Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Năm 2014, công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành của tỉnh Tuyên Quang thực hiện bằng nhiều giải pháp như: Giảm nghèo theo từng nhóm hộ nghèo; tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao; hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo… Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo ở tỉnh Tuyên Quang có điều kiện thoát nghèo, cải thiện đời sống.

15.5939


Cam sành Hàm Yên mang lại thu nhập cao cho đồng bào. Ảnh: Quang Đăng.


Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, năm 2014 toàn tỉnh có hơn 9.600 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; gần 35.000 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí trên 16 tỷ đồng; hàng chục vạn lượt hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật phát triển sản xuất… Tỉnh Tuyên Quang cũng phân bổ trên 108 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; triển khai các Đề án giảm nghèo và Dự án hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo với kinh phí trên 30 tỷ đồng, giúp đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa thoát nghèo… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Tuyên Quang chỉ còn dưới 14%, giảm hơn 4% so với năm 2013.

Gia đình anh Đinh Xuân Tuyền, dân tộc Tày ở thôn Tân Lập, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa, trước đây là hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn. Năm 2011, gia đình anh được tạo điều kiện vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa. Anh Tuyền cũng được cán bộ xã định hướng phát triển nghề làm khung nhôm cửa kính tại gia đình. Mô hình sản xuất này dần đi vào ổn định và đã đem lại mức thu nhập trung bình từ 40 - 50 triệu đồng/năm cho gia đình anh. Cùng với gia đình anh Tuyền, năm 2014, toàn xã Bình Nhân cũng giảm được 61 hộ nghèo, đạt trên 100% kế hoạch giảm nghèo.
Trước đây, gia đình ông Vũ Quốc Tụng, thôn 3, làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên cũng là hộ nghèo. Được tham gia mô hình trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap do Chi cục Bảo vệ thực vật Tuyên Quang phối hợp với Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Tuyên Quang và huyện Hàm Yên thực hiện từ đầu năm 2013, với 0,36 ha chè sạch, mỗi năm gia đình ông Tụng đã có thu nhập trên 170 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Tụng đã thoát nghèo và đang trên đà làm giàu… Không chỉ gia đình ông Tụng, nhiều hộ nghèo ở xã Tân Thành được hỗ trợ tham gia dự án sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap cũng đã thoát nghèo.

Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có nhà cửa khang trang để ở. Ảnh: Văn Tý.


Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, tích cực giảm nghèo của nhiều gia đình thông qua các dự án, chương trình hỗ trợ, vẫn còn nhiều gia đình có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong công tác giảm nghèo, triển khai các biện pháp giảm nghèo chưa cụ thể, dẫn đến một số xã, phường chưa đạt chỉ tiêu về giảm nghèo.

Để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống dưới 10%, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiều giải pháp giảm nghèo; trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, chương trình lao động việc làm, chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả; nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách hỗ trợ hộ nghèo; đẩy mạnh hỗ trợ, đầu tư đến các huyện, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt khó khăn; tăng cường giám sát, quản lý các nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, đảm bảo các nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo.


Quang Cường
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]