Những cách nuôi lớn một thiên tài

Bạn đừng vội la lối khi bé 3 tuổi trộn rau với thịt, cơm vào sữa rồi ăn ngon lành. Với bạn, như thế thật gớm ghiếc nhưng bé lại coi đó là sự phát hiện thú vị. Cứ để con mặc sức sáng tạo và thử nghiệm.

15.5925

Ảnh: Annaandsally.com

Sự thông minh và khả năng sáng tạo của con bạn không phụ thuộc vào những món đồ chơi đắt tiền mà chính nhờ bạn và những thứ đơn giản, gần gũi nhất quanh trẻ.

Phát triển kỹ năng quan sát

Con bạn có thể ngồi hàng giờ để ngắm một đàn kiến chạy đi chạy lại hoặc cả ngày chỉ chơi quanh mấy bông hoa bé xíu trong cái chậu nhỏ bạn mua về. Cứ để bé được quan sát, thậm chí hãy ngồi cùng con và chỉ ra những khác biệt giữa các bông hoa khi nắng chiếu vào hoặc giải thích tại sao kiến lại "chào nhau" theo một cách dễ hiểu.

Nếu bé có vẽ một ngôi sao ba cánh hoặc trái tim hình tròn thì bạn cũng đừng cố sửa ngay làm gì. Trong con mắt của trẻ, thế giới có thể được nhìn nhận theo một cách rất khác biệt.

Mở rộng không gian

Thỉnh thoảng, bạn cũng nên đưa trẻ đi thăm một công viên mới trong thành phố thay vì chơi mãi ở cái sân tập thể bé tí hoặc cùng con đi bộ từ trường về nhà để bé thấy ngay cái vỉa hè cũng có nhiều điều thú vị. Có thể bày trò chơi "săn tìm kho báu" với trẻ ở khoảng sân sau nhà và nhớ mang theo một cái hộp để con bạn đựng chiến lợi phẩm cho mục đích "trưng bày nghệ thuật" hay "nghiên cứu khoa học" trong tương lai.

Đánh thức các cơ quan cảm giác

Sự sáng tạo được nuôi dưỡng từ việc cảm nhận, sờ mó, từ những mùi vị và cảm giác, vì vậy bạn hãy chú ý đánh thức và phát triển các giác quan của con. Hãy cho bé nếm các loại thức ăn, ngửi một cái lá thơm được vò nát, đi chân trần qua bãi cỏ, bãi cát khô và hỏi xem cảm giác của bé như thế nào. Nếu bé còn quá nhỏ, bạn có thể làm mẫu bằng cách mô tả cảm giác của bạn và dạy bé cách biểu đạt.

Khuyến khích mô tả cảm xúc bằng lời

Trẻ con dễ vui, dễ giận. Sẽ tốt hơn nếu bạn khuyến khích trẻ dùng lời nói để mô tả cảm xúc, để bạn biết chính xác vì sao con ném đồ chơi đi hoặc lý do nào khiến bé không chịu đi dép. Cách này còn giúp bé phát triển khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ.

Sáng tạo đồ chơi từ các vật dụng hằng ngày

Cho vài hạt đậu khô vào cái lon bia rỗng để trẻ lắc, cắt dán bìa cứng thành hình ngôi nhà, đoàn tàu hay làm những con búp bê từ đôi tất cũ... Những thứ đồ chơi thường bị coi là "rẻ tiền" này lại chính là nền tảng để con bạn tự "chế" đồ chơi và khám phá thế giới xung quanh. Trò chơi bán hàng, chăm sóc búp bê, thậm chí là vẽ và cắt hình đơn giản trên giấy cũng có ích cho sự sáng tạo của trẻ.

Kể chuyện cổ tích

Đọc hoặc kể cho trẻ nghe một câu chuyện cổ tích là bạn đã kích thích trí tưởng tượng, để bé tự do bay bổng trong thế giới kỳ ảo ấy. Hãy sử dụng những ngữ điệu khác nhau cho từng nhân vật thậm chí để bé tự đưa ra một cái kết cho câu chuyện, hay kể sai chi tiết để con đính chính cũng là cách kiểm tra khả năng sáng tạo của bé. Bạn cũng có thể cùng con biến tấu những câu chuyện cổ tích quen thuộc bằng cách thay con gấu bằng gấu bông của bé, khu rừng trong chuyện bằng công viên gần nhà...

Nuôi dưỡng những năng khiếu bẩm sinh

Nếu con thích vận động, bạn hãy thử gợi ý và tạo điều kiện cho bé được múa, học kịch câm, nhào lộn... Đưa bé đến phòng tranh, cho bé thoả thích nghịch màu nước, màu sáp, phấn bột, bột nặn nếu thấy con bạn thích vẽ vời... Những tác động và sự hỗ trợ kịp thời của cha mẹ rất có thể sẽ là điểm khởi đầu cho một tài năng sau này. Tuy nhiên, hãy để trẻ lựa chọn các hoạt động chúng thích chứ đừng ép con học vẽ chỉ vì muốn nó thành một Van Gogh sau này.

Lưu ý khi chơi với trẻ:

Nên:

- Cho phép trẻ lựa chọn: Trẻ sẽ tiếp thu tốt hơn nếu thích thú trò chơi của mình.

- Cho phép trẻ mắc sai lầm và nản lòng: Nếu trẻ nỗ lực chơi trò pháo đất mà thất bại thì bạn cũng đừng can thiệp mà hãy để bé tự nghĩ ra một trò chơi khác với thứ đất nặn đó.

- Đặt câu hỏi: Những câu hỏi mở kiểu "ồ thú vị quá, con làm gì thế?" sẽ khuyến khích bé mô tả chi tiết những gì bé đang làm.

Không nên:

- Làm giúp trẻ: Cho dù bé loay hoay cả nửa giờ đồng hồ mà không xếp đúng hình hay tô đúng màu cho bức tranh thì bạn cũng đừng vì sốt ruột làm giúp con. "Để mẹ làm cho!" là bạn đang làm gián đoạn sự say mê sáng tạo của bé và tập cho con thói quen ỷ lại.

- Khen trẻ quá lời: Khen ngợi khi con vẽ được bức tranh đẹp hoặc xếp đoàn tàu dài là cần thiết. Nhưng nếu mang chiến tích đó đi khoe khoang với cả khu tập thể hoặc hai bên họ hàng thì bạn đang làm con sớm mắc bệnh tự mãn.

- Đừng "dán nhãn" cho tác phẩm của bé: Trong khi bé đang cố gắng vẽ con hà mã mà bạn lại khen ngợi: "Ồ, con sư tử đẹp quá" thì bạn đã chạm đến sự tự tin của con mình. Sự "gán ghép" không đúng ngữ cảnh như thế chỉ khiến bạn bé nghĩ mình đã thất bại và sẽ rất e dè khi đưa cho bạn xem tiếp những "tác phẩm" tiếp theo.

(Theo Sành Điệu)

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]