Những bi kịch trong lửa và câu chuyện kỹ năng sống

15.5981

Liên tiếp những vụ cháy thời gian gần đây đều có chung một kịch bản. Ngọn lửa bùng lên và những con người xấu số phía trong bốn bức tường chẳng thể tìm được đường thoát chỉ vì cửa khóa trái hay ngôi nhà kín bưng không hề có lối thoát hiểm.

Giật mình, nhiều người nhìn lại ngôi nhà của mình và có lẽ không ít trong số đó nhận ra rằng, gia đình mình hoàn toàn có thể là nạn nhân vì thiếu đi những kiến thức tưởng như vô cùng nhỏ nhặt.

Chỉ lo ngăn đột nhập mà quên lối thoát hiểm

Đa số các hộ dân khi xây nhà, nhất là những nhà tư thì người xây đều không để ý tới những “cửa thoát hiểm” khi có tình huống khẩn cấp, anh Lê Minh Tuyển, kỹ sư xây dựng công ty cổ phần Formach (Thanh Trì, Hà Nội) nhận định.

Các quy tắc, quy trình phê duyệt về thoát hiểm, phòng cháy... khi cấp giấy phép xây dựng ở các địa phương cũng chưa được chú ý và khá lơi lỏng. Trong khi đó, việc xây nhà tạm, xây nhà trái phép xảy ra cũng khá phổ biến. Những điều này đã dẫn đến thực trạng là hầu hết các căn nhà của người Việt Nam thuộc dạng thiết kế độc môn, chỉ có một lối vào-ra duy nhất.

Vụ cháy nổ ở cửa hàng gas ở huyện Từ Liêm, Hà Nội cuối năm 2011 là một điển hình. Căn nhà vỏn vẹn 12m2 đã bị thiêu rụi khi ngọn lửa chẳng chừa lại bất cứ thứ gì, kể cả sinh mạng vô tội của hai mẹ con, trong đó, người con trai mới tròn 8 tháng tuổi. Qua khám nghiệm của các cơ quan chức năng, cửa hàng này không có lối thoát hiểm, lối ra duy nhất là cửa chính lại là nơi ngọn lửa bùng lên. Thêm vào đó, xu hướng kín cổng cao tường, phòng bị kẻ gian, trộm khiến nhà nào có điều kiện cũng trang bị mấy lần cửa, đến cả cửa sổ cũng mấy lần song sắt khiến nếu có nguy hiểm, người trong nhà không thể chui ra ngoài, thậm chí làm cờ, khăn để kêu cứu cũng khó khăn.

Nguy hiểm nhất, nhưng lại ít được chú ý nhất đó là hệ thống khóa cửa. Với những cánh cửa cuốn, mở khóa điện, tuy hiện đại nhưng khi mất điện thì không khác gì nhà tù, cho dù có hệ thống mở cơ, nhưng khi có tình huống nguy cấp, việc kẹt khóa, vướng chốt... hoàn toàn có thể xảy ra.

Các loại khóa cửa chính hiện đang được sử dụng phổ biến là loại khóa ngoài, khóa trong, dùng chìa để mở. Nhiều nhà có 3 lần cửa lại dùng 3 loại khóa khác nhau. Vô hình chung, khi có nạn, trong cơn hoảng loạn, cuống quýt không tìm được khóa, hoặc do có vật cản, không thể vào nơi để khóa khiến người trong nhà đã tự giam mình không thể thoát thân. Đây chính là điều mà nhiều người giật mình nghĩ đến khi thấy các hình ảnh lực lượng cứu nạn vào được tiệm vàng bị cháy ở Cần Thơ mới đây, hai vợ chồng và hai đứa con đã bị chết ngay sát cánh cửa bị khóa trái.

Hoặc như vụ cháy hồi cuối tháng 2 tại đường Xóm Chiểu, phường 15, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, khi ngọn lửa bùng lên trùm kín căn nhà, 2 người trong số 3 căn phòng bén lửa đã thoát được ra ngoài, nhưng căn còn lại, do cửa bị khóa trái nên dù rất cố gắng, mọi người cũng đành bất lực trong việc cứu người sinh viên xấu số đang ở trong.

Theo các chuyên gia về xây dựng, trên thế giới và ở các chung cư cao cấp, các cao ốc ở Việt Nam hiện chỉ dùng loại khóa cấu tạo cho phép ở bên ngoài thì mở bằng chìa, mã số, nhưng bên trong cứ mở là ra được. Đây là một biện pháp tối ưu để thoát hiểm nhanh chóng, nhất là đối với các gia đình có trẻ nhỏ, người già.

Thiếu những kiến thức sơ đẳng

Có nhiều kiến thức rất nhỏ, nhưng lại không được người dân chú ý đến, cũng không được các cơ quan có chức năng phổ biến đến cộng đồng đã khiến cái sảy nảy cái ung, gây những thiệt hại nghiêm trọng không thể cứu vãn đó là mạng sống của con người.

Người đàn bà bất hạnh ở Bạc Liêu hẳn sẽ không bao giờ tha thứ cho mình và không thể quên cái buổi sáng định mệnh ngày 24/3/2012 khi như bao buổi sáng, chị dậy đi chợ và khóa cửa nhốt con trong nhà. Bất ngờ ngọn lửa bùng lên, khiến căn nhà nhỏ biến thành chiếc lồng lửa vây kín hai đứa trẻ tội nghiệp. Khi người dân sống gần đó phá được cửa xông vào, mọi việc đã quá muộn, cháu bé 11 tuổi đã tử vong vì ngạt khói.

Rất nhiều người, cũng không hề biết, khi hỏa hoạn, thì nguy cơ chết vì ngạt, ngộ độc khói, khí còn cao hơn rất nhiều nguy cơ bị bỏng, chết cháy. Vì vậy, nhiều trường hợp là đánh giá lửa không cháy đến chỗ mình, đã yên tâm đợi cứu hỏa. Kiến thức rất sơ đẳng, là khi có cháy, cần bò sát mặt đất, dùng khăn ướt che mũi, và có thể dùng nước cho vào chăn, đổ lên người cho tránh bén lửa và cố gắng thoát thân ra ngoài.

Thừa nhận thực tế này, đại tá Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hoàng Mai cho biết, nhiều người khi thấy lửa cháy thường sợ sệt, hoảng loạn chỉ biết kêu gào cứu mạng mà không tìm cách dùng nước, khăn, chăn ướt đắp lên người cố gắng băng qua lửa tìm con đường sống. Ông Lâm đưa ra ví dụ về vụ cháy ở Hải Phòng làm 13 người thiệt mạng mới cách đây ít ngày: "Nếu họ không co cụm một chỗ mà tìm cách chạy ra ngoài, có thể bị bỏng, nhưng sẽ còn có thể sống sót," đại tá Lâm nói.

Với các tòa nhà chung cư cao tầng, nhiều hộ dân chưa được phổ cập kiến thức về thoát hiểm như nếu muốn thoát khỏi tòa nhà thì phải dùng cầu thang bộ, đi thấp người, không chạy và chen lấn để tránh khói bay thẳng vào mặt.  Trường hợp không thể chạy ra khỏi tòa nhà thì nên ở trong nhà, khăn ướt tránh ngạt khói, che kín các ô thoáng hạn chế khói bay vào nhà.

Phương pháp tự phòng bằng trang bị cho gia đình một bình cứu hỏa và kiểm tra thường xuyên, trang bị mặt nạ chống khói cũng hầu như không được sử dụng dù nó rất đơn giản.Một thực tế nữa là, các kiến thức chữa cháy, cứu hộ cũng không được phố biến, cập nhật cho người dân, thậm chí cho cả các lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ ở các địa phương, dẫn đến lúng túng trong xử lý, đối phó và khống chế khi đám cháy mới bùng phát, dẫn đến khi lực lượng chuyên nghiệp đến thì đã quá muộn.

Đã có quy định các tổ dân phố phải có lực lượng phòng cháy chữa cháy, nhưng nhiều nơi vẫn chưa làm được điều này, đại tá Lâm thừa nhận. Ông Lâm cho rằng, ở những nơi có, thì  lực lượng dân phòng này cũng chưa được đầu tư kinh phí, trang bị, bồi dưỡng kiến thức đầy đủ và cần thiết để có khả năng xử lý khi gặp tình huống nguy cấp.

Giáo dục kỹ năng sống vẫn bị bỏ ngỏ?

Theo tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, Viện xã hội học Việt Nam, hiện nay, ở nước ta vấn đề kỹ năng sống và đối phó với các tình huống thiên tai, tai nạn, cháy nổ... vẫn chưa được đào tạo bài bản và bị buông lỏng nhất là đối với trẻ em.

Dẫn chứng cho vấn đề này, theo ông Bình, ở nước ngoài họ trang bị cho người dân những kiến thức thuần túy gắn liền với thực tế để có thể sống sót trước các thảm họa. Ví dụ tại Nhật Bản, trẻ em được học và diễn tập định kỳ để đối phó với động đất và những hệ lụy kéo thiên tai kéo theo."

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc hướng dẫn đề phòng và ứng phó với các tình huống thiên tai, tai nạn, cháy nổ... chưa được thành một hệ thống cũng như chưa có giáo trình bài bản như một bộ môn bắt buộc. Công tác bảo vệ chăm sóc với từng đối tượng xã hội tuy có chủ trương, nhưng mới chỉ được làm thông qua các chương trình mang tính thời vụ, theo đợt. Các kiến thức đưa vào thực tế mang nặng giáo lý, ít tình huống thực hành, vì thế kém thu hút, tiến sĩ Bình đánh giá.

“Vấn đề quan trọng nhất chính là việc giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức cần và có để có thể sống sót, tồn tại và phát triển trước các vấn đề xã hội. Đề làm được điều đó, cần phải có chương trình đào tạo hướng dẫn qua các tổ chức cộng đồng, Nhà nước, xã hội qua từng cấp ” ông Bình kiến nghị thêm. Đồng quan điểm này, đại tá Lâm khẳng định, các cơ quan truyền thông cũng như lực lượng cảnh sát đã có nhiều biện pháp, tài liệu tuyên truyền tới người dân nhưng nhiều người thường có thái độ khá thờ ơ. Tuy nhiên, ông Lâm cũng thừa nhận, dù việc tuyên truyền  trực tiếp có ý nghĩa rất quan trọng nhưng do 1 cán bộ lực lượng chức năng phải phụ trách cả một phường, thậm chí là 2 phường nên việc thực hiện biện pháp này là rất khó.

Tại một khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng, ý thức của người dân là chưa cao, chưa ý thức rõ được vai trò, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Bản thân chính quyền cũng còn có những tắc trách, lơi lỏng trong quản lý, thực hiện phòng chống cháy nổ từ khâu duyệt thiết kế xây sửa nhà, tuyên truyền giáo dục người dân cũng như quản lý các cơ sở hoạt động kinh doanh, sản xuất có biểu hiện vi phạm quy định về cháy nổ."

Rõ ràng, những vụ sang chiết gas trái phép đã diễn ra công khai trước mắt nhiều người dân và khó có thể nói là chính quyền địa phương không hề hay biết" bà Nguyễn Hạnh, tổ trưởng một tổ dân phố khu vực Từ Liêm nhận định. Cả những người làm công, họ đã thản nhiên tham gia vào việc sang chiết gas trái phép mà không nhận thức rằng điều đó có thể làm mình, những người xung quanh mất mạng... Trước nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra, nếu như người dân cần bổ sung kiến thức cũng như trách nhiệm với bản thân, cộng đồng thì các cơ quan hữu quan cũng cần nghiêm khắc triệt để trong việc quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền các vấn đề liên quan đến cháy nổ... Phải là một sự phối kết hợp đồng bộ," bà Hạnh nói thêm./.

Từ những thực tế, các chuyên gia đưa ra các khuyến cáo để người dân tự bảo vệ mình

- Luôn ý thức có cửa, lối thoát hiểm cho căn nhà của mình

- Sử dụng khóa cửa không cần dùng chìa ở trong

- Trang bị mặt nạ chống khói, bình chữa cháy cho gia đình

- Cập nhật và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình các tình huống thoát hiểm

- Tuyệt đối không khóa nhốt người trong nhà

- Kiểm tra thường xuyên hệ thống điện, gas trong nhà

- Khi có cháy, tìm cách thoát thân bằng cách làm ướt người

- Tránh bị ngạt khói bằng lấy khăn ướt che mũi, di chuyển thấp dưới sàn

- Không dùng cầu thang máy

- Không đồng tình và tham gia các việc có thể gây cháy nổ như sang chiết gas.

- Có ý thức cảnh giác với các nguy cơ gây tai nạn như: xung quanh có xây dựng, có hồ nước hố vôi, có các cơ sở sang chiết ga trái phép, sử dụng điện cao thế trái phép, các cơ sở gò hàn có thể gây cháy nổ...


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]