- GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cho biết thông tin trên tại hội thảo An toàn thực phẩmdinh dưỡng với acid oxalic được tổ chức vào chiều 26-12.

Theo GS Sơn, các loại thực phẩm như hạnh nhân, hạt mè nguyên khô, rau dền, khế… chứa acid oxalic rất cao. Hạt điều, đậu phộng, khoai tây chiên miếng, khoai lang, măng… chứa acid oxalic cao. Hàm lượng acid oxalic trong hạt dẻ, bơ đậu phộng, khoai tây chiên cọng, cà rốt, cần tây, sốt cà chua… trung bình. Riêng cơm dừa, hạt hướng dương, măng tây nấu chín, bơ, bông cải xanh, bông cải trắng, dưa chuột, gạo… chứa khá ít acid oxalic.

“Kết quả phân tích từ cuối tháng 6-2013 đến 10-12-2013 do Công ty CP Dịch vụ khoa học công nghệ Sắc ký Hải Đăng (TP.HCM) thực hiện cho thấy 120/353 (34%) mẫu bột nguyên liệu có chứa acid oxalic (bột gạo 30-50 mg acid oxalic/kg, bột mì 150-300 mg/kg); 62/62 mẫu mì tôm (100%) chứa acid oxalic 100-200 mg/kg; 9/9 mẫu măng tươi (100%) chứa acid oxalic 700-3.080 mg/kg; 112/369 mẫu bún, bánh phở, hủ tiếu (hơn 30%) chứa acid oxalic 40-80 mg/kg…” - GS Sơn cho biết.

GS Sơn cho biết thêm khi nấu chín rau củ quả thì hàm lượng acid oxalic giảm đáng kể. Chẳng hạn acid oxalic trong rau muống trước khi luộc là 651 mg/kg, sau khi luộc giảm còn 406 mg/kg. Tương tự, acid oxalic trong bầu trước và sau khi nấu là 486 và 367; cà rốt là 237 và 85; măng tre trước và sau khi luộc là 1.375 và 518… “Ngoài một số thực phẩm tự nhiên có sẵn acid oxalic, tôi cho rằng vẫn còn tồn tại thực trạng người sản xuất cố tình cho acid này vào thực phẩm để làm trắng. Do vậy cơ quan chức năng có thể nghiên cứu ấn định hàm lượng tối đa cho từng loại thực phẩm để tránh thực trạng lạm dụng acid oxalic trong chế biến thực phẩm” - GS Sơn đề xuất.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho biết thêm acid oxalic kết hợp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể (canxi, sắt…) tạo thành các muối oxalat, có thể gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, oxalat canxi có nguy cơ lắng đọng ở thận, lâu ngày gây ra sạn thận. “Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng do bị kết hợp với acid oxalic rất nhỏ, không đáng kể. Do vậy, những người không có các vấn đề về thận, gout, thấp khớp… có thể dùng các loại thực phẩm tự nhiên có sẵn acid oxalic như đã từng sử dụng trước đây” - TS Giang nói.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết hiện nay các nước trên thế giới cũng chưa ban hành quy định ngưỡng giới hạn acid oxalic trong từng loại thực phẩm vì chất này đã có sẵn trong tự nhiên. Việt Nam muốn ban hành ngưỡng giới hạn acid nói trên phải có cơ sở khoa học chứng minh tác hại của acid oxalic. Tuy nhiên, chuyện này không đơn giản.

TRẦN NGỌC


Video đang được xem nhiều