Nhếch nhác ở khu Du lịch Núi Cấm

Ăn xin và rác thải tràn ngập đang làm vẩn đục không khí tâm linh ở Khu Du lịch Núi Cấm

15.5776

Nhếch nhác ở khu Du lịch Núi Cấm


Những năm trước đây, mỗi ngày có khoảng 1.000 - 2.000 du khách hành hương đến núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Lượng du khách tăng lên rõ rệt khi nơi đây đã có đường ô tô dẫn lên núi và tượng Phật Di Lặc vừa được công nhận là "lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á".

Người ăn xin la liệt trên đường lên núi Cấm. Ảnh nhỏ: Rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường

Đau đầu vì rác


Khu Du lịch Núi Cấm do Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang khai thác và quản lý. Nơi đây hiện có 600 hộ với khoảng 3.000 người dân sinh sống. Áp lực dân số cùng với lượng khách tăng dần từng năm đã biến ngọn núi thiêng này thành nơi chứa rác thải.


Rác thải chất đống dọc đường lên Núi Cấm đang chờ xử lý
 
Theo tính toán của các ngành chức năng huyện Tịnh Biên, nếu bình quân mỗi người thải 0,5 kg rác/ngày thì mỗi ngày, Khu Du lịch Núi Cấm có đến 1,5 tấn rác (chưa tính lượng rác do các hoạt động du lịch thải ra). Do đó, với một nhà máy xử lý rác thải đặt tại xã An Hảo có quy mô 5 m3/ngày như hiện nay thì không thể đáp ứng được nhu cầu, đó là chưa kể rác thải ở khu chợ và 2 ấp dưới chân núi.

Ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết cơ quan này đang cùng với các ngành chức năng kiểm tra và ghi nhận ý kiến từ phía đơn vị quản lý cũng như người dân sống gần các điểm du lịch để xem xét trách nhiệm thuộc về ai khi lượng rác thải ngày càng nhiều. Khu du lịch này vẫn còn thiếu hệ thống tự quản làm nhiệm vụ đưa hoặc trung chuyển rác xuống chân núi.

"Khó khăn nhất hiện nay vẫn là tình trạng người dân tự ý lập điểm thờ cúng ở các hốc đá, gốc cây hoặc trên đỉnh núi. Rác thải từ những khu vực này rất khó thu gom. Chúng tôi sẽ có những biện pháp để hạn chế tình trạng này" - ông Thư khẳng định.

Ăn xin bủa vây


Hai điểm được xem là nổi cộm về nạn ăn xin ở núi Cấm là đoạn đường dành cho khách đi bộ ở suối Thanh Long và khu vực dưới chân tượng Phật Di Lặc. Ông T.V.P, một người dân địa phương, cho biết: "Trước đây, người ăn xin chỉ xuất hiện vào các ngày rằm. Còn bây giờ, họ có mặt từ ngày này sang ngày khác, từ chân lên đến đỉnh núi, luôn làm phiền du khách".

Có mặt tại suối Thanh Long, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là cảnh nhiều cụ bà và trẻ em ngồi la liệt bên đường chìa nón lá xin tiền, miệng luôn than thở nghe rất não nuột. Gần đó, nhiều thanh niên dùng chiêu "độc" hơn, lấy khăn quấn kín cả đầu rồi nằm dài bên vũng nước như "sắp chết". Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên định chụp vài tấm hình thì họ… vùng bỏ chạy. "Mấy chú hãy cảnh giác vì tụi này thường có đồng bọn đứng đâu đó làm nhiệm vụ cảnh giới, chúng rất dễ manh động" - một người dân nhắc nhở.


Nhiều người lớn tuổi ngồi ăn xin dọc đường lên Núi Cấm
 
Khu vực gần chân tượng Phật Di Lặc cũng có người nằm la liệt, luôn chìa mũ, nón xin tiền. Tại đầu cầu qua chùa Phật Lớn, một thanh niên với đôi chân teo tóp nằm bất động được nhiều người cho tiền. Cạnh đó, một phụ nữ và một bé gái nằm queo quắt với phần đầu được giấu kín bên trong chiếc khăn giữa trưa nắng hừng hực. Khi một du khách nói đùa: "Sao lấy tiền ăn xin của người ta?" thì người phụ nữ vội bật dậy, kéo mũ đựng tiền vào người...

Cũng tại khu vực tượng Phật Di Lặc, một nhóm thanh niên và một phụ nữ đang đánh bài nhưng mắt lúc nào cũng dò xét xung quanh. Khi thấy chúng tôi chụp hình, người phụ nữ hất cằm thách thức: "Chụp hình hả, tao cởi áo ra cho chụp nè?!". Những thanh niên kia thì dừng tay đánh bài, trừng mắt nhìn chúng tôi...


Người Lao động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]