Những bác sĩ truyền cảm hứng

SKĐS - Mới đây, cộng đồng nước ta xôn xao và ngưỡng mộ người truyền cảm hứng sống Nick Vujicic đến Việt Nam. Anh không chỉ là minh chứng cho nghị lực sống mà còn chứng tỏ là một người khiếm khuyết rất thành công.

0

Mới đây, cộng đồng nước ta xôn xao và ngưỡng mộ người truyền cảm hứng sống Nick Vujicic đến Việt Nam. Anh không chỉ là minh chứng cho nghị lực sống mà còn chứng tỏ là một người khiếm khuyết rất thành công. Thực tế, có rất nhiều người đã và đang viết nên những câu chuyện cảm động bằng chính nghị lực sống của mình, trong đó có cả những người thầy thuốc. Vì số phận không may mắn, họ là những người khuyết tật, nhưng họ lại mang trong mình một trái tim ấm áp không chỉ của một người bình thường mà là trái tim nồng ấm yêu thương của người thầy thuốc. Họ là những người truyền cảm hứng sống.

Tiến sĩ mù chữa bệnh

Tiến sĩ Jacob Bolotin được một tạp chí công nhận và vinh danh vì những nỗ lực vượt qua bệnh tật để trở thành một bác sĩ giỏi 1 thế kỷ trước. Ông chẩn đoán chủ yếu dựa vào việc nói chuyện với bệnh nhân, tiến hành kiểm tra bằng việc sờ vào chỗ người bệnh thấy khó chịu, sử dụng cảm giác của người mù và lắng nghe tim phổi của bệnh nhân. Ông chính là nhân chứng sống chứng minh rằng một người mù vẫn có thể trở thành một bác sĩ y khoa.

Năm 1912, ở tuổi 24, Jacob Bolotin trở thành bác sĩ mù đầu tiên được cấp phép hành nghề. Đến năm 30 tuổi, ông trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về tim và phổi ở Chicago (Mỹ). Khi ông qua đời ở tuổi 36, khoảng 5.000 người đã đến dự đám tang của ông.

Con đường học hành để trở thành bác sĩ của Bolotin rất gian nan bởi không ai tin một người mù có thể học trường y. Đến khi ra trường, ông cũng phải nỗ lực chứng minh trình độ của mình để được cấp phép hành nghề. Không chỉ là một bác sĩ nổi tiếng về tim phổi trên thế giới thời kỳ đó, BS. Bolotin còn tích cực trong các hoạt động nâng cao nhận thức của mọi người về người mù. Ông đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ, đặc biệt là những người khiếm thị và là bằng chứng sống về nghị lực vượt qua khó khăn. Hằng năm, tại Mỹ, Liên đoàn quốc gia của người mù vẫn trao giải thưởng mang tên Jacob Bolotin để ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho sự hội nhập của người mù vào xã hội.

Bác sĩ phẫu thuật bị liệt từ thắt lưng xuống chân

Ted Rummel là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình giỏi ở O’Falllon, Missouri, Mỹ. Năm 2009, ông được chẩn đoán có một khối u ở xương sống. Đến tháng 9/2010, khối u bị vỡ, ông đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật và một thời gian vô cùng khó khăn do bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Từ một người đàn ông mạnh mẽ, tài giỏi thực hiện khoảng 1.000 ca phẫu thuật chỉnh hình mỗi năm, nay ông phải gắn cuộc đời mình trên chiếc xe lăn. Đây là thời gian khó khăn nhất của cuộc đời Rummel, có những lúc ông - một bác sĩ có tiếng đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng do bất lực trước cuộc sống.

 

 

Động lực được trở lại với công việc cứu chữa bệnh nhân đã thôi thúc ông luyện tập không ngừng nghỉ và chờ đến ngày được trở lại với bệnh viện, nơi ông cảm thấy hạnh phúc và có ích nhất trong cuộc đời. Đúng một năm sau, BS. Rummel thực hiện ca mổ đầu tiên dưới sự giám sát của một bác sĩ phẫu thuật khác đề phòng trường hợp Rummel cần sự hỗ trợ. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Bác sĩ Rummel đã trở lại rất nhanh và thành thục bởi những kỹ năng của một phẫu thuật viên đã ăn vào máu ông.

 

 

 

 

 

 

Bác sĩ Ted Rummel trong công việc.

Một chiếc xe lăn đặc biệt dành riêng cho Rummel đã ra đời giúp ông - người bác sĩ đam mê với công việc có thể đứng nhờ sự hỗ trợ của chiếc xe cũng như nhờ quá trình tự luyện tập phục hồi. Giờ đây, Rummel có thể làm được tất cả mọi việc như chưa từng có biến cố lớn trong đời.

TS. William Tan tới Bắc Cực Bằng xe lăn

Không ai trên đất nước Singapore không biết đến TS. William Tan. Ông là một trong những người truyền cảm hứng nổi tiếng bậc nhất đảo quốc sư tử này. Mặc dù được sinh ra trong gia đình nghèo và mắc bệnh bại liệt, nhưng TS. William Tan đã biến nghịch cảnh của mình trở thành lợi thế. Ông đã từng tâm sự: “Tôi không thể sử dụng đôi chân, nhưng tôi sẽ làm tốt nhất trí tuệ và cánh tay của tôi, những thứ không bị liệt”.

TS. William Tan ở Bắc Cực.

Sinh năm 1957, TS. Tan không may mắc bệnh bại liệt ở tuổi lên 2, cậu bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Khi đến tuổi đi học, William Tan đã chứng minh với chúng bạn về tình trạng “không khuyết tật” của mình bằng một thành tích học tập xuất chúng. Ước mơ được trở thành một nhà khoa học, một bác sĩ y khoa, ông quyết tâm đi du học. Ông học ngành y tại Đại học Newcastle, sau đó giành được học bổng Fullbright tại Đại học Harvard và Oxford (Mỹ), giờ đây, ông đã trở thành một bác sĩ y khoa, một nhà nghiên cứu về thần kinh học.

Bên cạnh ước mơ trở thành bác sĩ, từ khi 15 tuổi, W. Tan đã tham gia hoạt động thể thao với chiếc xe lăn. Ông trở thành một vận động viên marathon trên xe lăn. Năm 1988, TS. Tan đã đại diện Singapore tham dự Paralympic và nhiều cuộc thi khác. Năm 2007, ông trở thành người đàn ông đầu tiên trên thế giới hoàn thành marathon ở Bắc Cực bằng xe lăn. Trong suốt 20 năm qua, ông đã đi qua hàng chục quốc gia để tham gia các cuộc thi thể thao và quyên góp được 18 triệu đô-la Singapore cho các tổ chức từ thiện ở trong và ngoài nước. Với rất nhiều giải thưởng như giải Thanh niên khối thịnh vượng chung, giải Thanh niên ASEAN hay giải thưởng Người truyền cảm hứng châu Á..., TS. William Tan chứng tỏ mình thực sự khác biệt và đang là động lực để những người khác noi gương.

Hải Yến

 

 

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]