Nhìn ảnh người yêu để... giảm đau

Một khám phá mới nhất trong y học cho thấy nhìn ảnh người yêu có tác dụng giảm đau rất hiệu quả.

15.599

Nhìn ảnh người để... giảm đau

Một khám phá mới nhất trong y học cho thấy ảnh người yêu có tác dụng giảm đau rất hiệu quả.

 

Nhìn ngắm ảnh người yêu có thể giảm đau. Ảnh: minh họa - Internet

Nói đến tác động của tranh ảnh, tôi nhớ đến truyện Bích Câu kỳ ngộ mà tôi từng mê mẩn từ những năm tiểu học. Truyện kể rằng ngày xưa có chàng thư sinh Tú Uyên mua tranh tố nữ về treo trong phòng học, ngày ngày chàng “sống” với người đẹp trong tranh. Khi đọc sách, thậm chí ăn uống, chàng cũng bày ra hai cái chén và hai đôi đũa. Chàng nói chuyện hoa bướm với người đẹp trong tranh và thấy phấn chấn tinh thần.

Hệ thần kinh tưởng thưởng

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhìn hình ảnh người đẹp hay người yêu mà tâm thần cảm thấy thoải mái? Đã có khá nhiều nghiên cứu bằng kỹ thuật MRI cho biết trong giai đoạn đầu của một cuộc tình, hệ thống thần kinh tưởng thưởng hay hệ thần kinh củng cố (reward system) của những cặp tình nhân được kích hoạt. Sự kích hoạt này làm người đang yêu vui vẻ, yêu đời hơn, thậm chí giúp họ giảm đau nếu đang mắc bệnh.

Trung tâm của thần kinh là bộ não, có lẽ là một cơ phận phức tạp nhất trong cơ thể con người. Não điều khiển hoặc chi phối hầu hết những gì chúng ta làm, kể cả vận động, nhịp tim, ký ức, ngủ - thức, học, thở, nhìn, nghe, cảm tính... Một khu vực đặc biệt quan trọng của não kiểm soát xúc cảm, ảnh hưởng đến cách thức chúng ta phản ứng với thế giới xung quanh. Hệ thống này (được gọi là limbic system) còn kiểm soát cảm giác hoan lạc liên quan đến sự sống còn của con người như ăn uống và dục tính.

Cảm giác hoan lạc được giới khoa học gọi là reward mà tôi tạm dịch là tưởng thưởng hay hệ thống thần kinh củng cố. Những hành động nhằm duy trì sự sống như ăn uống và dục tính kích hoạt một loạt tế bào chuyên biệt có chức năng sản xuất và kiểm soát sự hoan lạc. Những tế bào này nằm phía trên của não và được gọi chung là hệ tưởng thưởng. Hệ thống thần kinh tưởng thưởng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau.

Sức mạnh phi thường của tình yêu

Một nghiên cứu trên người được công bố trên tập san PLoS ONE cho thấy hệ thần kinh tưởng thưởng có hiệu quả giảm đau đớn ở người. Đây là một thí nghiệm độc đáo, chẳng những về mặt ý tưởng hay mà phần phương pháp cũng rất đáng đề cập.

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford phải sử dụng đến máy MRI để đo hoạt động của hệ thần kinh. Các nhà nghiên cứu chọn 15 sinh viên (tám nữ và bảy nam), tất cả đều thuận tay phải, tuổi từ 19-21. Tất cả sinh viên đều đang yêu và cuộc tình của họ tính trung bình khoảng chín tháng. Mỗi sinh viên được cho “phơi nhiễm” 15 giây trong môi trường 400C (nhiệt độ này được xem là không gây đau đớn). Sau đó, nhiệt độ được làm tăng dần đến khi sinh viên cảm thấy đau. Trong khi phơi nhiễm, ba thuật can thiệp được áp dụng cho mỗi sinh viên:

- Can thiệp thứ nhất là cho xem ảnh người yêu.

- Can thiệp thứ hai là cho xem ảnh của một người quen, người này có cùng độ tuổi và giới tính với người yêu. Người quen này cũng có sắc diện giống giống người yêu.

- Can thiệp thứ ba là suy nghĩ và trả lời, sinh viên được cho một số câu hỏi và họ phải tập trung suy nghĩ để trả lời. Những câu hỏi này thường mang tính chung chung, nhưng thuật can thiệp này từng được chứng minh là có thể giảm đau.

Trong khi sinh viên được can thiệp (tức khi xem ảnh hay suy nghĩ và trả lời), họ sẽ được máy MRI scan não để tìm hiểu phản ứng của những hệ thần kinh được kích hoạt.

Kết quả cho thấy nhìn ảnh người yêu có hiệu quả giảm đau tốt nhất. Nhìn ảnh người quen cũng giảm đau nhưng không tốt như nhìn ảnh người yêu. Can thiệp bằng cách hỏi sinh viên những câu hỏi “vớ vẩn” cũng có thể giảm đau nhưng mức độ không bằng nhìn ảnh.

Tuy nhiên, khám phá quan trọng là tuy nhìn ảnh người yêu và nhìn ảnh người quen đều có hiệu quả giảm đau nhưng cơ chế khác nhau. Chỉ có nhìn ảnh người yêu thì hệ thần kinh tưởng thưởng mới kích hoạt, còn nhìn ảnh người quen thì chẳng ảnh hưởng hay liên hệ gì đến hệ thần kinh tưởng thưởng.

Kết quả trên một lần nữa cho thấy tình yêu có một sức mạnh phi thường và có giá trị lâm sàng. Những cặp tình nhân khi mới yêu chẳng những “mơ mộng nhiều” mà còn cảm thấy phấn chấn, tràn trề hạnh phúc và năng lượng sống. Khi yêu, người ta trở nên phụ thuộc vào nhau về mặt tình cảm, quan tâm đến nhau. Chính sợi dây tình cảm đó có khi là liều thuốc mầu nhiệm trong lúc người ta đau yếu.

Theo Nguyễn Văn Tuân
Báo Tuổi Trẻ

Tổng hợp

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]