Những bệnh gây ngứa và cách phòng, chữa

Thời tiết khô lạnh là điều kiện thuận lợi làm bùng phát một loạt các bệnh da gây ngứa. Trong những ngày qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị vì triệu chứng ngứa. Vậy những bệnh nào gây ngứa? Điều trị và phòng ngừa ra sao?

15.6051

Thời tiết khô lạnh là điều kiện thuận lợi làm bùng phát một loạt các bệnh da gây ngứa. Trong những ngày qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị vì triệu chứng ngứa. Vậy những bệnh nào gây ngứa? Điều trị và phòng ngừa ra sao?

Bệnh khô da

Khô da có thể là một triệu chứng của các bệnh da khác nhau và đôi khi là một bệnh da riêng biệt. Ở thượng bì của da có một enzym quan trọng tham gia vào quá trình sản xuất chất dưỡng ẩm tự nhiên của cơ thể gọi là transglutaminase. Enzym này sẽ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao hoặc do việc lạm dụng các loại xà phòng và chất tẩy rửa. Vào mùa khô, thời tiết lạnh nên mọi người thường có thói quen tắm nước quá nóng, cộng với việc sử dụng nhiều xà phòng và chất tẩy rửa làm cho transglutaminase bị thiếu hụt nghiêm trọng gây khô da, nứt nẻ. Điều này làm bệnh nhân bị ngứa rất nhiều. Để phòng tránh hiện tượng khô da này, bệnh nhân cần sử dụng các chất dưỡng ẩm da thường xuyên. Đồng thời cần lưu ý không tắm nước quá nóng và hạn chế sử dụng các loại xà phòng tắm thường mà thay vào đó là các loại xà phòng với độ pH phù hợp với làn da khô, nhạy cảm.

Cẩn thận khi bôi thuốc mỡ corticoid chữa ngứa da.

Về điều trị: sử dụng các loại dưỡng ẩm khác nhau tùy từng mức độ bệnh.

- Chất dưỡng ẩm bậc 1: chỉ có khả năng băng bịt chống thoát hơi nước như: petrolatum, lanolin, mineral, silicon, kẽm oxyd.

- Chất dưỡng ẩm bậc 2: có khả năng thu hút các phân tử nước từ dưới da đến thượng bì của da như: glycerin, sorbital, urea, alpha hydroxy acid.

- Chất dưỡng ẩm bậc 3: làm ẩm da bằng cách lấp đầy khoảng trống giữa các vảy da bằng những giọt dầu: cholesterol, squalene, acid béo.

- Chất dưỡng ẩm bậc 4: hỗ trợ quá trình trẻ hóa da bằng cách cung cấp cho da những protein cần thiết cho quá trình tái tạo, trẻ hóa da như: collagen, keratin, elastin.

Viêm da dầu

Bệnh viêm da dầu là bệnh da khá phổ biến, biểu hiện lâm sàng là nổi dát đỏ, ngứa nhiều ở hai cung mày, rãnh mũi má và da đầu. Trên da đầu có rất nhiều vảy da (còn gọi là gầu). Trong mùa khô hanh, biểu hiện gàu và ngứa da đầu là nguyên nhân chính gây khó chịu cho người bệnh. Việc điều trị dứt điểm bệnh là rất khó khăn, tuy nhiên có thể điều trị theo từng đợt tiến triển với các loại thuốc bôi và dầu gội có chứa các chất chống nấm như ketoconazole, selenium sulfide. Để đề phòng tiến triển nặng của bệnh, cần hạn chế các loại đồ ăn cay nóng, hạn chế uống rượu bia và sử dụng các loại dầu gội có các chất chống nấm như đã nói ở trên.

Cước lạnh

Là một bệnh da có tính chất cơ địa. Biểu hiện lâm sàng là những mảng da nề, cứng, màu đỏ tươi hoặc đỏ tím xuất hiện ở các đầu cực của cơ thể như đầu ngón tay, đầu ngón chân, đỉnh mũi, tai. Kèm theo đó là bệnh nhân ngứa rất nhiều. Bệnh thường xuất hiện vào những đợt rét đậm. Nữ giới hay gặp hơn nam giới, ngứa càng tăng lên khi bệnh nhân đi tất. Chính điều này làm cho bệnh nhân ngại đi tất, và đầu chi càng lạnh. Đầu chi càng lạnh thì bệnh lại càng nặng hơn tạo thành vòng xoắn luẩn quẩn. Để phòng ngừa bệnh này, cần phải giữ thật ấm đôi bàn chân vào mùa lạnh, nhất là những người đã có tiền sử bị cước trước đó.

Điều trị bệnh gồm các biện pháp sau: sưởi ấm vùng da lạnh. Uống thuốc chẹn kênh canxi, làm giãn mạch như: thuốc nifedipin, diltiazem. Bôi mỡ corticoid: clobethasone, bethametasone…         

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Mùa xuân là mùa có rất nhiều phấn hoa và bụi từ môi trường. Các chất này có thể dễ dàng tiếp xúc với những vùng da hở. Những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với các loại phấn hoa hoặc bụi có thể bị viêm da tiếp xúc dị ứng. Biểu hiện là nổi các dát đỏ, sẩn phù hay nặng hơn là các mụn nước, bọng nước tiết dịch. Bệnh nhân thường ngứa rất nhiều. Thương tổn chủ yếu ở vùng da hở như mặt, tam giác cổ áo, cẳng tay, cẳng chân… Việc phát hiện ra căn nguyên gây viêm da tiếp xúc không phải khi nào cũng dễ dàng. Đối với những bệnh nhân này, cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu. Trường hợp đã xác định được căn nguyên gây viêm da tiếp xúc dị ứng thì đề phòng bằng cách tránh tiếp xúc với căn nguyên như: đeo khẩu trang, đi găng tay mỗi khi phải làm việc trong môi trường có căn nguyên gây bệnh.

Việc điều trị gồm các biện pháp sau: loại bỏ chất gây dị ứng: dùng gạc ẩm thấm tại vị trí tổn thương nhiều lần. Bôi thuốc corticoid phối hợp với kháng sinh: vừa chống viêm, vừa phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn. Uống thuốc kháng histamin chống dị ứng: chlorpheniramin, loratadin, desloratadin,…

PGS.TS. Nguyễn Văn Thường

(Bệnh viện Da liễu Trung ương)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]