Nhiều cách làm hay - Kỳ 2: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Là địa phương đi đầu trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), Quảng Ninh không tránh khỏi những khó khăn hạn chế về nguồn vốn, nguồn nhân lực và kinh nghiệm... Tuy nhiên, với những gì đã làm được trong năm 2014, tỉnh vẫn tiếp tục phát huy và đổi mới phương thức để phù hợp với tình hình thực tiễn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

15.5883
Các gian hàng OCOP huyện Bình Liêu thu hút đông đảo du khách, tham quan, mua sắm

Vẫn còn nhiều thách thức

“Những năm gần đây, tại Quảng Ninh, công tác hỗ trợ người dân trong việc phát triển sản phẩm được làm khá tốt” - Đây là nhận xét chung của nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình OCOP và chính những người trực tiếp làm công tác quản lý điều hành chương trình tại các xã, huyện, thành phố trên địa bàn. Các hình thức hỗ trợ linh hoạt phong phú như: chính sách hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp từ 5 – 6%/năm, đầu tư cấp vốn cho những đề án sản phẩm tiềm năng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Tùy vào từng sản phẩm mà các cơ quan chức năng có hướng trợ giúp người dân.

Chị Lê Thị Thu Hương, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách nông thôn mới (NTM) của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) cho biết: “Bình Liêu là một huyện miền núi, người dân tộc chiếm đến 96% dân số, vì thế công tác vận động tham gia chương trình OCOP không hề dễ dàng đối với những người làm công tác quản lý. Không chỉ trở ngại về địa hình, trèo đèo lội suối để đến được các gia đình cơ sở sản xuất mà chúng tôi còn phải hiểu được phong tục tập quán, nếp sống, cách suy nghĩ của từng dân tộc để có thể thuyết phục được họ. Chưa kể đến việc nhiều người dân tộc bị hạn chế về ngôn ngữ và nhận thức kinh tế…”

Bên cạnh đó, những tồn tại về hạn chế trong khâu phân phối sản phẩm cũng là một trong những việc khiến cả người sản xuất và các cơ quan chức năng phải xem xét. Đơn cử, việc đưa các sản phẩm vào các hệ thống tiêu thụ hiện đại phát sinh thêm một số chi phí như: vận chuyển, bảo quản… làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; quy trình thanh toán tại các kênh phân phối thường là thanh toán chậm gây khó khăn cho các đơn vị của tỉnh trong việc luân chuyển, quay vòng vốn; việc đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý phức tạp…

Hướng đến phát triển bền vững

Theo PGS, TS. Trần Văn Ơn, Chủ tịch HĐQT Công ty DK Pharma (Bộ Y tế) - một trong những người tham gia xây dựng tư vấn Chương trình OCOP Quảng Ninh: OCOP được triển khai trên nguyên tắc sáng tạo và mang tính chu trình. Trong vòng 3 năm (2014 - 2016) của chương trình mới chỉ là những bước khởi đầu còn nhiều khó khăn. Chính điều ấy đòi hỏi sự vào cuộc của 4 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông và cả nhà khoa học) để luôn có những thay đổi thích ứng phù hợp với điều kiện của địa phương. Đó sẽ là “sân chơi” lâu dài cho cộng đồng doanh nghiệp nông thôn bằng cách liên tục sáng tạo, hoàn thiện sản phẩm, góp phần tạo công ăn việc làm, tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu.

“Riêng năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm sẽ là tập trung thực hiện sản xuất và xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã đăng ký năm 2014, đồng thời đẩy mạnh sản xuất nâng cao số lượng của từng sản phẩm. Hệ thống tổ chức của chương trình sẽ tiếp tục hoàn thiện từ Ban điều hành cấp huyện, cấp xã; các lớp quản lý doanh nghiệp (CEO), tập huấn các kỹ năng sẽ được mở. Đồng thời, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã về Chương trình OCOP sẽ được tăng cường sâu sắc, cụ thể, thu hút sự tham gia tích cực hơn nữa của các thành phần kinh tế” - ông Trương Công Ngàn, Trưởng ban Xây dựng NTM, Phó ban thường trực Ban Điều hành OCOP tỉnh nhấn mạnh.

Năm 2015, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện đẩy mạnh việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, đáp ứng được các đơn vị lớn, đưa sản phẩm lên cấp tỉnh, huyện để mang đi giới thiệu tại hội chợ tỉnh Udon - Thái Lan, Luangphabang - Lào, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai - Len.
TIN LIÊN QUAN

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]