Những 'bóng hồng' vận động nuôi con bằng sữa mẹ

15.6107

Xóm trên có người mới sinh vừa xuất viện về nhà, chị Phạm Thị Phượng ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, An Giang, vội nhờ chồng trông hộ con và quán tạp hóa nhỏ, tất tả đến thăm bà mẹ trẻ.

Ngồi với người vừa mới làm mẹ, chị kiên trì chia sẻ về lợi ích của việc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, cách để duy trì nguồn sữa mẹ. Trước khi ra về, chị Phượng còn dặn đi dặn lại người nhà không cho trẻ ăn uống dặm thêm bất cứ thứ gì như nước, mật ong, nước vo gạo...

"Riết rồi thành quen, giờ đi chợ mua đồ ăn, ăn giỗ nhà hàng xóm, mình đều tranh thủ trao đổi, chia sẻ những kiến thức có được về việc chăm sóc, nuôi dạy con cái cho chị em trong xóm. Ngay cả những ông bố, ông bà nội ngoại của trẻ, nếu có dịp mình đều đứng ra thuyết phục cho con bú mẹ", chị Phượng chia sẻ.

Vừa bận bịu công việc ở quán tạp hóa nhỏ, vừa phải chu toàn việc chăm sóc 2 con nhưng khi được các cán bộ y tế thuyết phục trở thành "bà mẹ nòng cốt" tại địa phương, chị Phượng vẫn vui vẻ nhận lời. "Ban đầu mình cũng sợ ông xã bảo rỗi hơi đi lo chuyện bao đồng nhà người khác nhưng khá may mắn là ông ấy đồng ý liền", chị Phượng tươi cười khi nhắc lại quyết định của mình cách đây một năm.

Chị Phạm Thị Phượng (áo trắng), bà mẹ nòng cốt đang tranh thủ tư vấn các kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ cho một bà mẹ trẻ tại địa phương, kể cả khi đi mua hàng. Ảnh: Lê Phương.

Chịu ảnh hưởng của nhiều tập quán xưa cũ, lạc hậu nên nhiều bà mẹ thường vắt bỏ sữa non vì đó là "sữa gió". Nhiều bà mẹ cho bé uống nước sớm, ăn sớm trước 6 tháng tuổi để trẻ cứng cáp, cho bú thêm sữa ngoài và thôi bú trước 18 tháng để bé khỏi “u mê”, trẻ hay ăn chóng lớn hơn… Nhiều bà mẹ bận đi làm ăn xa, không đủ kiên trì, ảnh hưởng từ các quảng cáo sữa…, nên thời gian trẻ bú mẹ bị gián đoạn đột ngột. Chị Phượng phải bỏ nhiều công sức để thuyết phục.

Với số tiền hỗ trợ hàng tháng chưa tới 100.000 đồng, không đủ bù chi phí xăng xe đi lại nhưng bằng lòng yêu thương trẻ con, mong muốn được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, chị Phượng cùng 10 bà mẹ nòng cốt khác ở xã Phú Thọ đã có hàng nghìn lượt vãng gia, đến tận nhà các bà mẹ chuẩn bị sinh, mới sinh và đang cho con bú để tư vấn về nuôi dạy trẻ đúng cách.

"Niềm vui là được khi nhìn thấy trẻ con địa phương được bú sữa mẹ đầy đủ, hợp lý, ngày càng bụ bẫm, thông minh, đứa con sau khỏe mạnh hơn đứa trước vì áp dụng các kiến thức đúng cách", chị Phượng chia sẻ.

Khi con trai đầu lòng được 4 tháng tuổi, chị Lương Thị Tố Nguyên, 27 tuổi dự định để con ở nhà cho ông bà nội ngoại chăm sóc để trở lại Bình Dương làm công nhân. Nhờ sự hỗ trợ, tư vấn kiến thức của chị Phượng và các "bà mẹ nòng cốt" tại địa phương cùng sự động viên của mẹ chồng, chị Nguyên quyết định ở nhà chăm con. Hiện chồng của chị đã lên thành phố để tiếp tục công việc tại khu chế xuất, chị ở nhà làm thêm các việc lặt vặt, đợi con đủ 24 tháng tuổi mới cai sữa để đi làm trở lại.

"Bé hiện rất bụ bẫm, lanh lẹ. Nghĩ lại nếu đi xa mà con không được bú mẹ, đau ốm nhiều thì số tiền kiếm được chưa chắc đã đủ gửi về quê thuốc men, mà sức khỏe của con lại không bảo đảm nữa”, chị Nguyên tâm sự.

Chị Tố Nguyên và con trai trong một buổi sinh hoạt nhóm tại địa phương. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Văn Hiển Tài, Phó Giám đốc trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh An Giang cho biết, trình độ dân trí trên địa bàn tỉnh còn khá thấp, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, một số nơi dân còn bất đồng ngôn ngữ nên công tác truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ gặp nhiều khó khăn. Từ khi triển khai mô hình “Tăng cường thực hành nuôi con bằng sữa mẹ dựa vào cộng đồng” nằm trong chương trình nuôi con bằng sữa mẹ giai đoạn 2010-2013 do Tổ chức Y tế thế giới, UNICEF, tổ chức A&T phối hợp thực hiện, với sự thành lập đội ngũ các bà mẹ nòng cốt, thì hiểu biết về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ của bà mẹ trong cộng đồng được tăng cường đáng kể. 

"Bà mẹ nòng cốt là người đã từng nuôi con bằng sữa mẹ thành công, thích giao tiếp, có hiểu biết và có niềm tin về nuôi con bằng sữa mẹ, tình nguyện tham gia vào nhóm. Họ được thường xuyên giám sát, tập huấn, kịp thời hỗ trợ bổ sung kiến thức, kỹ năng bởi các tình nguyện viên", ông Tài lý giải.

Các buổi sinh hoạt nhóm thường thu hút đông đảo các bà mẹ và những người nhà như bà ngoại, bà nội của trẻ tham dự. Ảnh: Lê Phương.

Theo ông Tài, truyền thông giữa các bà mẹ nòng cốt và phụ nữ mang thai, có con nhỏ về việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng hiện đã có sự lan tỏa rộng. Kiến thức được phổ biến thông qua các hình thức họp nhóm, thăm hộ gia đình, tranh thủ các cơ hội gặp nhau như đi chợ, làm ruộng, làm việc, đi đám tiệc, dẫn trẻ đi vui chơi, giải trí… Nhờ đó, tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú sớm sau sinh của toàn tỉnh từ 52,2% năm 2009 tăng lên 74,5% vào năm 2011. Tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời từ 0% vào năm 2009 tăng lên 27,5% vào năm 2011.

"Từ những hiệu quả thiết thực mà hai xã thí điểm là Phú Thọ và Bình Thạnh Đông của huyện Phú Tân áp dụng thành công, mô hình đang được nhân rộng tại nhiều địa phương khác", ông Tài chia sẻ.

Lê Phương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]