Những cách đơn giản giúp con yêu sách

(GDVN) - TS Nguyễn Thụy Anh: “Có thể các bạn không tin nhưng ngay từ khi con 3 tháng tuổi, tôi đã đọc sách cho cháu nghe. Chính chất giọng trầm bổng của mẹ và câu chuyện trong cuốn sách khiến con tôi bị thu hút. Khi dừng lại, cháu đập chân tay đòi mẹ đọc tiếp. Vậy nên trong sự phát triển của một đứa trẻ, sách càng xuất hiện sớm càng tốt”.

15.5743
Đọc sách cho con nghe khi mới 3 tháng tuổi

TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Kidz Academy, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, chia sẻ những kinh nghiệm truyền niềm đam mê đọc sách của bố mẹ cho con cái: “Có thể các bạn không tin nhưng ngay từ khi con 3 tháng tuổi, tôi đã đọc sách cho cháu nghe. Chính chất giọng trầm bổng của mẹ và câu chuyện trong cuốn sách khiến con tôi bị thu hút. Khi dừng lại, cháu đập chân tay đòi mẹ đọc tiếp. Vậy nên trong sự phát triển của một đứa trẻ, sách càng xuất hiện sớm càng tốt”.

Bên cạnh đó, TS Thụy Anh còn “bật mí” với phụ huynh rằng: Trên thị trường có bán nhiều loại sách làm từ vải hay chất liệu giấy không hại cho trẻ sơ sinh. Khi cho con tiếp xúc sớm với sách mà thấy con xé sách hay gặm sách thì bố mẹ cũng không nên lo lắng. Bởi biết đâu đó là cách tiếp cận với sách của con từ nhỏ, sau này khi con nhận thức được cháu sẽ khác.

Vì vậy, việc bố mẹ giúp con đọc sách là không bao giờ muộn. Bố mẹ hãy thường xuyên mua sách cho con, lập tủ sách cho bố mẹ riêng, tủ sách cho con riêng, sau đó giao cho con quản lý. Tùy theo độ tuổi con sẽ làm việc ghi chép lại tủ sách như một người thủ thư với số lượng sách nhiều hay ít. Công việc này sẽ cho con cảm giác tự hào khi được sở hữu sách, cần phải có trách nhiệm với tủ sách và rèn luyện tính cẩn thận.

TS Thụy Anh trả lời những thắc mắc của phụ huynh trong hội thảo (Ảnh: Đỗ Quyên Quyên).

 

Từ những câu chuyện trong gia đình rất cụ thể và ý nghĩa, buổi tọa đàm trở nên sôi nổi và gần gũi hơn bởi các trò chơi nhằm mục đích giao lưu với trẻ thông qua chủ đề là những cuốn sách. Sách, kỳ diệu thay, có thể là một phương tiện giao tiếp, hơn thế nữa, một phương tiện tinh tế để đạt được những điều tinh tế trong mối quan hệ xã hội đầu tiên của đứa trẻ.

Qua việc đọc sách cùng con, bố mẹ có cơ hội hiểu con thích gì, đang quan tâm đến điều gì, có những khả năng đặc biệt nào, có gì cần hỗ trợ. Ngược lại, bố mẹ có thể thông qua việc cùng con đọc sách để gửi gắm những bài học nhỏ, những hướng dẫn về kỹ năng sống, hướng dẫn cách học và điều chỉnh cảm xúc của con, đồng thời có cơ hội cho con biết nhiều “thông tin” về cảm xúc của bản thân mình: những lo lắng, mong muốn, tự hào, vui sướng, buồn khổ... mà không phải lúc nào cũng dễ dàng truyền đạt lại với trẻ.

Mục đích cuối cùng là, bằng việc sát cánh, đồng hành cùng con qua những trang sách ấu thơ, bố mẹ xây dựng được mối đồng cảm giữa hai thế hệ, hướng dẫn con cách sống, cách đối mặt với mọi tình huống trong cuộc sống, tìm ra được cách tiếp cận con tốt nhất và tinh tế nhất. 

Phụ huynh hướng dẫn con đọc sách cũng phải biết cách

TS Thụy Anh tâm tự, ngày còn nhỏ bố chị thường xuyên mua sách tặng con gái. Trên mỗi quyển sách bố thường ghi lại những cảm xúc khác nhau kèm theo thời gian, thời điểm cụ thể. Năm 1979, trước cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, bố chị cũng ghi vào cuốn sách đề tặng Thụy Anh: “Bố đang rất lo lắng”. Khi đó, Thụy Anh còn rất nhỏ, không thể hiểu được những lời bố nói. Sau này khi lớn lên, đọc và hiểu, Thụy Anh cảm thấy rất xúc động trước sự tin yêu của người bố giành cho cô con gái nhỏ. 

Để đạt được mục đích cuối cùng là bố mẹ và con cái đều yêu quý sách, bố mẹ cũng cần phải biết cách. Nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự quan tâm trong vấn đề đọc sách cho con bằng các câu hỏi: Làm sao để lựa chọn sách khi trên thị trường sách có rất nhiều NXB. Sách nào thì phù hợp với từng độ tuổi? Chọn sách ra sao để không tốn tiền cho bố mẹ, không mất thời gian của con? Làm thế nào để trẻ yêu thích sách? Kỹ năng hướng dẫn con đọc sách như thế nào? Từ đó TS Thụy Anh đã cùng phụ huynh tìm ra những hướng đi tốt hơn để văn hóa đọc được củng cố và trân trọng trong mỗi nhà, ở mỗi thế hệ. 

TS Thụy Anh giao lưu cùng các bạn nhỏ (Ảnh: Đỗ Quyên Quyên).

Cụ thể, TS Thụy Anh đã trao đổi với các bậc phụ huynh về những kỹ năng gợi mở cho con tình yêu với sách, với văn học, những kỹ năng cảm thụ và truyền đạt thông tin, những kỹ năng khai thác sách cùng con. Các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho mình kỹ năng: Kỹ năng đọc sách, kỹ năng sử dụng và “khai thác” sách, kỹ năng chọn sách cho con và cùng con vui với sách. Làm thế nào để xây dựng thói quen đọc sách? Làm thế nào để sách luôn là người bạn ấm áp, tin cậy của đứa trẻ mà nó sẵn sàng chia sẻ cùng bố mẹ? Làm thế nào để việc đọc sách không cản trở việc học tập của con? Những kỹ năng gì con có thể nhận được từ việc đọc sách để trở thành một học sinh tự tin, vui vẻ, chủ động, sáng tạo và hạnh phúc?

Trước sự lo lắng của nhiều bậc phụ huynh khi trong thời đại công nghệ, con trẻ dùng internet, đọc sách trên mạng nhiều thì bố mẹ cần phải tiếp cận và hướng dẫn con như thế nào? Theo TS Thụy Anh, không nên cấm con chơi game, thậm chí có thể khuyến khích con sử dụng internet. Nhưng cha mẹ cần có sự trao đổi cùng con để liên tục hỗ trợ con trước mọi tình huống có thể xảy ra.

Một câu hỏi cũng được khá nhiều bố mẹ quan tâm là làm sao để đọc sách cùng con khi bản thân họ không có thời gian. Tiến sĩ Anh khuyên rằng: Không nhất thiết phải đọc cùng con cả quyển sách dày, mà bố mẹ chỉ cần 15 đến 20 phút vào những ngày nghỉ cuối tuần để giành hoàn toàn việc đọc sách cho con, việc chơi cùng con ngoài thiên nhiên. Lúc đó, bố mẹ có thể đọc một đoạn văn để cùng giao tiếp với con những chi tiết trong đó như hình ảnh, màu sắc, âm thanh để biết được khả năng nhận thức của con. Bằng những câu hỏi khơi gợi trí tưởng tượng, bố mẹ không chỉ giúp con phát triển tri thức mà còn dạy con kỹ năng sống.

Trong khi hướng dẫn con đọc sách, bố mẹ cũng cần lưu ý về ánh sáng, không gian, thời gian... Đối với những trẻ nhỏ tuổi, việc đọc tương tác với con rất cần thiết. Đối với những trẻ thích hát hò, nhảy múa thì bố mẹ cũng nên “sáng tạo” khi tự phổ nhạc vào bài học của con. 

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]