi đất trống trước cổng, nơi năm xưa những đô vật thi đấu giờ chỉ diễn ra một trận đấu lấy lệ. Nghe đâu có lễ rước thần từ đình làng Lại Ân đến sới vật mới được xây dựng trên cánh đồng cách đó hơn 400 m.

Sới vật mới ở cánh đồng làng Lại Ân dù hoành tráng hơn nhưng người dân vẫn thấy nhàn nhạt. Ảnh: V.LONG

Vì vậy, Lễ hội vật làng Sình diễn ra hai năm nay làm người ta cảm thấy nhạt nhòa không giống không khí của ngày xưa. Một sới vật mới, đấu trường cao và hoành tráng với những gian hàng trò chơi, thu vé vào xem… liệu có nên chăng? Những khoản tiền thu được vô tình làm mất đi một phần văn hóa lễ hội của một làng quê với hơn 400 năm diễn ra hội vật truyền thống.

Trong ngày hội, nhiều người dân ở đình làng Lại Ân chép miệng nuối tiếc, trong lòng họ vật làng Sình cũng đã “chết” vì không khí sặc mùi... kinh tế của một lễ hội.

VIẾT LONG


Video đang được xem nhiều