Những cách làm tỏi ngâm chữa bệnh hiệu quả nhất

(Kiến Thức) - Nếu không đủ kiên trì làm tỏi đen, vẫn có những cách làm tỏi ngâm (rượu, đường hoặc giấm...) rất đơn giản mà hiệu quả cao trong phòng chữa bệnh.

0
Tỏi là một loại gia vị thông dụng và có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, ít ai biết một số lưu ý khi dùng tỏi, như ngưng sử dụng tỏi khi có chuẩn bị phẫu thuật...
Tại Việt Nam, hiện có 2 nhóm tỏi phổ biến. Một là tỏi củ nhỏ, thơm, nhiều tinh dầu, trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Hai là tỏi củ to trồng ở các tỉnh phía Nam. Vì tính chất thổ nhưỡng và khí hậu có khác nhau nên nồng độ hoạt chất giữa 2 nhóm có thể không hoàn toàn giống nhau. Bộ phận dùng là củ, tên dược liệu cổ truyền là Đại toán.
Theo y dược cổ truyền, tỏi có mùi hôi, vị cay, tính ấm, có tác dụng chống cảm cúm, thải độc, loãng đờm, lợi tiểu, tiêu thực, khai khiếu. Liều dùng: Từ 2g - 15g tùy mục đích và thể tạng, dùng ngoài đường uống có thể liều cao hơn.
Tỏi tươi: Ăn sống, hoặc dầm vào nước chấm, mỗi ngày thường dùng khoảng 2 tép tỏi là đủ.
Cách làm tỏi ngâm giấm: Trong môi trường axit tác dụng của tỏi tăng lên 4 lần, lấy 50g Tỏi tươi bóc vỏ, đâm nhuyễn ngâm vào 100ml dấm gạo là tốt nhất, ngâm từ nửa tháng đến 1 tháng là sử dụng tốt.
Cách làm tỏi ngâm đường: Lấy 50g tỏi đem ngâm nước trong 7 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, sau đó bóc bỏ vỏ rồi ngâm với muối một lúc cho chảy hết nước. Hòa 800g đường trắng trong một cái liễn miệng nhỏ với lượng nước chín vừa đủ, đổ tỏi vào ngâm trong 1 tháng là có thể ăn được. Tỏi ngâm đường có vị mặn ngọt, mùi thơm ngon.
Cách làm tỏi ngâm rượu: 25g tỏi bóc vỏ, giã nát và ngâm với 100ml rượu trắng đậy kín, để chỗ thoáng mát, sau 7 ngày là có thể dùng được, mỗi ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 25 - 30ml. Hoặc có thể chế biến theo cách khác: Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi, rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho ngập tỏi. Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu càng tốt, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml.
Tỏi đen (Black garlic): Là tỏi được lên men từ tỏi thường trong một thời gian dài, sản phẩm có màu đen, vị ngọt, không còn mùi cay hăng của tỏi thường và có tác dụng gấp hàng chục lần tỏi thường thấy, sau khi lên men hàm lượng các nhóm hoạt chất tăng rất cao, đặc biệt hàm lượng S-allyl-L-Cystein.
 
Không nên nấu hoặc đặt tỏi trong lò vi sóng sẽ giảm công dụng. Cần thận trọng sử khi có thai và cho con bú, trẻ em chỉ sử dụng liều thấp.
Nếu để tỏi tiếp xúc trực tiếp trên da trong thời gian dài có thể gây bỏng. Tỏi có thể gây chảy máu nếu người sử dụng có rối loạn yếu tố đông máu hay đang uống các loại thuốc chống ngưng kết tiểu cầu. Điều chỉnh liều thuốc hạ huyết áp nếu dùng kết hợp tỏi hoặc chế phẩm có tỏi, vì bản thân tỏi gây hạ huyết áp động mạch.
Không dùng tỏi lúc dạ dày trống vì tỏi kích thích niêm mạc dạ dày, dùng liều cao có thể gây viêm dạ dày. Ngưng sử dụng tỏi khi có chuẩn bị phẫu thuật và không uống cùng một lúc tỏi với thuốc chống lao isoniazid, thuốc điều rị HIV, vì gây cản trở hấp thu các thuốc này vào cơ thể. Ngoài ra, khi dùng thuốc ngừa thai cũng hạn chế dùng tỏi vì tỏi làm giảm hiệu quả của viên thuốc chứa estrogen.
Để khử mùi hôi miệng do ăn tỏi nên ngậm với dầu dừa hay nước trà đậm đặc.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]