Nhiều cách làm hay - Kỳ 1: Phát huy nguồn nội lực sẵn có

​Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai từ tháng 1/2014 với mục tiêu nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn và giảm nghèo bền vững thông qua việc phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Đến nay, chương trình đã dành được nhiều kết quả khả quan và đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

15.5776

Khơi thông dòng sản phẩm truyền thống

Chị Dương Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, nguyên Phó phòng Kinh tế thành phố Uông Bí chia sẻ: Trước khi có chương trình OCOP, chị cũng như nhiều người dân khác trong tỉnh, thường xuyên tìm mua các loại sản vật của địa phương để sử dụng trong gia đình cũng như làm quà biếu tặng. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm đều không được đóng gói trong các bao bì có tem nhãn mác, không có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng nên rất khó nếu để người ngoài tỉnh tìm mua và tin dùng. Chính vì thế, khi chương trình OCOP được phát động, Phòng Kinh tế thành phố đã vận động các cơ sở, hộ gia đình tham gia. Không chỉ cho vay vốn mà các cơ quan chức năng còn tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ người dân từng bước phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu để các mặt hàng trở thành sản phẩm đặc trưng của vùng. Sau hơn 1 năm triển khai, thành phố Uông Bí đã đăng ký được 13 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm đều từng bước được nâng cao về chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về công tác xây dựng chương trình OCOP tại Quảng Ninh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 13/14 địa phương thành lập ban điều phối  OCOP cấp huyện với hơn 30 đơn vị tham gia chương trình cùng 65 sản phẩm. Qua khảo sát sàng lọc, Ban Quản lý đã lựa chọn 34 sản phẩm phân loại thành 6 nhóm: thực phẩm - ẩm thực, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - trang trí - nội thất và dịch vụ du lịch, lễ hội gắn với truyền thống văn hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh công tác tiêu thụ

Song song với việc phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, Ban điều phối chương trình OCOP cũng tập trung tìm đầu ra cho các sản phẩm. Với lợi thế về dân số 1,2 triệu người và 7,5 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, Quảng Ninh là tỉnh có nhu cầu tiêu dùng khá lớn, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm về du lịch. Phát huy tiềm năng đó, Sở Công Thương Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình kết nối cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận với chuỗi phân phối hàng hóa từ truyền thống tới hiện đại, từ các chợ cho tới các trung tâm thương mại, siêu thị: Big C, Metro, Co.opMart… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đơn vị có sản phẩm đủ tiêu chuẩn, đạt chất lượng có nhu cầu mở rộng hệ thống phân phối; Tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên của hiệp hội tham gia, tìm hiểu thông tin, ký kết hợp đồng, thực hiện các thỏa thuận và giao dịch với các cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP đã có chỗ đững vững chắc trên thị trường, trở thành thương hiệu quen thuộc với nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Đơn cử như Công ty cổ phần sữa An Sinh (Đông Triều), chỉ sau hơn 8 tháng triển khai đề án, các sản phẩm sữa của An Sinh đã được phân phối tới hầu khắp các địa phương trong tỉnh, sản lượng tăng 30% so với trước đây. Hay như sản phẩm ruốc hàu, ruốc trai, ruốc cơ trai của Công ty TNHH thương mại thủy hải sản Vân Đồn (Quảng Ninh) đã nâng tầm thương hiệu, qua đó giải quyết công ăn việc làm cho nhiều nông dân địa phương.

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban điều hành OCOP: Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là một trong những nội dung cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Với sáng kiến này, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới.

Kỳ 2: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]