Xuất phát vẫn từ TTCK Mỹ và lý do cho động thái bán ra mạnh của nhiều NĐT hoàn toàn bình thường, khi mà đà tăng của thị trường đã lập những kỷ lục mới với một khoảng thời gian dài.

Điều đó khiến không ít NĐT trong nước lo ngại khối NĐT nước ngoài sẽ bán ra mạnh trên TTCK Việt Nam khi bước vào những phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Những cổ phiếu khối này nắm giữ thường có ảnh hưởng rất mạnh đến hai chỉ số, nên khi họ đã bán thì thị trường chắc chắn sẽ bị tác động. Trong khi đó, khối ngoại đang dẫn dắt đà tăng của thị trường.

Diễn biến hai phiên đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ không nằm ngoài dự đoán, khi áp lực bán xuất hiện và khối ngoại cũng đã có động thái bán ròng. Trong hai phiên này, khối ngoại bán ròng gần 2 triệu đơn vị, giá trị bán ròng là trên 63 tỷ đồng. Giá trị bán ròng không đáng kể, nhưng tổng khối lượng bán của họ lên đến hơn 18 triệu đơn vị, khởi nguồn cho việc nhiều NĐT trong nước bán theo.

Hai chỉ số chứng khoán đã có những rung lắc khá mạnh ở hai phiên khai Xuân. Sự rung lắc này khiến không ít NĐT bán ra mạnh, cho dù ban đầu họ chỉ muốn bán để thu tiền lấy may. VN-Index liên tiếp giảm điểm và nhiều khả năng còn tiếp diễn. Một số NĐT tỏ ra lo lắng, bởi hiện tại chưa có thông tin hỗ trợ cho thị trường.

Tuy nhiên, diễn biến giảm điểm chứa đựng yếu tố tích cực. Thứ nhất, nếu như đà tăng mạnh như những phiên trước Tết kéo dài thì có thể thị trường sẽ rơi vào một vòng xoáy khốc liệt với nhiều hệ lụy. Thứ hai, cho dù bên bán đang là người tạo ra vị thế thì cầu mua vào cũng không hoàn toàn lép vế với lệnh mua khối lượng lớn ở giá thấp. Thanh khoản tăng mạnh và đây có thể là một sự đổi vị cho thấy thị trường vẫn còn những điều thú vị ở phía trước.

Ngân hàng HSBC vừa công bố chỉ số sản xuất PMI tháng 1 với 52,1 điểm, cao nhất kể từ tháng 4/2011. Đây là một tín hiệu khả quan đầu năm cho ngành sản xuất, nhưng ở một thái cực khác là CPI tháng 1 chỉ tăng 0,69%.

Đây là mức tăng khá thấp nếu so sánh với các tháng 1 của những năm trước đó, cho thấy cầu tiêu dùng chưa có nhiều cải thiện. Việt Nam đã ổn định được nền kinh tế, nhưng điều đó là chưa đủ. Kinh tế cần phải đi lên trong vững vàng.

Trong năm 2013, những ngành như dầu khí, điện, may mặc... có sự đột biến và giá cổ phiếu những ngành này đã có những bước tăng mạnh. Năm 2014, chưa có cơ sở để dự báo những ngành nào sẽ tạo ra sự đột biến như vậy.

Tuy nhiên, sự vận động của từng cổ phiếu vẫn tiếp diễn. Kỳ vọng lớn đang dồn vào những cổ phiếu có thị giá thấp và những công ty có nhiều triển vọng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình sẽ là nhóm tạo ra sự đột biến trên thị trường hơn là nhóm blue-chip hay Penny (thị giá thấp).

Trên đồ thị phân tích kỹ thuật, chỉ số chứng khoán chốt tuần qua với một cây nến đỏ dài, cho thấy áp lực bán vẫn còn. VN-Index cần phải lấp đầy những “khoảng trống” (Gap) mà chỉ số này đã tạo ra trong nhịp tăng trước.

Do đó, có thể thị trường sẽ diễn ra một nhịp giảm về vùng 520 điểm trước khi tạo ra một đà tăng mới. Nếu như điều này là hiện thực thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ là nhóm có nguy cơ giảm giá, trong khi nhiều mã cổ phiếu nhỏ tiếp tục ngược dòng.

Công ty Chứng khoán IVS