Những bài học nuôi lớn tâm hồn 'chú lính chì' Thiện Nhân

Thiện Nhân lớn lên trong sự chắt chiu, tiết kiệm nỗi đau và nước mắt từ những lần phẫu thuật và hơn cả là tình yêu thương của gia đình mẹ nuôi.

0

Hàng ngày trước khi đi ngủ, Nhân thường xoa kem mặt cho mẹ, kiểm tra nước trong phòng còn hay hết mới yên tâm. Ảnh: Facebook Mai Anh Trần.

Nằm bất động trên giường bệnh giữa xung quanh là dây ống chằng chịt, Thiện Nhân tỉnh lại sau ca phẫu thuật quan trọng dài 9 tiếng. Cậu bé cố gắng nói trong hơi thở yếu ớt "mẹ ơi, lớn lên con sẽ chăm sóc mẹ" với người phụ nữ bé nhỏ đang ở cạnh rồi khép chặt đôi mắt. Trong giây phút chưa kịp cảm nhận mọi thứ xung quanh vì hôn mê sâu, cậu bé nói ra nỗi niềm giấu kín.

Khoảnh khắc quý giá mà mẹ Mai Anh, người nhận nuôi Thiện Nhân, ghi lại được ấy trở thành điểm nhấn xúc động trong bộ phim tài liệu về cuộc đời bé trai bị thú ăn mất một bên chân và bộ phận sinh dục. Bộ phim là những mảnh ghép trong hành trình tìm lại sự sống cho Thiện Nhân mà mẹ Mai Anh, bác sĩ người Italy hay cha mẹ đỡ đầu của cậu đã nỗ lực hết mình.

Bị ám ảnh bởi ánh nhìn trực diện của em bé bị bỏ rơi ở Quảng Nam, bản năng người mẹ đã thôi thúc chị tìm đến và đón con về. Thiện Nhân lớn lên trong sự chắt chiu nỗi đau, tiết kiệm nước mắt từ những lần phẫu thuật quan trọng và cả yêu thương của gia đình mẹ Mai Anh. Ngày còn nhỏ, Thiện Nhân gọi anh Thiên Minh (con trai lớn của chị Mai Anh) là bố. Với Nhân, anh Minh lớn vĩ đại lắm vì anh che chở và là điểm tựa cho mình.

Cứ thế, ba đứa trẻ, Thiên Minh, Hải Minh (hai con ruột của chị Mai Anh) và Thiện Nhân, cùng nhau đi qua thời thơ ấu đầy những cung bậc cảm xúc, giống như bao trẻ khác. Có ba anh con trai trong nhà, mẹ Mai Anh thêm vất vả nhưng chị không khó khăn trong việc dạy dỗ bởi chúng tự chơi và nhìn nhau sống.

Tuy nhiên, để mọi thứ quy củ, chị Mai Anh đề ra luật riêng trong gia đình. Lúc nhỏ, ba anh em Nhân hay chành chọe tranh giành đồ chơi. Mẹ Mai Anh không đánh hay phân xử mà chỉ phân tích cho chúng hiểu anh em trong nhà không bao giờ được bỏ nhau. Khi lớn lên, người này đói, người kia cho ăn, hoặc anh này có tội thì anh kia phải giúp đỡ. Bởi vậy, các con chỉ có một con đường là làm sao để tồn tại chung và sống hòa thuận. Từ đó, chúng ít khi xích mích.

Nhân và hai anh được dạy nếu có chuyện hãy tâm sự để người trong nhà giúp giải quyết vì giữ kín sẽ càng làm sự việc thêm trầm trọng. Chị Mai Anh luôn nhắc con làm gì cũng phải suy nghĩ trước sau và việc này sẽ gây ra hậu quả gì. Ngoài ra, nếu gây chuyện, hãy tự chịu trách nhiệm.

Lần Nhân bị phạt vì nói bậy trong lớp, chị họp ba con lại để thông báo sẽ đến xin lỗi nhà trường. Nghe vậy, cả ba nghĩ ngay đến việc mẹ đi làm mệt giờ lại phải nghỉ việc ở cơ quan để đến trường. Việc ấy vô cùng phiền toái. Nhân khuyên mẹ không cần đến trường mà hãy viết thư cho cô giáo.

"Tôi bảo thằng bé 'tội là do con gây ra, mẹ đi làm cả ngày nên rất buồn ngủ. Con viết hộ mẹ thư để mai mẹ dậy sớm chép lại cho nhanh'. Tôi đi ngủ và xem thằng bé xử lý ra sao. Sáng hôm sau, tôi thấy lá thư để sẵn trên bàn đề 'kính gửi bà hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm, tôi là Mai Anh, phụ huynh cháu Thiện Nhân...", chị Mai Anh cho biết.

Thiện Nhân (giữa) và hai anh cùng bơi dưới bể. Ảnh: Facebook Mai Anh Trần.

Nguyên tắc của chị là các con không được nói dối vì điều này sẽ làm tổn hại người khác. Các con cũng không bao giờ dám dối trá vì hiểu "không lại được với mẹ". Với chị, con chưa học bài, quên vở, điểm kém hay nghịch trong lớp chỉ như hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày của trẻ nhỏ. Nếu chuyện xảy ra, chị hết sức bình thường và giúp con điều chỉnh từ từ.

Ở nhà, Thiện Nhân và các anh tự giác trong sinh hoạt. Chị Mai Anh đặt ra các mốc thời gian như sau 21h, các con không làm bài nữa. Trước đó, các bé muốn làm gì thì làm nhưng đúng giờ là dừng việc học, dù có chưa xong bài tập. 7h10 ba anh em Nhân phải hoàn thành việc vệ sinh cá nhân, ăn sáng, mặc quần áo và chuẩn bị sách vở để ra ngõ đi học.

"Nếu con lệch giờ, tôi sẽ nhắc ngay 'con muộn học là việc riêng của con nhưng bác lái xe đứng đợi sẽ gây tắc đường. Bác ấy làm công ăn lương và còn phải nuôi gia đình. Đừng làm ảnh hưởng tới người khác mà hãy tự gọn gàng việc của mình. Chỉ cần như vậy, các bé sẽ biết cách tự điều chỉnh để không gây phiền hà", chị Mai Anh cho biết.

Dạy con đơn giản, từ bài học cuộc sống xung quanh là cách chị Mai Anh trang bị kỹ năng sống cho chúng. Có lần, ba anh em Thiện Nhân gặp một anh đánh giày lang thang ngoài công viên. Chúng liên tục bàn tán và mang câu chuyện về nhà. Cả ba muốn giúp nhưng lăn tăn vì trông anh béo, không biết là người tốt hay xấu.

"Tôi bảo các con muốn giúp đỡ người khác thì không cần phải nghĩ nhiều. Hãy xem mùa đông anh ấy mặc nhiều hay ít áo, còn các con mặc gì. Nếu không có áo tức là anh đang rét. Người béo hay gầy, tốt hay xấu thì mùa đông cũng rét. Sau đó, chúng xin ông quần áo ấm cũ rồi mang ra cho cậu bé ấy", chị Mai Anh kể.


Ba đứa trẻ cũng muốn tặng người bạn mới quen bộ đánh giày mới nhưng lại không có tiền và tính về vay mẹ.

"'Mẹ không cho vay. Muốn giúp hãy lấy tiền mừng tuổi ra rồi nhờ mẹ mua hộ. Anh trả lại thì các con còn, nếu không thì mất'. Tôi làm như vậy để chúng có ý thức muốn giúp phải tự bản thân mình, không đi xin người khác", chị Mai Anh nói.

Trong trái tim mẹ Mai Anh, Nhân và hai anh sống tình cảm. Ba anh em có cách chăm sóc mẹ khác nhau. Tối nào Nhân cũng bôi kem mặt cho mẹ, kiểm tra xem chai nước trong phòng còn hay hết. Còn anh Minh lớn có nhiệm vụ đun chậu nước sôi để chườm mắt cho mẹ. Đáp lại tình cảm của các con, mẹ Mai Anh có cách yêu thương mỗi người khác nhau để chúng không cảm giác bị "ra rìa".

Anh Minh bé hơi mít ướt, thích ôm, hôn mẹ. Nhân tỏ ra đàn ông, con trai nên không thích "mấy trò vớ vẩn đấy". Thấy mẹ ôm anh, cậu bé rất sướng. Với Nhân, chỉ cần mẹ con hiểu nhau, về cùng một phe đã là mẹ yêu mình. Anh Minh lớn lại chỉ thích chăm sóc và chia sẻ công việc với mẹ.

Mẹ Mai Anh rất ít khóc bởi mềm yếu không giải quyết được vấn đề. Suốt hành trình hồi sinh "chú lính chì", chị chỉ đôi ba lần rơi nước mắt. Chị hiểu cần phải vững vàng, mềm yếu chỉ khiến hình thành tính cách yếu đuối cho Nhân.

Hàng sáng, bốn mẹ con lại tíu tít người đến công sở, người đến trường. Cậu bé Nhân nhanh nhẹn khoác cặp lên vai, nhảy lò cò ra cửa theo các anh để kịp giờ.

Ba con trai của chị Mai Anh luôn có cách chăm sóc mẹ khác nhau. Anh Minh lớn giúp mẹ chia sẻ công việc, còn Thiện Nhân xoa kem mặt và chuẩn bị nước uống ban đêm cho mẹ. Ảnh: Facebook Chú lính chì Thiện Nhân.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]