Bí quyết lập sơ đồ tư duy
Dựa trên quy luật hoạt động đặc thù của bán cầu não phải (nhạy cảm với thông tin về màu sắc, nhịp điệu, hình dạng, tưởng tưởng…), từ lâu người ta đã nghĩ ra cách lập sơ đồ tư duy để nâng cao hiệu suất làm việc của bộ não nói chung. Nhưng Tony Buzan, tác giả sách Sơ đồ tư duy, mới chính là người có công lớn hoàn thiện và phổ biến bí quyết tư duy theo bản đồ tư duy (mindmap). Trong học tập, đặc biệt là để học bài mau thuộc, chúng ta nên ứng dụng bí quyết thú vị này.
Các bạn chỉ cần chuẩn bị bút (nhiều màu mực càng tốt), giấy (bằng khổ vở tập học của các bạn, khổ A4… đều được). Kế tiếp, các bạn xem qua nội dung vấn đề cần học thuộc, xác định chủ đề chính, ghi nó ra trung tâm tờ giấy; những chủ đề phụ, ý phụ, dẫn chứng minh họa… sẽ kết nối với chủ đề trung tâm bằng những đường phân nhánh có dạng hình rễ cây. Nếu giữa các tiểu chủ đề có sự liên hệ với nhau thì các bạn vẽ thêm đường biểu diễn sự liên kết, tác động qua lại (đường gạch đứt quãng, mũi tên 2 chiều…). Làm như thế, các bạn sẽ rất dễ quan sát, nắm bắt toàn cảnh vấn đề. Chỉ cần làm đi làm lại vài lần là bạn không cần nhìn vào vở ghi bài nữa nhưng vẫn có thể thiết lập được các nội dung cần ghi nhớ dưới dạng sơ đồ, nghĩa là các bạn đã thuộc bài một cách mau chóng.

Tóm lại, bí quyết lập bản đồ tư duy sẽ giúp đường đi của ngôn ngữ - phương tiện của tư duy không bị tắc nghẽn, giúp não làm việc nhịp nhàng, đồng bộ, có hệ thống; đánh thức và kết hợp được ưu thế tư duy của bán cầu não phải và bán cầu não trái. Sơ đồ tư duy như là bộ khung, cái sườn thâu tóm một cách ngắn gọn mà đầy đủ nhất về vấn đề cần nắm bắt. Ghi nhớ bài bằng bí quyết lập sơ đồ tư duy vừa hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian. Vì thế, trong quá trình học tập nói chung, và học bài nói riêng, các bạn nhớ đừng bỏ qua bí quyết rất khả dụng này nhé!
Bí quyết học nhóm
Học nhóm cũng là một trong những bí quyết rất thú vị giúp bạn mau nhớ bài, nắm chắc vấn đề hơn. Ngoài ra, cách học này còn giúp cho việc học tập của bạn thêm sôi nổi, hào hứng. Vì “học thầy không tày học bạn” mà! Có thể áp dụng hình thức học nhóm cho bất kỳ môn nào mà các bạn muốn. Các dịp ôn bài kiểm tra, ôn thi cuối kỳ, thi tốt nghiệp… là những lúc rất cần học nhóm, nhằm phát huy sức mạnh và sự hỗ trợ của tập thể.
Để việc học nhóm phát huy tác dụng tích cực, các bạn cần lên kế hoạch học tập cụ thể, các thành viên phải tích cực nghiên cứu nội dung bài học, tài liệu liên quan… Cố gắng chọn địa điểm học thuận lợi nhất để ai cũng dễ dàng có mặt như: ở nhà một người bạn, ở khuôn viên trường, thư viện… Quy mô nhóm từ 2 đến 3 người hoặc từ 3 đến 5 người là hợp lý. Không nên lập nhóm quá đông, trên 5 người, sẽ rất khó tập trung, việc học sẽ biến thành buổi họp mặt của bà con “xóm bà tám”, gặp nhau lo tán dóc, chỉ lãng phí thời gian. Tốt nhất là nhóm từ 2 đến 3 người, trong đó một người phải có năng lực học tập trội hơn, để dẫn dắt nhóm. Không nên lạm dụng việc học nhóm, môn nào, vấn đề gì cũng đem ra học nhóm. Nếu chưa thật cần thiết thì không nên tổ chức học nhóm.

Tóm lại, nếu biết khai thác tính tích cực của việc học nhóm, cùng giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ trong học tập thì việc học nhóm sẽ là một bí quyết học tập rất thú vị, hiệu quả. Thông qua học nhóm, các bạn có cơ hội rèn luyện các kỹ năng như: hợp tác, thuyết trình, tranh luận, phản biện, đàm phán… Những kỹ năng này, rất cần trong quá trình bạn học tập cũng như trong công việc sau này.
“Bạn thân thiết của tôi, hãy loại bỏ “không thể” ra khỏi đầu.” - Samuel Johnson
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân