Nhồi con ăn - bé đau dạ dày và béo phì

Nhiều bà mẹ tự hào chia sẻ phương pháp ép con ăn: nhồi thức ăn thật đầy, bé trớ ra, lại nhồi như cũ. Theo các bác sĩ, đây là phương pháp rất phản khoa học.

15.5761

Nhiều trẻ đã mập vẫn bị bố mẹ ép ăn - Ảnh: Kiphakes

Thấy cháu nội là bé Nhím (nhà ở quận 1, TP HCM) hơi gầy (47 tháng, nặng 15 kg), bà Minh quyết định thực hiện một chương trình "vỗ béo". Mỗi bữa bà ép cháu ăn một bát đầy cơm và uống thêm 2 bát nước canh. Lúc nào bé tỏ vẻ ngán, không muốn ăn, bà liền đặt chiếc roi bên cạnh canh chừng. Bé nhiều lúc sợ quá, uống vội một thìa canh và nuốt chửng cơm. Sau một tháng bé tăng lên 7 gr nhưng thường xuyên ợ hơi, kể cả lúc đói. Bố mẹ đưa bé lên trung tâm y tế, xét nghiệm thấy bé có dấu hiệu ban đầu của bệnh dạ dày.

BS Nguyễn Tấn Hưng, Khoa Nhi, Trung tâm y tế Medic, TP HCM, cảnh báo: Khi ăn quá nhiều, trẻ có nguy cơ bị ợ, trớ gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức axít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày. Đặc biệt, rất nhiều bé bị trớ qua cả đường mũi,không chỉ hại dạ dày mà rất hại cho hô hấp.

Nhiều năm gắn bó với bệnh nhi, BS Bùi Thu Hương công tác tại khoa Tiêu hóa, BV Nhi Trung ương cũng chia sẻ, phụ huynh thúc ép trẻ ăn đủ khẩu phần tạo cảm giác căng thẳng, ăn không ngon khiến bé luôn rơi vào trạng thái lo lắng thái quá, dễ dẫn tới những cơn đau bụng tăng dần. Đây là biểu hiện ban đầu của bệnh dạ dày.

Ép ăn cả khi bé đã ngán vừa gây áp lực cho trẻ, khiến nhiều bé có tâm lý sợ sệt trước mỗi bữa ăn. Không những thế, bé cũng có cảm giác không thích người chăm sóc, đút thức ăn cho mình. Như bé Nhím, giờ mỗi lần mẹ bảo để bà nội cho ăn là bé lại khóc thét lên. Nếu bé trớ, nhà cửa bẩn thỉu, bố mẹ phải thu dọn vừa bực mình, vừa mất thời gian, nhưng nhiều người vẫn hài lòng với phương pháp cho bé ăn nhiều này.

Ép bé ăn nhiều cũng là nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh béo phì của trẻ. Bởi vì khi bé phải nạp một lượng thức ăn lớn, dạ dày của bé sẽ buộc phải điều chỉnh để phù hợp, nó sẽ giãn ra dần dần, và rồi bé sẽ luôn có càm giác dạ dày trống rỗng, thèm ăn.

Bé Phong (quận 7, TP HCM) lúc 12 tháng tuổi nặng 11 kg. Chị Lan thấy con nhẹ cân hơn mấy bé hàng xóm liền xúc tiến chiến dịch tăng cân cho con. Một ngày vẫn cho bé ăn đủ 6 bữa, mỗi bữa ăn chính, chị ép con ăn hết 2 bát cháo đặc. Đến khi bé chuyển sang ăn cơm, lượng cơm cũng là hai bát đầy. Bây giờ được 58 tháng tuổi, cu cậu đã nặng 28 kg và cao 110 cm. Vấn đề đáng ngại hơn là khoảng nửa năm trở lại đây, lúc nào Phong cũng có cảm giác thèm ăn. Đi học về, bé trốn sang nhà bà nội, ăn vã thức ăn của bà (có hôm bé ăn cả 4 quả trứng gà luộc) rồi về nhà, vẫn ăn bữa tối với 2 bát cơm đầy với bố mẹ. Đến 9h tối, cậu đã kêu đói, đòi ăn đủ thứ, uống sữa xong vẫn gạ mẹ nấu thêm mì.

Còn bé Diệu Linh (quận 4, TP HCM), sau một thời gian được mẹ vỗ béo tích cực, vào học lớp 1, bé đã nặng 32 kg. Mẹ bắt đầu thực hiện chế độ ăn kiêng cho bé. Thế là đến nhà ai, bé cũng tranh thủ xin ăn, từ bánh kẹo cho đến các món mặn. Chương trình giảm béo của mẹ con bé Linh kéo dài đến 6 năm vẫn chưa có nhiều kết quả. Bây giờ, học lớp 6 mà cô bé đã 50 kg, và dậy thì từ năm 8 tuổi. Chị Hương, mẹ bé than thở: "Giờ giảm béo cho nó cực quá, hai mẹ con vừa phải đăng ký một khóa học aerobic".

AloBacsi.vn
Theo Kim Kim - VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]