Nhốt chồng trong cũi để... chữa bệnh

Giadinh.net - Đã 3 năm nay, chiếc cũi kiên cố rộng chưa đầy 5m2, cao 2m, 4 bề là tường gạch, trên trần là các thanh sắt phi 18 đan chéo nhau là nơi cư ngụ của anh Hoàng Hữu Doanh, xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

0

Để tránh việc anh Doanh phá cũi xông ra ngoài, trước tấm cửa sắt bé xíu (rộng khoảng 60cm, cao 70cm), vợ và cháu ruột anh Doanh còn chôn xuống nền bê tông một khúc gỗ to như cổ chân khiến chiếc cửa sắt không thể nhúc nhích, hoen gỉ. Anh Doanh luôn thề với mọi người, nếu xổng ra khỏi cũi, người đầu tiên anh cần “thanh toán” là vợ, sau đó đến anh trai.

Đã từng chém vợ, rượt chém anh trai

Mặc dù đã gần 5 năm trôi qua, nhưng chị Lưu Thị Nghệ, vợ anh Hoàng Hữu Doanh vẫn nhớ như in buổi sáng kinh hoàng khi bị chồng rượt chém. Đó là một sáng tháng 5/2003, đúng lúc chị đang mải “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” ngoài ruộng lúa bỗng nghe tiếng kêu thất thanh của bà con ngoài đồng giục: “Nghệ ơi, chạy đi, thằng Doanh cầm dao...”. Chưa kịp nghe hết câu, ngẩng mặt lên, chị Nghệ hốt hoảng khi thấy trước mặt người chồng vừa đêm qua đầu ấp má kề đang cầm dao giơ lên nhằm thẳng đầu chị bổ xuống. Nhanh như sóc, chị Nghệ né người sang một bên tránh được nhát dao tử thần, rồi ba chân bốn cẳng chạy thục mạng.

Tuy nhiên, vì sức đàn bà nhỏ mọn nên chỉ chạy được 200m, chị Nghệ đã nghe thấy tiếng thở dồn dập của chồng ở ngay sau lưng. Sau đó, một nhát chém ngọt sau gáy khiến chị Nghệ khuyụ gối xuống đất. Được đà, Doanh liên tiếp vung dao chém vợ 3, 4 nhát vào lưng và đứt gần lìa cánh tay trái. Vừa chém, Doanh vừa rít qua kẽ răng: “Mày định đầu độc ông à? Mày định giết ông à?”. Sự việc chỉ kết thúc khi một số thanh niên trong xóm liều mạng xông vào tước dao trên tay Doanh.

Sau gần một tháng điều trị vết thương ở bệnh viện tỉnh Bắc Giang trở về nhà, chị Nghệ và anh em nhà chồng họp nhau lại quyết định xích Doanh vào chân cầu thang để đề phòng bất trắc. Tuy nhiên, chiếc xích to như ngón chân cái cũng không kìm chân được sức trai lực lưỡng của Doanh.

Một chiều cuối năm 2003, anh Hoàng Hữu Hoa, anh trai cả của Doanh bỗng tá hỏa khi thấy phía sau làn khói thuốc lào, cậu em trai sừng sững trước mặt, tay lăm lăm con dao bầu dọa chém. Vội vàng đạp đổ cả ống điếu, anh Hoa chạy vòng ra cửa sau bật tường sang nhà hàng xóm trốn chạy sự truy sát của cậu em.

Ông Trần Đức Thăng - Trưởng thôn Xóm Dưới, xã Cảnh Thụy: Chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào!

Chúng tôi cũng rất lúng túng với trường hợp anh Doanh bị nhốt vào cũi. Tôi đã từng vận động anh Hoa và cô Nghệ đưa Doanh đi viện hoặc mua trâu, bò về cho Doanh thả xem không khí thoáng đãng có giúp cậu ấy thuyên giảm bệnh không. Nhưng gia đình có cái lý của gia đình. Họ làm thế vì bất đắc dĩ.

Gia đình cô Nghệ thuộc diện gia đình khó khăn trong xóm. Chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ gia đình họ bằng cách đề nghị chính quyền làm trợ cấp xã hội cho cậu Doanh. Một điều đáng lo ngại nữa là con gái lớn của cô Nghệ cũng đang có ý định bỏ học vì gia đình quá khó khăn. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng giúp đỡ gia đình cô ấy.

Người chồng tâm thần

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, chị Lưu Thị Nghệ và anh Hoàng Hữu Hoa cho biết: Việc gia đình phải nhốt Doanh vào cũi là bất đắc dĩ. Theo lời gia đình, anh Doanh bị bệnh tâm thần phân liệt cách đây 13 năm. Thời gian đầu, bệnh của Doanh ở thể nhẹ nên không ai biết. Khi đó, mỗi lần thấy chồng lúc nào cũng trong tình trạng sợ sệt, lo lắng người khác hại mình, đầu độc mình khiến chị Nghệ nhiều lúc còn thấy buồn cười. Rồi một hôm, chị đi làm đồng về, ra giếng rửa mặt mới thấy chồng đang hùng hục đào đất ngoài vườn vào lấp giếng. Trước ánh mắt ngạc nhiên của vợ, anh Doanh chỉ trả lời độc một câu: “Giếng bị chúng nó bỏ thuốc sâu rồi. Lấp đi đào giếng khác”. Sau đó, anh Doanh thuê thợ về đào giếng khoan. Để không bị “chúng nó bỏ thuốc sâu”, anh Doanh bắt vợ không được bơm nước vào chum. Nấu cơm bữa nào, bơm nước bữa ấy.

Biết chồng có biểu hiện của căn bệnh hoang tưởng, tâm thần phân liệt, chị Nghệ đưa chồng lên Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang điều trị. Tuy nhiên, Doanh luôn cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, không bị tâm thần nên nhất định không chịu uống thuốc. Hết cách, chị Nghệ đành nghiền thuốc trộn với cơm hoặc hòa vào nước canh cho chồng uống, nhưng Doanh vẫn phát hiện ra và quay sang nghi ngờ vợ đầu độc mình.

Từ đó, Doanh luôn nung nấu ý định “trả thù” vợ. Sau lần chém vợ bị thương ngoài đồng, Doanh đã bị anh Hoa đến túm cổ áo “dọa” cho một trận. Sau đó anh Hoa bàn với chị Nghệ phải mua xích về cầm chân Doanh ở gầm cầu thang để tránh gây họa cho mọi người khi Doanh lên cơn. Câu chuyện này đã được Doanh ghi nhớ trong đầu và cho rằng người anh trai cũng có ý định hãm hại mình. Vì thế, khi dứt được xích, Doanh đã lao xuống bếp vác con dao bầu chạy sang truy sát anh trai.

Trước sự hung hăng của Doanh, gia đình đã không còn cách nào khác là làm một cái cũi để nhốt Doanh vào đó. Tất cả mọi sinh hoạt, bài tiết của Doanh đều được thực hiện phong phạm vi chiếc cũi. Những ngày đầu bị nhốt, Doanh luôn mồm nguyền rủa vợ và anh trai. Trong đêm khuya tĩnh mịch, người dân xóm Dưới lại bị đánh thức bởi tiếng  thề của Doanh sẽ “thanh toán” vợ, sau đó đến anh trai nếu anh ta ra được khỏi cũi. Bởi vậy, đã gần 3 năm nay chị Nghệ, anh Hoa không dám đến gần cửa cũi đưa đồ ăn cho Doanh. Công việc này chủ yếu là do cô con gái lớn của chị Nghệ đảm nhiệm.

Sẽ gắn bó cả đời trong cũi?

Tiếp xúc với PV Báo GĐ&XH ngày 24/2/2008, Hoàng Hữu Doanh hết sức tỉnh táo. Tôi để ý thấy Doanh luôn bám chặt tay vào cửa cũi, im lặng nghe ngóng câu chuyện diễn ra giữa PV và những người thân của gia đình Doanh phía ngoài sân rồi nói chêm vào. Doanh nghiện thuốc lá, luôn miệng xin PV thuốc và tiền để mua thuốc. “Chính vì nhà em lúc tỉnh, lúc điên như thế này nên mới khổ chứ. Những lúc tỉnh táo, biết mình bị nhốt như thế này, chắc anh ấy căm lắm. Bởi thế mà càng không thể thả anh ấy ra được. Anh ấy mà ra ngoài chắc là sẽ giết em ngay” - Chị Nghệ nói trong nước mắt. Anh Hoàng Hữu Hoa cũng tâm sự: Biết là nhốt em trai trong cũi là vi phạm pháp luật, là không đúng tình người. Nhưng nếu thả Doanh ra ngoài, không ai dám đảm bảo tính mạng cho gia đình anh, nhất là vợ con Doanh.

Mong ước duy nhất của gia đình là đưa Doanh đi chữa bệnh ở Bệnh viện tâm thần TƯ vì “nghe nói chữa bệnh ở đó không mất tiền, không phải người đi chăm sóc, khi nào khỏi bệnh, các bác sỹ mới cho ra viện” - chị Nghệ hy vọng. Bởi với thu nhập chưa đầy  5 triệu đồng/năm thì việc theo chồng ra viện chữa bệnh là chuyện quá sức với chị Nghệ.

Nhưng vì từ bé đến giờ, chị Nghệ chưa từng đi đâu ra khỏi ranh giới tỉnh Bắc Giang nên không biết đường đến Bệnh viện Tâm thần TƯ như thế nào. Hơn nữa, để hai cô con gái ở nhà với người cha tâm thần thì không yên tâm nên chị Nghệ đành tặc lưỡi, mặc nước trôi, bèo trôi.

Anh Hoa thì cho biết: “Có thể trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cơi nới cho chiếc cũi rộng thêm ra vài mét nữa cho thoáng”. Như vậy, nếu không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng để anh Doanh được ra viện chữa bệnh, người đàn ông này sẽ phải gắn bó nốt cuộc đời còn lại của mình trong cũi.

Mai Thúy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]