Những bài học về quản lý bệnh tật

SKĐS - Các bác sĩ - học viên tham gia khóa đào tạo này được cập nhật những thông tin mới về điều trị, cùng thảo luận với người đứng lớp trên các ca bệnh cụ thể.

0

Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế kết hợp với công ty Novo Nordisk (Đan Mạch) mở lớp đào tạo về quản lý đái tháo đường tại Việt Nam cho 75 bác sĩ thuộc các cơ sở y tế trong cả nước. Chương trình đào tạo có sự tham gia của các bác sĩ thuộc trung tâm nghiên cứu và điều trị bệnh đái tháo đường Steno của Đan Mạch. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Chương trình chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường giai đoạn 2013 - 2015” do Bộ Y tế chủ trì.

Các bác sĩ - học viên tham gia khóa đào tạo này được cập nhật những thông tin mới về điều trị, cùng thảo luận với người đứng lớp trên các ca bệnh cụ thể. Đặc biệt, các học viên được truyền đạt kỹ năng huấn luyện để từ đó chính họ là những giảng viên truyền thụ kiến thức cho đồng nghiệp cùng cơ quan, hay bác sĩ tuyến cơ sở. Mỗi người ít nhất sẽ truyền đạt những kiến thức đã học được tại khóa huấn luyện nói trên cho ít nhất 20 bác sĩ. Như vậy, việc đào tạo cho 75 bác sĩ sẽ có sự lan tỏa đến ít nhất 1.500 bác sĩ (mục tiêu của chương trình là 2.000 bác sĩ).

Sự lan tỏa là bài học thứ nhất được rút ra từ khóa học nói trên. Đây là điều vô cùng cần thiết, vì để quản lý tốt bệnh đái tháo đường, điều quan trọng là sự phát hiện sớm, điều trị sớm ở tuyến cơ sở, nơi các bác sĩ đa khoa phụ trách. Hiện nay, nhiều người quan niệm, điều trị bệnh đái tháo đường là việc của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, những chuyên gia. Quan niệm này chỉ đúng một phần, vì các chuyên gia chỉ nên đảm nhận những ca bệnh nặng. Hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thy Khuê (nguyên Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam) cho biết, nước ta chỉ có khoảng 800 bác sĩ chuyên khoa nội tiết, con số ít ỏi để điều trị cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường: ước tích 5 - 6 triệu người.

Tầm soát đái tháo đường đóng vai trò quan trọng trong dự phòng và điều trị căn bệnh này

Ngoài việc nâng cao vai trò, vị trí và kiến thức cho bác sĩ tuyến cơ sở trong việc tầm soát, điều trị bệnh đái tháo đường, còn phải nâng cao kiến thức hiểu biết của người dân về loại bệnh không lây có biệt danh “sát thủ dấu mặt này”. Theo thống kê, chỉ có khoảng 30% người dân ở các thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội… hiểu biết về đái tháo đường, còn ở các vùng khác chỉ 10%. Trên thực tế, trong các bệnh về rối loạn chuyển hóa nói chung, bệnh đái tháo đường nói riệng, việc kiểm soát được bệnh tật phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người bệnh. Đó là việc có ý thức tầm soát sớm bệnh khi nhận thấy có nguy cơ (béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá…), việc tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống. Đây chính là bài học thứ hai.

Bài học cuối cùng khi đền dự chương trình nói trên: lấy bệnh nhân làm trung tâm trong khám - chữa bệnh.

Trung tâm Steno không chỉ có những chuyên gia kiến thức chuyên sâu, máy móc hiện đại. Vấn đề là trong việc chữa bệnh, trung tâm luôn đặt bệnh nhân làm trung tâm trong khám - chữa bệnh, việc điều trị trên từng bệnh nhân cụ thể. Trước hết, họ cùng bệnh nhân thảo luận để tìm hiểu về người bệnh, cuộc sống, sức khỏe và bệnh tật của họ. Sau đó, họ thảo luận về phương thức điều trị: chế độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng và thuốc men (nếu cần). Thông thường những bệnh nhân đến với trung tâm là bệnh khá nặng (có hoặc bắt đầu có biến chứng). Sau một thời gian điều trị ở trung tâm, người bệnh được trả về với bác sĩ đa khoa; đồng thời có ý thức tự điều trị qua chế độ tập luyện, dinh dưỡng… Nếu cần, người bệnh có thể gọi điện cho bác sĩ từng điều trị cho mình để thảo luận (không phải hỏi - đáp) về tình hình bệnh tật của mình và hướng điều trị.

Những bài học này xem ra không hề mới, nhưng vẫn luôn cần thiết cho việc quản lý bệnh đái tháo đường ở nước ta.

Thế Phong

 

15.6079--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]