Nhiễm độc asen dễ bị nhầm với bệnh da liễu

Hơn 1/5 dân số VN đang ăn nước giếng khoan và có nguy cơ nhiễm asen. Tuy nhiên người nhiễm chất độc này thường bị ngộ nhận là bệnh da liễu. Sáng nay, Bộ Y tế đã công bố hướng dẫn chẩn đoán dấu hiệu nhiễm độc asen. > / / .

15.6037

Vết dày sừng xuất hiện ở lòng bàn chân người nhiễm độc asen. Ảnh: Bộ Y tế.

Theo tiến sĩ Đặng Minh Ngọc, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, hiện có gần 22% dân số Việt Nam (tương đương 17,2 triệu người) đang dùng nước ăn lấy từ giếng khoan, nguy cơ ô nhiễm asen không nhỏ. Chất độc này xâm nhập qua đường miệng, một phần nhỏ sẽ tích tụ trong cơ thể, gây hại nhiều hệ cơ quan như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, sinh sản... và cả gây ung thư, hay gặp nhất là ung thư da.

Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Hải, Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, con số thương vong của nhân loại vì nước nhiễm asen có thể vượt quá số thương vong do tất cả các thảm họa môi trường trong thế kỷ 20 cộng lại. Hiện cả thế giới có hàng trăm triệu người đang bị đe dọa sức khỏe vì nước nhiễm asen. 

Triệu chứng nhiễm độc mạn tính xuất hiện sau 3 năm dùng nước nhiễm độc hoặc sớm hơn nếu nồng độ asen cao. Tuy vậy ở Việt Nam, loại bệnh này vẫn ít được các bác sĩ biết đến. Biểu hiện bệnh có thể bị nhầm với các vấn đề da liễu. Về lâu dài, asen cũng có thể gây ra tiểu đường, nhồi máu cơ tim, sẩy hoặc lưu thai..., song ít được nghĩ tới.

Để có thể phát hiện sớm các ca nhiễm độc asen trong cộng đồng, sáng nay, Bộ Y tế đã giới thiệu quy trình hướng dẫn chẩn đoán và xử trí nhiễm độc asen. Theo đó, bệnh nhân thường có những biểu hiện sau:

Xuất hiện các mảng dày sừng: Trên lòng bàn tay bàn chân nổi lên các sẩn giống như mụn cơm, bé bằng hạt tấm rồi lớn dần bằng hạt đậu xanh hay hạt lạc, lan rộng thành mảng. Chúng thường mọc đối xứng hai bên, đôi khi xuất hiện cả ở lưng, bụng, đùi, cẳng chân, cánh tay. Da vùng này vàng, có thể có vết nứt nẻ.

Tăng hoặc giảm sắc tố da: Các nốt đen thâm nhỏ (bằng phẳng hoặc nổi cao) có thể xuất hiện khắp nơi, nhất là vùng được che kín như ngực, bụng, cẳng chân. Ngoài ra, có thể xuất hiện các nốt nhỏ trắng, phẳng, ở bụng, lưng, ngực, ngang thắt lưng, cẳng tay cẳng chân. Giảm hoặc tăng sắc tố thường xuất hiện trong giai đoạn đầu.

Tê buốt đầu ngón tay ngón chân: Là biểu hiện tắc mạnh đầu chi. Từ tê, bệnh nhân dần cảm thấy đau buốt. Do thiếu máu, các ngón có thể bị hoại tử.

Các biểu hiện khác bao gồm sạm da từng đám lan tỏa, rụng tóc nhiều, tê tay chân, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, sinh con nhẹ cân, sẩy thai...

Hiện nay, chưa có cách để tẩy độc asen. Những gì có thể làm khi phát hiện bệnh là ngừng dùng nước nhiễm asen để ăn uống và điều trị các triệu chứng. Chẳng hạn, với triệu chứng dày sừng, cần dùng thuốc tiêu sừng; hoặc điều trị các bệnh phát sinh khác.

Để đề phòng nhiễm độc, các hộ dân dùng nước giếng khoan cần dùng bể lọc có giàn phun mưa nếu nước nhiễm sắt nhiều (5mg/l trở lên). Những trường hợp còn lại cần dùng thiết bị lọc asen.

Khi có những biểu hiện nghi ngờ, cần đi khám và xét nghiệm nước tiểu, tóc. Hiện có hai cơ sở được phép chẩn đoán xác định nhiễm độc asen, đó là Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Yersin, Hà Nội) và Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP HCM).

Các điều tra sơ bộ ở một số địa phương cho thấy, hàm lượng asen trong nước ngầm ở nhiều nơi vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với nước ăn uống và sinh hoạt, cao nhất là Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây, Phú Thọ... Hàm lượng asen ở một số điểm cao gấp nhiều lần mức cho phép như Quỳnh Lôi (Hà Nội) gấp 30 lần, Lâm Thao (Phú Thọ) gấp 50-60 lần, Lý Nhân (Bình Lục, Hà Nam) gấp 50 lần.

Riêng tại Hà Nội, 69% mẫu nước tầng trên và 48% mẫu nước tầng dưới được kiểm nghiệm có nồng độ asen cao hơn tiêu chuẩn. Tỷ lệ asen trong nước sông Hồng và các hồ khu vực ngoại thành cũng không đủ tiêu chuẩn để làm nước ăn uống và sinh hoạt.

(Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường)

Hải Hà

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]