Những bệnh trẻ hay mắc vào cuối hè

(VietQ.vn) - Mùa hè, thời tiết thay đổi thường xuyên là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây ra nhiều loại bệnh như: rôm sảy, tiêu chảy, sốt xuất huyết, bệnh tả…

0

Các chuyên gia sức khỏe trẻ em cho rằng điều quan trọng nhất là phải có những biện pháp phòng tránh kịp thời cho trẻ. Dưới đây là một số các biện pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa hè.

1. Bệnh tiêu chảy

Nguyên nhân chính dẫn tới trẻ bị tiêu chảy là do uống nước bị ô nhiễm, ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thiếu vệ sinh cá nhân và vệ sinh xung quanh. Các triệu chứng dễ thấy của bệnh tiêu chảy là nôn mửa, chuyển động, đau dạ dày, miệng trở nên khô, da bị mất nước và không còn đàn hồi, đi tiểu ít.

Để phòng bệnh tiêu chảy cho con, cha mẹ cần lưu ý cho uống nước đun sôi, rửa tay và chân trước khi ăn uống, vệ sinh sạch móng tay. Nếu bị mắc tiêu chảy, nên cho con uống nhiều nước, uống thêm dung dịch ORS (oresol) cho trẻ em. Ngay cả khi hết tiêu chảy, vẫn nên duy trì thói quen này cho đến khi tham khảo ý kiến bác sĩ và bác sĩ cho lời khuyên phù hợp.

Khi trẻ có những triệu chứng cần sớm đưa trẻ tới các cơ sở y tế.

2. Rôm sảy

Bệnh này thường xuất hiện nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi. Khi cơ thể trẻ quá nóng, da sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi và mọc rôm sảy. Việc dùng tã lót cho trẻ một cách thiếu cẩn thận, không thay mới thường xuyên cũng có thể khiến trẻ bị rôm.

Khi trẻ có triệu chứng mắc bệnh, nên cho trẻ mặc những loại quần thoáng mát, để hở vai. Chất vải may đồ nên chọn loại thấm mồ hôi là vải sợi thiên nhiên hoặc cotton. Đồng thời, thay quần áo thường xuyên cho trẻ, đồng thời cũng cần lau mát để tránh mồ hôi ứ đọng trên da trẻ. Không nên thoa các loại kem có chất mỡ, nhờn lên da trẻ bởi điều đó sẽ làm tắc các lỗ chân lông trên da, da sẽ tấy thêm và sẽ bị ngứa ngáy nhiều hơn.

3. Mụn nhọt

Vào mùa hè nếu không giữ gìn vệ sinh da tốt, trẻ rất dễ bị mụn nhọt. Mụn nhọt ở mức độ nhẹ có thể tự khỏi và không ảnh hưởng tới cơ thể, không gây nguy hiểm, nếu bị nặng hơn, mụn nhọt có thể gây ra hiện tượng đau nhức, sốt, trẻ biếng ăn, hay bứt rứt, phải đưa trẻ đi khám bác sĩ khám, có thể chích mụn để thoát lưu mủ.

Cần thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và gội đầu cho trẻ. Tránh cho trẻ nghịch ngợm với đất, cát và cho trẻ uống thật nhiều nước rau, quả để tăng sức đề kháng. Không nên tự ý nặn mụn hoặc bôi thuốc lên mụn khi chưa có chỉ định của bác sỹ.

4. Bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa

Theo các bác sĩ, sở dĩ cứ vào mùa nắng, trẻ thường có nguy cơ bị bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa, ngoài nguyên nhân môi trường ô nhiễm, điều mà các bậc phụ huynh cần chú ý là vào mùa nóng, trẻ thường bị mất nước, nhưng chúng không chủ động được trong việc bù nước cho cơ thể (trẻ nhỏ không tự lấy nước uống, không biết kêu khát…). Sau một hai ngày thiếu nước trẻ sẽ bị hiện tượng tiểu ít, niêm mạc khô và sau đó sẽ bị sốt, ho… Do vậy, phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước.

Khi phát hiện trẻ đi phân lỏng (hoặc nước) trên 3 lần/ ngày thì cần bù nước và chất điện giải ngay bằng cách cho uống Oresol. Nếu không có Oresol thì thay bằng nước muối đường, nước cháo muối… Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi bệnh không giảm trong 3 ngày hoặc có kèm theo: ói mửa nhiều, sốt, khát nước nhiều, ăn uống kém, có máu trong phân (phân đen).

Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý không được lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ bởi việc tùy tiện uống thuốc không theo đơn sẽ gây nhiều hậu quả khó lường. Ngoài ra, để đề phòng tiêu chảy, người dân nên ăn uống những thức ăn nấu chín, hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch.

5. Cảnh giác cao với viêm não và sốt xuất huyết

 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), viêm não và sốt xuất huyết là hai bệnh mùa hè đáng ngại nhất. Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết thường rải đều cả năm, đặc biệt vào mùa mưa nhưng không vì thế mà người dân chủ quan bởi mùa hè nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh này khi liên tục sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C trong 2 – 3 ngày. Đến ngày thứ 3 – 4, trẻ có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da (gọi là nổi ban xuất huyết), nặng hơn nữa có thể ói ra máu, đi tiêu ra máu. Lưu ý các dấu hiệu nặng như li bì, vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít hoặc không tiểu để đưa đi cấp cứu.

Trong sốt xuất huyết, lúc nhiệt độ giảm cũng là lúc trẻ bị sốc, trụy tim mạch, nếu không chữa trị kịp thời sẽ nguy hiểm.

Riêng bệnh viêm não, để tránh nguy cơ bị bệnh cho trẻ, gia đình chú ý nên đưa trẻ em đi tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo đúng quy định. Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, giai đoạn đầu của sốt do virus với sốt dẫn đến viêm não là gần như giống nhau. Sốt virus từ 5 – 7 ngày thì tự hết, còn sốt chưa rõ nguyên nhân thì rất nguy hiểm. Nếu đã bị bệnh phải nghỉ ngơi, uống nhiều nước, đặc biệt với trẻ bị sốt phải uống đủ nước thì cơ thể mới tuần hoàn tốt và nhanh hạ sốt.

Thu Huyền (tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]