Những bối cảnh đẹp Việt Nam xuất hiện trên phim

0

Phú Yên trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Vẻ đẹp của Phú Yên được khai thác triệt để trong tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Từ lúc tung trailer, bộ phim của đạo diễn Victor Vũ khiến khán giả sửng sốt bởi những khung hình nên thơ và hùng vĩ mô tả cảnh sắc làng quê Phú Yên. Khi ra mắt, phim gây choáng ngợp bằng không gian làng quê Việt Nam với những đồng lúa rì rào, những con lạch, con suối có trâu bò lội qua hay những ghềnh đá ven biển. Trong phim, người xem như được sống trong không khí của những ngày đồng áng sực mùi bùn và hương lúa ở thôn quê – nơi không gian xanh ngắt khiến cho mọi thứ trở nên huyền ảo. Những hình ảnh lung linh này là sáng tạo riêng của Victor Vũ bởi trong truyện gốc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không dành nhiều lời văn mô tả cảnh đẹp thiên nhiên của làng quê.

Chọn lối quay phim sử dụng tông màu xanh làm chủ đạo, góc rộng toàn cảnh và từ trên cao, phim đưa ra góc nhìn mới về làng quê Việt Nam mà chưa phim nào trước đó làm được. Nhờ đó, Phú Yên trở nên nổi tiếng với công chúng về cảnh đẹp và thậm chí xuất hiện những tour du lịch để người tham quan được đến đây, sống trong bầu không khí thanh bình và tinh khiết mà ba nhân vật chính của phim hưởng thụ.

Việc Phú Yên lên hình gây choáng ngợp một phần là nhờ việc “chịu chơi” của êkíp sản xuất khi họ không ngại chi tiền cho những cảnh quay tốn kém và công phu. Tác phẩm có ngân sách gần 20 tỷ đồng và là một trong những dự án đắt đỏ nhất trong làng điện ảnh Việt Nam hiện nay. Những đại cảnh về vùng quê Phú Yên được các nhà làm phim dùng máy quay flycam. Đoàn phim cũng chi nhiều tiền cho các hiệu ứng đặc biệt để hình ảnh về cuộc sống hồn nhiên nhưng khắc nghiệt lên phim lung linh. Êkíp chọn bối cảnh cũng tiết lộ Victor Vũ rất khắt khe ở khâu tìm địa điểm. Anh không chọn bối cảnh nào chứa dù chỉ một chi tiết nhỏ phản ánh cuộc sống hôm nay như biển báo giao thông, cột điện giữa cánh đồng hay mái ngói trong khu nhà lá để tái hiện những năm 1980 theo tinh thần của tác phẩm.

Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long trong phim “Pan”

Ba cảnh quay tại Việt Nam của bom tấn Hollywood – “Pan”.

Năm 2014, đoàn làm phim Pan gồm 12 người lặng lẽ đến Việt Nam thực hiện những cảnh quay 3D tại Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long. Tại mỗi địa danh, họ chỉ dành hai ngày để ghi hình. Đặc biệt ở Hang Én (Quảng Bình), đoàn phim chụp ảnh và quay lại cấu trúc bên trong hang động. Các cuốn phim thô được sử dụng làm tư liệu cho quá trình dựng phim ở hậu kỳ. Trong khi đó ở phim trường Hollywood, các diễn viên như Hugh Jackman diễn xuất trên phông xanh theo kịch bản. Sau quá trình xử lý hậu kỳ, bom tấn 150 triệu USD khiến cảnh sắc Việt Nam hiện lên hoang dã và kỳ ảo mà vẫn dễ nhận ra.

Thời lượng xuất hiện của các thắng cảnh Việt Nam trên phim khá dài. Những dãy núi đá vôi thơ mộng, trùng điệp trên vịnh Hạ Long được dùng làm thế giới Neverland. Trong khi đó, hình ảnh ruộng lúa xanh biếc với dòng sông uốn lượn bên sườn núi tại Ninh Bình được lấy làm bối cảnh Đầm tiên cá trong phim. Đặc biệt, khung cảnh ở lối vào và bên trong Hang Én được sử dụng cho một trong những phân cảnh quan trọng và hấp dẫn nhất phim – nhân vật chính tiến vào vùng đất mới.

Tài tử Hugh Jackman chia sẻ trong buổi ra mắt phim ở Hong Kong tuần trước: “Tôi ngỡ ngàng lúc xem tác phẩm hoàn chỉnh trên màn ảnh và thực sự rất muốn tới Việt Nam. Tôi được biết Hang Én là một trong những hang động nổi tiếng nhất ở đất nước của các bạn. Khi lên phim, khán giả Việt Nam sẽ nhận ra ngay Hang Én bởi khung cảnh đẹp ở nơi đây không cần công nghệ can thiệp”.

Đồng bằng sông Cửu Long trong phim “Mùa len trâu”

Cảnh trong phim “Mùa len trâu”.

Mùa len trâu được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chuyển thể từ các truyện trong tập Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Câu chuyện kể về cuộc sống con người vùng sông nước Cửu Long theo một mùa lùa trâu tránh lũ. Bộ phim được quay phần lớn ở An Giang và Kiên Giang, khắc họa chân thực không gian sông nước gắn liền với cuộc sống con người ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đầu thế kỷ 20.

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh từng chia sẻ: “Nước lũ phù sa Cửu Long là nguồn sức mạnh và cảm hứng của Mùa len trâu. Nước không chỉ là một phần của hậu cảnh mà còn là một nhân vật luôn có mặt trong phim”. Tác phẩm khắc họa đầy đủ mối quan hệ giữa con người với nước. Khi mùa nước nổi, người ta không có đất để chôn kẻ chết nên phải dìm xác người dưới nước, trâu bò chết mục ra… Nhưng nó cũng là biểu tượng của sự sống vì người nông dân phải nhờ có nước để sống.

Khi sản xuất phim vào năm 2002, việc tìm thấy bối cảnh mùa nước nổi ở vùng tứ giác Long Xuyên, Cà Mau, Châu Đốc và Hà Tiên đã khiến Nguyễn Võ Nghiêm Minh choáng ngợp và quyết tâm tìm tài chính để sản xuất phim. Sau khi ra mắt, tác phẩm của đạo diễn rẽ ngang từ ngành nghiên cứu vật lý đã giành hàng loạt giải thưởng quốc tế, trở thành một bộ phim đậm nét văn hóa Nam bộ.

Hà Nội, Sài Gòn trong phim “Người Mỹ trầm lặng”

Đỗ Thị Hải Yến vào vai cô gái tên Phượng trong phim “Người Mỹ trầm lặng”.

Năm 2001, Người Mỹ trầm lặng là phim Hollywood đầu tiên đưa lên màn ảnh rộng không gian phố xá Việt Nam thời những năm 1950. Tác phẩm được đầu tư ngân sách gần 30 triệu USD, kể về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam. Phim đồng thời dựng nên câu chuyện tình tay ba giữa một cô gái Việt cùng hai người đàn ông Mỹ và Pháp.

Hơn 50% cảnh phim được quay tại Việt Nam với các bối cảnh rải từ Bắc vào Nam như Hội An, Ninh Bình, Hà Nội, TP HCM. Theo tiểu thuyết gốc, chuyện phim diễn ra ở Sài Gòn thập niên 1950 nhưng đạo diễn Phillip Noyce quyết định ghi hình ở phố cổ Hà Nội bởi ông cho rằng nơi này gợi lại hình ảnh Sài Gòn xưa hơn cả TP HCM. Hầu hết con phố nổi tiếng và mang dấu ấn lịch sử của Hà Nội như Hàng Mã, Tràng Thi, Hàng Vải, Trần Hưng Đạo đều được sửa sang, treo biển bằng tiếng Pháp để tạo vẻ cổ kính tự nhiên như hồi giữa thế kỷ 20. Trong phim, một ngôi nhà hai tầng – tầng dưới là quán cà phê, tầng trên là nơi ở trọ của nhân vật chính là nhà báo Fowler – được sử dụng từ quán cà phê thật ở Hà Nội.

Trước khi đến Hà Nội, đoàn làm phim đã làm việc tại các nơi được chọn quay với cường độ 12 tiếng một ngày. Có khoảng 100 người Việt tham gia làm phim, trong đó có các đạo diễn Việt nổi tiếng như NSND Đặng Nhật Minh, NSƯT Vương Đức và Vinh Sơn. Khi ra mắt năm 2002, phim được giới phê bình đánh giá cao. Tài tử Michael Caine được đề cử “Nam diễn viên chính xuất sắc” ở Oscar và BAFTA. Bối cảnh Việt Nam trên hình cũng được khen ngợi là chân thực và ấn tượng.

Sa Đéc, Sài Gòn trong phim “Người Tình”

Câu chuyện “Người Tình” được đặt trên nền Sa Đéc và Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

Tiểu thuyết Người Tình (1984) được văn sĩ Marguerite Duras viết dựa trên chính mối tình của bà hồi thiếu nữ với thương gia người Hoa kiều tên Huỳnh Thủy Lê ở Nam bộ Việt Nam cuối thập niên 1930. Năm 1990, tiểu thuyết Người Tình được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể lên màn ảnh. Tới 90% cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam, trừ những cảnh mặn nồng của cặp diễn viên chính được quay bí mật tại Pháp.

Trước khi phim ghi hình, nhà văn Sơn Nam – cố vấn văn hóa, lịch sử và phong tục cho phim – chia sẻ với đạo diễn người Pháp: “Hãy cố gắng để 50 năm hoặc 100 năm sau, khi hậu thế muốn biết về mảnh đất Nam bộ giữa hai cuộc chiến tranh, người ta sẽ tìm xem phim của ông”. Sau đó, đạo diễn Annaud đưa lên màn ảnh rộng hàng loạt khuôn hình giàu chi tiết, quyến rũ, lột tả chân thực cảnh sắc miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Sài Gòn, Sa Đéc, Đồng Tháp Mười và Hà Tiên. Đặc biệt, bến phà mênh mang và chộn rộn người dân thuộc địa da vàng trên sông Tiền lưu dấu ấn trong lòng người xem như nơi gặp gỡ định mệnh giữa cặp uyên ương.

Ngôi nhà cổ có thực của ông Huỳnh Thủy Lê không lên hình bởi khi đó nhà đang là trụ sở cảnh sát. Đạo diễn Pháp thay thế bằng một nhà cổ khác ở Bình Thủy, Cần Thơ. Mặc dù vậy, từ khi phim công chiếu, nhà cổ Sa Đéc của ông Huỳnh Thủy Lê trở thành một điểm đến với du khách trong và ngoài nước. Người tham quan muốn được tận hưởng không khí lãng mạn và nồng cháy mà đôi tình nhân cũ từng dành cho nhau trong chính căn nhà có thật.

Hạ Long, Hoàng Thành Huế trong phim “Indochine”

Nhân vật chính (bìa phải) đi lại ở Hoàng Thành Huế.

Đông Dương là một trong những bộ phim nước ngoài đầu tiên đưa bối cảnh Việt Nam đến với công chúng thế giới. Tác phẩm của đạo diễn người Pháp – Régis Wargnier – từng giành giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” năm 1992. Ông bà của đạo diễn từng có thời gian sống ở Việt Nam, còn cha đạo diễn cũng từng là lính tham chiến tại đây. “Nhưng đó không phải là lý do khiến tôi làm Đông Dương. Tôi ấp ủ bộ phim này là vì tôi thấy Việt Nam hiện lên trong sự hiểu biết của nhiều người toàn là những hình ảnh về chiến tranh. Tôi muốn thay đổi cách nhìn nhận ấy về Việt Nam”, nhà làm phim chia sẻ trong một lần trở lại Việt Nam hồi đầu thập niên 2000.

Tác phẩm là một trong những phim phương Tây đầu tiên đưa lên màn ảnh rộng thắng cảnh nổi tiếng – Vịnh Hạ Long. Trong phim, khu vực nên thơ này trở thành một trại lính. Phim còn được quay ở cung điện và lăng tẩm Hoàng Thành Huế. Chính quyền địa phương khi đó còn cho phép đoàn phim tiến hành dàn dựng cảnh quay trong điện của Vua Bảo Đại. Dưới góc máy trau chuốt của đạo diễn gạo cội, Hoàng Thành Huế đẹp trang nghiêm, trầm mặc, là một phần ý nghĩa trong câu chuyện của người Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1930 – 1950.

Rừng núi miền Bắc trong phim “The Chinese Botanist’s Daughters”

Núi rừng Tây Bắc Việt Nam hiện lên trong trẻo trên màn ảnh.

Mặc dù lấy bối cảnh trong phim là ở vùng núi Trung Quốc, tác phẩm của đạo diễn Đới Tư Kiệt lại ghi hình hoàn toàn ở Việt Nam vào năm 2006. Câu chuyện kể về mối tình đồng tính của hai cô gái trẻ mắc tội giết cha nên phim không được phép quay ở Trung Quốc. Trong phim, những khung cảnh núi rừng trùng điệp của Sa Pa và vùng núi Đông Bắc bộ hiện lên hữu tình và hùng vĩ. Khung cảnh thiên nhiên này trở thành phông nền nên thơ của mối tình trái cấm khắc nghiệt. Được sản xuất bởi Pháp và Canada, phim sau đó trở thành một trong những tác phẩm về đồng tính nữ hay nhất đầu thế kỷ 21.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]