Nhiều di tích có nguy cơ thành… phế tích

Huyện Thăng Bình (Quảng Nam) hiện nay sở hữu 1 di tích quốc gia và khoảng 15 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, những di tích này lại có số phận hẩm hiu, không được trùng tu, tôn tạo và có nguy cơ biến thành…

15.6005

Huyện Thăng Bình (Quảng Nam) hiện nay sở hữu 1 di tích quốc gia và khoảng 15 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, những di tích này lại có số phận hẩm hiu, không được trùng tu, tôn tạo và có nguy cơ biến thành… phế tích trước sự đối xử “vô cảm” của con người.

Xót xa đình làng Hiền Lộc!

Đình Hiền Lộc được UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 4627/QĐ – UBND công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 21/11/2005. Theo những cứ liệu lịch sử, đình Hiền Lộc được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI với chức năng là trung tâm hành chính của làng Hiền Lộc. Ban đầu, đình là nơi thờ tự các vị tiền hiền của làng. Về sau, đình trở thành trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng.

Về thăm đình Hiền Lộc (tổ 2, thôn 1, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là cổng đình làng cổ kính với rong rêu, cây cỏ bao phủ. Vượt qua cổng đình là những hàng cột kèo nằm dài, chất chồng lên nhau, những bức tường rụng rời gạch vỡ, những mảnh ngói âm dương nằm lê lết trên mặt đất, những đầu rồng được chạm trổ tinh vi nằm xen lẫn với cỏ cây, đất đá… Dù đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng ngôi đình vẫn phải “cam chịu” sự hủy hoại của thời gian. Đình xưa đã bị sụp nát sau nhiều trận bão. Cổng làng và bức bình phong phải đứng đơn độc. Những thanh kèo, trính mục nát nằm ngang ngửa, “làm hàng xóm” cùng những bó củi của người dân gửi ké. Cỏ cây mọc um tùm, 2 bức tường đứng nghiêng ngửa, một phần mái đình treo lơ lửng. Cảnh tượng ấy làm chúng tôi không khỏi xót xa.

Còn đâu dấu ấn văn hóa chợ Ðược!?

Từng là một trong những ngôi chợ sầm uất bậc nhất của xứ Đàng Trong, gắn liền với huyền thoại Bà chợ Được (thôn Phước Ấm, xã Bình Triều), ngày 31/12/2008, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận quần thể lăng Bà chợ Được là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Khu quần thể Bà chợ Được bao gồm lăng Bà, đình Phước Ấm, không gian chợ và bến sông. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt tại chợ Được, đập vào mắt là quang cảnh trống vắng, xơ xác và tiêu điều. Trước di tích lăng Bà là khoảng đất trống “vô dụng” (?).

Được biết, từ năm 1999, UBND xã Bình Triều đã gửi Tờ trình số 12/1999/TT – UB ký ngày 27/2/1999 lên UBND huyện Thăng Bình và Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Nam về việc xin thay đổi vị trí xây dựng chợ Được nhằm quy hoạch khu bảo tồn di tích văn hoá là Nhà thờ tiền hiền, lăng Bà. 1 năm sau (năm 2000), UBND huyện Thăng Bình đã tiến hành quy hoạch và xây dựng lại chợ Được mới cách vị trí chợ Được cũ khoảng 50m về hướng Nam. Tuy nhiên, việc di dời chợ Được đã vô tình hay cố ý đánh mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, không thể hiện cho truyền thống lịch sử văn hóa của làng Phước Ấm như lăng Bà chợ Được, bến nước chợ Được, Nhà thờ tiền hiền làng Phước Ấm, lễ hội rước Cộ Bà chợ Được, dấu tích cuộc đấu tranh và vụ thảm sát Hà Lam – chợ Được đầu tháng 9/1954.

 Đình làng Hiền Lộc ngày xưa, nay chỉ còn là đống đổ nát.
Chạnh lòng trước Phật viện Ðồng Dương!

Phật viện Đồng Dương là một trong số 2 Trung tâm Phật học (cùng với Trung tâm Brobudua-Inđônêxia) lớn nhất của khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Sức ảnh hưởng của Phật viện Đồng Dương được đánh giá suốt hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 - 1471), là trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học của khu vực Đông Nam Á. Ngày 21/9/2000, Bộ VHTT (nay là Bộ VH-TT&DL) đã ra Quyết định số 16/2000/QĐ-VH xếp hạng Phật viện Đồng Dương là Di tích quốc gia cần được bảo vệ. Thế nhưng, trải qua hơn 11 năm, di tích này đã bị xâm hại nghiêm trọng bởi bàn tay con người và thiên nhiên; các dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích Phật viện Đồng Dương vẫn còn nằm trên giấy!

Đường đi đến khu Phật viện Đồng Dương gập ghềnh, vắng vẻ. Phật viện nằm “lọt thỏm” giữa một khu rừng keo, bạc hà bạt ngàn, âm u... Vào đến nơi, nhìn cổng tháp Sáng đứng xiêu vẹo cùng những thanh đà chống đỡ bằng gỗ đã bị gãy mục từ lâu; tháp bị sụn phần đế, phải nêm vào những lớp gạch để giữ chân đế. Nếu cứ để thực trạng này diễn ra như vậy, liệu mai này có còn nhìn thấy dấu tích của Phật viện Đồng Dương hay không?... Rất có thể chỉ sau một cơn mưa giông nữa là mảnh cổng Tháp Sáng sẽ sụp đổ, đánh mất dấu tích hàng ngàn năm.

Rời những di tích ở huyện Thăng Bình, chúng tôi không khỏi thương xót trước cảnh các di tích này đang từng ngày từng giờ cố “gồng mình” để chống chọi với sức mạnh của thiên nhiên và sự thờ ơ của con người. Các di tích này đang có nguy cơ trở thành biệt tích nếu như không có những biện pháp cấp bách và bền vững. 

  Dương Văn Út

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]