Nhiều cơ hội tốt cho Việt kiều trẻ

Dựa trên kinh nghiệm mấy chục năm nghề nghiệp tại các nước phát triển, Jason Liên Vĩnh Hào nhận định rằng, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội tốt cho các Việt kiều trẻ.

0

Năm 2006, Jason Liên Vĩnh Hào về Việt Nam làm Giám đốc Phát triển Dự án cho VinaCapital. Ba năm sau, anh rời Công ty khi đang dang dở một số dự án. Với kinh nghiệm gần 20 năm về bất động sản ở Canada và Singapore, Jason cho biết chỉ thiết kế, quản lý xây dựng những dự án mà doanh nghiệp của anh có sẵn. Về nước, việc lần đầu tiên tham gia vào quỹ đầu tư lớn và phải tự phát triển dự án là một thách thức đối với Jason. Nhưng anh nói: “Tôi đã học hỏi được nhiều trong 3 năm làm tại VinaCapital”.

Tìm sự mới mẻ ở quê nhà

Jason vốn là một kiến trúc sư từng sống, làm việc và thành công ở Canada và Singapore. Jason kể, hơn 20 năm sau khi đến Canada định cư, anh bắt đầu có ý định về Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm việc. Giải thích cho sự lựa chọn của mình, Jason nói, Canada là quốc gia phát triển cao, dù đi xa 5 năm trở lại vẫn không thấy có gì mới. Còn Singapore, nơi gia đình anh sinh sống từ năm 2000 đến nay, cũng là quốc gia phát triển nhanh và nay không còn yếu tố mới để gây nhiều thách thức và thúc đẩy sáng tạo. Trong khi thách thức và sáng tạo luôn tạo nên sự mới mẻ, điều mà anh tìm thấy ở Việt Nam. “Tôi muốn phát triển nghề và làm nhiều hơn nữa ngoài việc quản lý thiết kế và xây dựng dự án”, Jason cho biết.

Trước khi rời Canada, Jason đã có hơn chục năm gắn bó với Shore Tilbe Irwin, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Canada, chuyên làm dự án cho các doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune 500. Trong thời gian đó, Jason đã tham gia thực hiện nhiều dự án nhà cao tầng của các tập đoàn lớn như Hewlett-Packard, FedEx, Siemens và đầu tư một số bất động sản (đang được cho thuê và vẫn thu lợi tốt). Jason kể tại Canada, anh có một cuộc sống ổn định nếu không nói là trong mơ của không ít người Việt Nam đến sinh sống ở đây.

Tuy nhiên, châu Á vẫn có gì đó bí ẩn, thách thức, luôn muốn kéo anh khỏi nơi chốn ổn định đó. Năm 1995, Công ty cử anh sang Trung Quốc phụ trách một số dự án xây dựng. Tại đây, anh đã gặp và yêu một cô gái gốc Singapore. Năm 1998, họ cưới nhau và anh quyết định đến Singapore lập nghiệp 2 năm sau đó.

Và Singapore là bước đệm quan trọng để anh có cơ hội tìm về Việt Nam. “Mục đích tôi sang Singapore sống là để về Việt Nam”, Jason nói. Ở đảo quốc sư tử, Jason làm việc cho công ty chuyên về kiến trúc DP Architects, chủ yếu là phát triển các dự án khách sạn và nhà cao tầng. Khi làm việc với VinaCapital, 2 dự án khách sạn, văn phòng dự định thực hiện tại Hà Nội do Jason phụ trách đều không thực hiện được bởi vướng quy hoạch của Thủ đô. Tuy nhiên tại TP.HCM, anh đã thành công trong vai trò quản lý và thực hiện 2 dự án lớn của VinaCapital là The Garland (quận 9), tòa nhà văn phòng BMW (quận 7) và 1 dự án Villa Riviera (quận 2) của Công ty Keppel Land (Singapore).

 

So sánh giữa môi trường làm việc tại Singapore và Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, Jason cho biết, ở Singapore, tất cả đều minh bạch hơn và vai trò của kiến trúc sư rất quan trọng. Họ được lắng nghe hơn cả nhà đầu tư. Việt Nam thì ngược lại, tất cả đều do nhà đầu tư quyết định.

Rời VinaCapital, Jason tiếp tục làm giám đốc phát triển dự án cho một công ty đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Nam. Thế nhưng nay anh cũng đã nghỉ vì bất đồng quan điểm về chiến lược phát triển với ban lãnh đạo. Theo Jason, mục đích ban đầu của công ty này là trong 5 năm sẽ lọt vào nhóm 5 nhà đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam và niêm yết lên sàn chứng khoán, xa hơn là quốc tế hóa thương hiệu. Vậy mà khi chuẩn bị lên sàn, họ vẫn hoạt động theo mô hình công ty gia đình và quyền phủ quyết thuộc về các thành viên là họ hàng.

Tuy nhiên, Jason nhận định rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho những Việt kiều trẻ.

Mơ ước xây sân bay

Hiện tại, Jason làm tư vấn cho một số công ty thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại nhưng muốn đầu tư vào dự án bất động sản. Điển hình là một doanh nghiệp ngành dệt ở TP.HCM đang nhờ anh tư vấn đầu tư một dự án nhà ở lớn tại quận Bình Thạnh.

Vậy với thị trường bất động sản đang gặp khó như hiện nay và dự kiến sẽ khó nữa trong năm tới, Jason sẽ khuyên nhà đầu tư những điều gì?

“Đối với dự án căn hộ dù thuộc hạng cao cấp, muốn bán được cũng không nên đưa ra giá cao hơn 1.200 USD/m2. Bởi mua đất trong thời điểm giá cao, vật liệu xây dựng biến động liên hồi thì việc định giá sẽ là một thách thức lớn”, Jason trả lời. Và nhà đầu tư nào đã hoặc dự định đưa ra mức giá 1.800-2.000 USD/m2 cho dự án căn hộ cao cấp của mình thì nên tạm ngưng ít nhất là trong 2 năm tới. “Nhu cầu mua căn hộ là có thật nhưng trong 2 năm tới chưa đến mức nóng vì ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính sẽ kéo dài đến vài năm”, anh cho biết thêm.

Một điều thú vị là dù đã dày dạn về quản lý dự án nhà ở và khách sạn, nhưng khi bày tỏ mong ước về nghề, Jason lại nói muốn tham gia xây sân bay tại Việt Nam. Năm 2005, anh từng đấu thầu 1 trong 3 gói thiết kế xây dựng Sân bay Changi ở Singapore nhưng không thành công. “Một thành phố có cả ngàn chung cư nhưng sân bay thì ít nhất phải có một. Tôi muốn làm bởi tôi có khả năng, hiểu biết và tham vọng”, Jason nói.

Jason nói sẽ không chọn làm thuê cho một công ty Việt Nam nữa mà chỉ tư vấn bởi anh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Anh kể mình có một người bạn cũng là Việt kiều Canada nay đã nghỉ hưu, đang làm cố vấn đầu tư cho một số công ty tại Việt Nam. Trung bình mỗi công ty, anh này được trả khoảng 6.000 USD/tháng. Với chia sẻ về yếu tố phát triển bền vững, Jason nói anh dự định sau 10 năm ở Việt Nam, sẽ đi theo hướng làm cố vấn đầu tư như người bạn của mình.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]