Những bài học từ con trai và con gái

Ba bận bù đầu bù cổ. Nghe mẹ bảo là tổ chức cho các con đi chơi, ba nói ngay, bận lắm không đi được đâu.

0

Phan Văn Tú

Một tối, mẹ gọi ba ra hành lang thủ thỉ rằng cả năm các con đi học, hè nên cho chúng đi chơi ít nhất là một chuyến. Chuyện dẫn hai con đi, một mình mẹ ráng cũng được. Nhưng sẽ chẳng thú vị gì nếu đi chơi mà lại thiếu ba. Mà các con đều bảo thích đi với ba.

Thế đấy. Nên ba phải đồng ý thôi. Và ba cho mẹ khoảng thời gian mà ba có thể sắp xếp được công việc. Còn thì mẹ lo tất, từ việc đăng ký khách sạn trong mùa du lịch cao điểm này, đến việc mua cho được vé tàu đi và về ngay trong đợt các thí sinh ngược xuôi thi đại học.

Ngày 26/6 cả nhà lên đường.

Chuyến tàu hoả rời ga lúc gần 14 giờ chiều. Các con giành ngồi hai ghế bên cạnh nhau. Và ba mẹ được tự do bên nhau. Cảm giác là lạ. Vì từ khi có các con, bao nhiêu lần đi chơi là bấy nhiêu lần mẹ vất vả ôm ấp bế bồng. Ba bỗng nhận ra, con trai 4 tuổi rưỡi của ba đã lớn, lớn thật rồi.

Đến khách sạn, tắm rửa xong đã 10h đêm, con trai nằng nặc đòi gọi điện thoại cho cô Sáu ở nhà. Mẹ giải thích rằng, bà và cô thường ngủ sớm, giờ này không nên đánh thức bà và cô dậy. Hơn nữa, lúc tàu chuẩn bị đến ga Nha Trang, mẹ đã cho con gọi điện thoại nói chuyện với cô rồi. Thế nhưng con trai vẫn khóc, con bảo cô đã dặn, đến nơi nhớ gọi điện cho cô biết chừng mà.

Ôm con vào lòng dỗ dành, ba chạnh lòng nhớ, không biết bao nhiêu lần ba đi công tác, chưa khi nào ba có ý thức gọi điện thoại về báo tin cho bà nội, là ba đã xuống máy bay an toàn. Thường chỉ là một tin nhắn cho mẹ. Rồi mẹ là người thông báo cho cả nhà về tin tức của ba. Đôi khi mẹ cũng đang làm việc, quên không báo cho bà, thế là bà cứ thắc thỏm mãi. Bao nhiêu chuyến đi xa - gần của ba, là bấy nhiêu lần bà lo lắng như thế. Mà ba thì chưa bao giờ có được phút áy náy như con.

Suốt chuyến đi, con luôn miệng nhắc: "Lần sau mình đi Nha Trang, mình cho cô Sáu đi cùng nữa nghe ba", làm ba nhói đau trong lòng.

Con nhỏ thế mà luôn nhớ đến người thân, chu đáo cả trong ý nghĩ. Ba lớn thế này mà không mấy khi biết nghĩ đến chị mình, người chị đã hy sinh nhiều cho các em, các cháu.

Khi con biết một cabin cáp treo chứa được 8 người, con nói ngay: "Cả nhà mình đi vừa ba ha, nhà mình có 7 người".

Ngày cả nhà sang Vinpearl chơi, con gái được phân công nhiệm vụ xách túi đồ ăn. Ba thì mang giỏ quần áo và nước uống. Còn mẹ phụ trách em vì em vốn yếu đuối và quấn quýt mẹ nhất.

Chơi và tắm biển cả một ngày. Chiều tối, sau khi ăn xong, cả nhà ta đến sân khấu nhạc nước. Ba mải chụp hình cho con gái, loay hoay thế nào, lúc đi ngược lên, hai ba con quên mất giỏ đồ ăn (trong đó còn một cơ số thức ăn dành cho cuộc chơi đêm ở Vinpearl). Lên đến khu vực "thế giới games" chơi cả tiếng đồng hồ, em đòi uống sữa, cả nhà mới phát hiện ra giỏ đồ ăn không còn. Mẹ tiếc của chạy xuống khu vực sân khấu nhạc nước, mong tìm thấy giỏ đồ ăn cho con trai. Nhưng không thấy.

Nhìn mẹ chạy bộ mướt mồ hôi, con gái ôm mẹ nói mếu máo: "Con xin lỗi mẹ". Mẹ an ủi, mất thì thôi, mẹ mua sữa khác cho em cũng được. Nhưng con gái vẫn áy náy: "Con làm mất bao nhiêu tiền của mẹ rồi!".

Thì ra, con gái biết, mẹ chuẩn bị đồ ăn chu đáo cho cả nhà, cả nước nữa, vì đồ ăn ở Vinpearl rất đắt, đắt gấp 3 - 4 lần ở ngoài. Thế nên con áy náy. Ba chợt nhớ lại những câu chuyện mẹ kể về con. Có khi, mẹ cho con vài chục nghìn, dặn là không nên ăn vặt ở trường, nhưng nếu có mua kem ăn thì nhớ mua cho các bạn trong lớp nữa, đừng để các bạn đứng nhìn mà tội. Thế mà hết năm học, con vẫn còn nguyên tiền, chỉ mất mấy nghìn đóng quỹ. Hỏi con vì sao, con giải thích rằng, sáng con ăn ở nhà rồi, đến trường, cô đã cho ăn bữa trưa, bữa xế, thế là đủ, con không có nhu cầu ăn thêm. Ăn vặt, con sợ mẹ tốn tiền. Có lúc con còn bảo, ba mẹ liệu có nuôi được cả em và con học trường dân lập không?

Ôi con gái của ba! Mới 9 tuổi đầu mà đã lo toan nhiều đến thế, cân nhắc từng đồng như thế. Ba còn nhớ năm lớp 3 vừa rồi, con mặc bộ quần áo thể dục ngắn tũn và rách cả một lỗ ở đầu gối, cô Sáu phải mạng lại. Ba hỏi mẹ vì sao, thì mẹ kể là, con nhất định không cho mẹ mua bộ đồ thể dục mới. Con bảo thế là tốn tiền, vì bộ cũ vẫn mặc được. Mẹ bảo, mỗi lần nhìn con mặc bộ đồ thể dục ấy, mẹ rớm rớm nước mắt vì thương.

Con gái ba thì thế. Còn ba thì. Nhiều khi ba đã chi những khoản tiền lớn rất vô bổ, rất ngông cuồng, không băn khoăn gì cả. Mẹ và các con chắc là không biết. Và ba xấu hổ lắm con gái ạ! Những đồng tiền ấy, là mồ hôi nước mắt cả đấy. Mà ba đâu phải lúc nào cũng biết xót. Có những khi, vung tiền chỉ vì một câu nói, chỉ vì một thoáng sĩ diện. Khi biết tiếc thì đã muộn rồi.

Ở Vinpearl, con gái đòi chơi tất cả các trò chơi, kể cả những trò chơi cảm giác mạnh. Ba mẹ thì không an tâm. Bất kể trò gì con chơi, ba cũng phải chơi cùng. Chiều tối, ba mệt mỏi rồi, mà con thì cứ nằng nặc đòi chơi trò cuối cùng, trò nguy hiểm nhất, trò chơi phải có người lớn theo cùng. Ba mẹ không đồng ý. Vì bản thân ba cũng cảm thấy sợ.

Nhưng trong khi cả nhà đang ngồi trước cổng Thuỷ Cung để ăn tối, chỉ một giây ba mẹ quay sang chăm cho em ăn, con đột nhiên biến đi đâu mất. Mẹ và ba đã hớt hải tìm con trong đám đông và trong bóng tối đã sẫm màu. Khi ba thoáng nhìn thấy bóng cái váy xanh của con thì cũng là lúc những cái khoang chở đầy người cất lên khỏi mặt đất. Rồi nó quay tít, vung ra song song với mặt đất. Những tiếng hét vang lên trong không trung. Ba không thể nhìn thấy chiếc váy xanh của con nữa vì tốc độ quay quá nhanh. Trong khoảng khắc ấy, ba chỉ cầu trời cho con hạ cánh an toàn. Ba thầm hứa, nếu con xuống an toàn, ba mẹ sẽ không la con, dù con có ói, có thế nào đi nữa. Và kìa, những toa xe đã chậm lại, đã hạ thấp xuống. Và con cười toe toét bước ra từ một khoang tàu. Con đi với một bác lớn tuổi. Con hỏi bác ấy rằng, khi lên cao bác nhắm mắt hay mở mắt...

Ba mừng quá. Và ba không thể mắng con. Ba ôm con mà muốn khóc. Vì sợ, vì mừng. Con đã lớn, lớn thật rồi. Con có thể làm được nhiều việc mà ba mẹ không ngờ tới. Như khi con tự đi xe đạp sang nhà bạn Kim Ngân, cách nhà mình khoảng 3 cây số, ba mẹ đã thót cả tim. Thật là, không còn có thể bắt con ở yên trong vòng kiểm soát của ba mẹ, làm theo những gì ba mẹ muốn. Ba mẹ cần phải theo con, cần phải cùng con lớn lên rồi.

Một chuyến đi chơi của cả nhà, ba nhìn thấy bao nhiêu điều mà hàng ngày, vì bận rộn ba không nhìn thấy. Các con đã lớn và đã bắt đầu cho ba nhiều bài học trong cuộc đời. Ba yêu các con!

Vài nét về blogger:


 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]