Biến nhau thai thành “của để dành”

Theo các bác sĩ, cuống rốn là nơi lưu giữ nhiều TBG nhất, hơn bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Máu cuống rốn là máu có trong nhau thai và dây rốn, chứa nhiều TBG tạo máu, sản sinh ra hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu... Đây là nguồn nguyên liệu quý giá, được dùng để ghép tủy xương trong điều trị các bệnh lý ác tính về máu. TBG từ máu cuống rốn có tính năng vượt trội là sản sinh các tế bào mới có tính năng tốt và đặc biệt ít bị thải ghép. Điều đáng nói, việc lưu trữ máu cuống rốn không chỉ đảm bảo sức khỏe cho đứa bé là chủ nhân của dây rốn trong tương lai nếu bé không may bị bệnh cần dùng tế bào gốc để chữa trị, mà còn giúp ích cho cả người thân, anh chị em của bé.

Theo các tài liệu trên thế giới, cho đến này các TBG tế bào gốc máu dây rốn đã được dùng để điều trị trên 70 bệnh khác nhau như: Các bệnh ung thư máu, các bệnh di truyền… Hiện nay điều trị bằng TBG còn khá đắt, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia y tế thì điều trị bằng TBG có tổng chi phí điều trị thấp hơn các phương pháp hiện nay. Bởi điều trị bằng TBG giúp BN khỏi bệnh tốt hơn, bền vững hơn, chất lượng cuộc sống và sức lao động khôi phục tốt hơn, không phụ thuộc vào thuốc trong thời gian dài.

Những năm qua, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã ghép TBG điều trị thành công các chứng bệnh suy tủy xương, bạch cầu cấp các thể, bạch cầu kinh dòng hạt, bệnh tan máu bẩm sinh... cho trên 100 bệnh nhân.

Từ nhau thai bị vứt bỏ, ngân hàng TBG đã ra đời

Trước đây, các bà mẹ khi sinh con thường không mấy quan tâm đến nhau thai và các BV cho đó là một loại rác thải y tế. Nhưng, từ khi phát hiện giá trị của nhau thai, từ năm 2014, BV Phụ sản Hà Nội và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã phối hợp xây dựng “Ngân hàng TBG máu cuống rốn cộng đồng” để tận dụng nhau thai. Ngân hàng này sẽ tiếp nhận các mẫu máu cuống rốn từ các em bé mới chào đời hiến tặng và lưu trữ miễn phí mẫu TBG. Hiện nay, Việt Nam đã có ba ngân hàng TBG nhưng ngân hàng TBG tại Viện Huyết học truyền máu T.Ư là ngân hàng tế bào gốc cộng đồng đầu tiên. Điểm đặc biệt của ngân hàng này là các mẫu TBG được lưu trữ nhằm chữa bệnh cho cộng đồng, mà không dành riêng cho em bé và người thân đã gửi mẫu như ở các ngân hàng khác.

ThS-BS Mai Trọng Hưng, Trưởng khoa Đẻ (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết: Khi sản phụ sinh nở, các nữ hộ sinh sẽ tư vấn cho sản phụ về việc lưu trữ TBG cuống rốn. Bằng cách tách chiết TBG từ dây rốn (nhau thai) và đưa vào lưu trữ, để sau này có thể sử dụng như một liệu pháp chữa các căn bệnh về máu, tim, khớp... cho chính đứa trẻ đó và cộng đồng. Vì thế, phần lớn các bà mẹ khi được tư vấn đã đồng ý và mong muốn được lưu trữ TBG cuống rốn. Đã có hàng trăm mẫu TBG cuống rốn được lấy và lưu trữ miễn phí.

Còn theo TS Bạch Quốc Khánh, Ngân hàng TBG cộng đồng tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho đến nay, vốn đã có 500 mẫu máu cuống rốn được xử lý, lưu trữ, đến năm nay 2015 sẽ có khoảng trên 1.000 mẫu. Hiện nay 80% người có nhu cầu ghép TBG điều trị suy tủy xương, bệnh máu ác tính không có anh chị em ruột hiến tặng TBG sẽ có cơ hội nhận được TBG hiến tặng từ Ngân hàng TBG cộng đồng từ năm 2015.

Để có được những mẫu TBG từ máu cuống rốn đạt tiêu chuẩn phải trải qua các bước kiểm duyệt nghiêm ngặt. Các mẫu máu cuống rốn phải lấy từ các bé khỏe mạnh ngay sau khi sinh, gia đình không có tiền sử các bệnh lý mãn tính, bệnh di truyền, lượng máu thu thập được từ cuống rốn đạt tối thiểu 80ml… Việc tách chiết TBG thực hiện trong môi trường vô trùng hoàn toàn, rồi làm lạnh từ từ đến khi nhiệt độ đạt -100 độ C, rồi chuyển sang các thùng chứa nitơ để nhiệt độ luôn đảm bảo ở mức -196 độ C để lưu trữ lâu dài. Các mẫu TBG đã được tách chiết này có thể lưu trữ được trong vòng 18 năm, sẵn sàng ghép điều trị cho người bệnh có các chỉ số phù hợp với người hiến.

Tế bào gốc hệ tạo máu trong máu cuống rốn đang được nghiên cứu điều trị cho những bệnh nhân ung thư tạng đặc như: Ung thư tinh hoàn, ung thư nguyên bào thần kinh đã cho những kết quả bước đầu khả quan. Nhiều nghiên cứu cũng được tiến hành trong việc ứng dụng điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ, carcinoma ở thận, ung thư tế bào nhỏ ở phổi... Ngoài ra, tế bào gốc hệ tạo máu có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác: Cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy. Vì thế, có nhiều hứa hẹn điều trị được nhiều bệnh lý khác ngoài huyết học trong tương lai. V.H