Những bệnh phụ nữ dễ mắc trong mùa hè

Mùa hè nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều cộng thêm trang phục bó sát người đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển.

15.5976

Đau đầu

Theo các chuyên gia y tế, vào mùa hè, nắng nóng có chứa nhiều tia UV, đó là thủ phạm gây chứng đau đầuđau nửa đầu. Khi bị ánh nắng chiếu vào, cơ mặt bạn căng ra khiến bạn căng thẳng, mỏi mắt và có thể dẫn đến sự đau đầu dồn dập. Nếu tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng mặt trời bạn sẽ kiệt sức, dẫn đến chứng đau đầu và đau nửa đầu.

Nắng hè là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của con người, tiếp xúc quá nhiều với nắng hè sẽ làm bệnh đau đầu và đau nửa đầu thêm trầm trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải ở trong nhà. Hãy đội mũ rộng vành để nắng không rọi trực tiếp vào mặt. Đừng để nắng chiếu trực tiếp vào gáy, cổ và lưng. Nếu ra biển, hãy mang theo ô, đeo kính râm và làm mát cơ thể bằng 1 chai nước lạnh...

 

Ảnh minh họa.

 

Say nắng

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao thường làm cho con người cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Nhất là những người phải làm việc ngoài trời hoặc thường xuyên phải ra ngoài trời nắng sẽ rất dễ bị cảm nắng hay say nắng.

Người cao tuổi, phụ nữ mang thai, sản phụ và cả ở trẻ sơ sinh là những đối tượng dễ bị say nắng nhất vì cơ thể họ yếu hơn. Đặc biệt, những người mang trong mình một số bệnh cũng dễ bị say nắng, ví dụ như người mắc bệnh tim mạch, người bị viêm nhiễm (có thể khiến hơi nóng trong người tăng lên nhanh chóng, vi khuẩn và virus làm cho cơ thể tiết ra những chất không có lợi cho việc tỏa nhiệt nên dễ bị say nắng), người bị suy dinh dưỡng, người hay bị đi ngoài, người thiếu nước…

Khi bị say nắng, người say nắng thường có biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, da khô, đỏ, toát mồ hôi, mạch đập nhanh, sốt cao, mắt lờ đờ, có thể bất tỉnh. Nếu không được sơ cứu kịp thời, say nắng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bị say nắng, cần lập tức đưa người say nắng vào chỗ mát và tìm cách hạ thân nhiệt xuống 38 độ C bằng cách: cởi bỏ bớt quần áo, uống nước lạnh có chút muối, lau người bằng khăn sạch thấm nước lạnh. Trong trường hợp nặng hơn thì cần đưa đi cấp cứu.

Viêm da

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm phát triển như hắc nào, lang ben và các ký sinh trùng trên da như ghẻ lở, rôm sẩy… làm cho chúng ta ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến thẩm mĩ và các hoạt động hàng ngày.

Để phòng bệnh, ta cần vệ sinh cá nhân, giặt quần áo hằng ngày và phơi nơi có ánh nắng mặt trời, mặc quần áo rộng rãi nhà cửa cần sạch sẽ, thoáng mát… Uống nhiều nước và ăn đồ ăn mát sẽ giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc. Hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa da liễu để có hướng điều trị tốt nhất. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà.

Ngộ độc thực phẩm

Thời tiết nắng nóng của mùa hè thường khiến nhiều loại thực phẩm dễ ôi thiu và nhiễm khuẩn. Chính vì vậy, mùa hè thường là mùa xảy ra nhiều ca ngộ độc thực phẩm nhất trong năm. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng quan trọng nhất là khi các loại thực phẩm kém chất lượng vẫn được lưu hành tràn lan trên thị trường, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn chưa được loại trừ.

Để phòng chống dịch bệnh, mỗi người dân cần chủ động nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện phương châm “ăn chín uống sôi” nhằm chủ động phòng tránh những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm. Khi chọn thực phẩm, chú ý những thực phẩm còn tươi, mới chế biến có dán nhãn mác rõ ràng và có địa chỉ và cơ sở sản xuất có uy tín và được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, không nên dùng các loại thực phẩm không có nguồn gốc, thực phẩm đã hết hạn sử dụng.

Nhiễm nấm men

Nhiễm nấm men là một tình trạng phổ biến thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nhiễm nấm men xảy ra khi sự cân bằng của hệ thực vật âm đạo bị phá vỡ do thay đổi môi trường, cơ bản là do các điều kiện sức khỏe, hoặc một số thuốc. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans, đặc biệt trong thời tiết nóng và ra nhiều mồ hôi như mùa hè.

Nhiễm nấm âm đạo do một loại nấm có tên Candida Albican thường ký sinh ở một số nơi trên da và bên trong âm đạo gây ra. Khi môi trường axit trong âm đạo thay đổi, mất cân bằng, nấm sẽ có cơ hội bùng phát. Đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng, tiết ra nhiều mồ hôi cộng thêm trang phục bó sát người đã tạo điều kiện thuận lợi cho nấm sinh sôi, lan rộng ở “vùng kín’ của chị em, dẫn đến các bệnh phụ khoa.

Để tránh nhiễm trùng khó chịu và thường gây đau đớn này, bạn hãy tắm rửa sạch sẽ sau khi đi bơi, tập thể dục thể thao... Ngoài ra, bạn hãy mặc đồ lót lỏng làm bằng cotton, tránh mặc quần hoặc quần áo chật; Tránh dùng băng vệ sinh có mùi thơm; Rửa vùng âm đạo với một chất tẩy rửa nhẹ nhàng, ví dụ như xà phòng khử mùi kháng khuẩn có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn và nấm men trong âm đạo...

Nấm móng

Đây là một căn bệnh hết sức phổ biến, nó được hình thành bởi sự tấn công của các vi sinh vật có tên là Tinea Unguium. Chúng làm ổ và gây viêm nhiễm móng tay, chân. Vì loại sinh vật này thích môi trường tối và ẩm nên móng chân có nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn móng tay tới 6-7 lần, đó là vì chúng ta thường mang giày bít hoặc đi tất. Khi bạn đã bị nấm móng, vùng da dưới móng và xung quanh có các triệu chứng như đỏ, rát, sưng tấy và ngứa nhiều, thậm chí có thể bị chảy máu. Dần dần, móng bắt đầu hình thành các lớp tế bào sừng dầy và xấu xí, có màu vàng xanh, vàng nâu hoặc các đốm sậm màu và bong tróc.

Để phòng bệnh bạn hãy nhớ giữ tay chân thật khô ráo để tránh tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển; Giữ móng mọc thẳng, làm vệ sinh khóe móng, không để móng mọc ngược vào thịt; Nếu móng quá cứng, bạn có thể ngâm chân hoặc tay vào nước ấm pha một ít muối; Cẩn thận với các bộ móng giả cũng như dùng chung kiềm cắt móng tay móng chân; Nếu bạn bị nấm nhẹ, có thể mua thuốc bôi ngoài móng ở các tiệm thuốc tây, nếu nghiêm trọng hơn bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]