Nhìn LƯỠI đoán bệnh

(SKGĐ) Thay vì màu hồng tự nhiên và mịn thì lưỡi của bạn lại xuất hiện những đốm trắng, màu đỏ rực, tím ngắt hay nâu xám… Đó là những dấu hiệu mách bạn rằng, lưỡi đang mắc chứng bệnh nào đó.

0

1. Viêm lưỡi bệnh lý

Nguyên nhân thường do nhiễm khuẩn, nấm, mẫn cảm có thể là bệnh nguyên phát của lưỡi hoặc triệu chứng của một bệnh khác như cơ thể thiếu vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B, vitamin PP); thiếu máu ác tính hoặc thiếu sắt; một số bệnh da phát triển toàn thân như lichen phẳng, aptơ, giang mai, ung thư...

Biểu hiện là lưỡi có thể đỏ, sưng to, xuất hiện mụn rộp, nứt kẽ lưỡi, loét hoặc nhợt nhạt, láng bóng, trơn nhẵn, đau hoặc không.

Theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể sử dụng kháng sinh nếu nhiễm vi trùng, thuốc kháng virus nếu do virus, kháng nấm nếu viêm do nấm, bổ sung vitamin nếu viêm lưỡi do thiếu vitamin.

Ảnh minh họa

2. Viêm lưỡi di trú

Triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng. Có thể xuất hiện những vùng hơi đỏ có viền bao bọc màu vàng nhẹ trên mặt lưng của lưỡi, nhưng cũng có thể xuất hiện ở mặt trước bụng lưỡi hay sàn miệng.

Viêm lưỡi di trú tuy không không nguy hiểm và thường tự khỏi nhưng cũng gây những khó chịu cho người mắc phải.

3. Viêm lưỡi bản đồ

Biểu hiện trên lưng lưỡi xuất hiện những viền màu trắng, phía trong có màu đỏ sậm hơn màu lưỡi bình thường, làm mất gai lưỡi. Gọi là viêm lưỡi bản đồ vì những gờ hình ngoằn ngoèo làm cho bề mặt của lưỡi giống như hình bản đồ, xuất hiện trong một thời gian dài.

Không có điều trị gì đặc hiệu để chữa hết bệnh viêm lưỡi bản đồ mà nó có thể hết một cách tự nhiên, bạn vẫn sinh hoạt bình thường. Một số trường hợp kèm viêm loét gây đau ảnh hưởng đến ăn uống thì chỉ cần dùng thuốc giảm đau, đôi khi kèm thêm thuốc kháng viêm.

4. Loét lưỡi Apthae

Lưỡi xuất hiện các vết loét ở mặt bụng lưỡi hay ở chóp lưỡi khiến bệnh nhân rất khó chịu và đau, ảnh hưởng đến chức năng nhai và phát âm. Đây thường là hậu quả của bệnh Apthtae, một bệnh lý phổ biến với khoảng 20% dân số mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở nữ giới và trẻ em ở độ tuổi cắp sách đến trường.

Theo các bác sĩ, một số yếu tố được coi là nguyên nhân gây bệnh như thiếu vitamin C, PP, B6, nhiễm vi khuẩn hay virus, dị ứng thuốc hay thức ăn, rối loạn nội tiết. Di truyền và một số yếu tố tâm lý, miễn dịch cũng được nhắc đến. Để ngăn ngừa aphtes lưỡi, nên tránh các thức ăn kích thích như chua, cay, mặn và uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ khi bị đau, viêm cấp.

Ảnh minh họa

5. Lưỡi trắng

Toàn bộ bề mặt lưỡi bao phủ màu trắng, đó là biểu hiện của viêm nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu do thói quen vệ sinh răng miệng chưa tốt, mắc chứng hôi miệng, khô miệng, hay hút thuốc lá và uống rượu bia.

Chú ý: Sẽ rất phức tạp nếu trên lưỡi và sàn miệng xuất hiện những mảng trắng đồng đều (hiện tượng bạch sản), bởi nó có thể có khuynh hướng ác tính hóa. Khi đó, bệnh nhân không nên chủ quan, cần làm sinh thiết để xác định mức độ bệnh.

6. Ung thư lưỡi

Loại ung thư thường gặp nhất ở vùng miệng và lưỡi là ung thư tế bào vẩy. Những yếu tố được xem là có liên quan đến ung thư lưỡi là hút thuốc và nghiện rượu. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Triệu chứng thường gặp là phát hiện thấy một vết loét đơn độc lâu ngày, màu trắng hay đỏ ở bờ bên của lưỡi, không đau. Trường hợp này cũng cần được làm sinh thiết để xác định chẩn đoán.

7. Lichen phẳng (Lichen planus)

Thường gặp ở tuổi trung niên và người cao tuổi. Biểu hiện là những mảng trắng ở mặt lưng hay bờ bên của lưỡi và niêm mạc má, thường xuất hiện ở cả hai bên, có thể có loét hoặc không. Cũng có thể xuất hiện tình trạng viêm lợi tróc vẩy kèm theo.

Ðiều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng với corticosteroid bôi tại chỗ. Tuy nhiên, do có khả năng tiến triển tới ung thư nên cần đi khám định kỳ để có thể can thiệp kịp thời.

Thiên Cầm

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]