Những căn bệnh "xấu xí" con người chỉ mắc một lần trong đời

Đây là những căn bệnh tự động tránh xa chúng ta sau một lần “gặp gỡ”…

0
Chúng ta biết rằng, hầu hết các căn bệnh đều do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và tấn công cơ thể. Chúng gây bệnh một lần và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, trên thế giới cũng tồn tại một số loại bệnh rất đặc biệt mà mỗi người “chỉ” có thể mắc một lần duy nhất trong đời, sau đó thì miễn dịch hoàn toàn...
 
1. Thủy đậu
 
Thủy đậu, còn được gọi là chứng trái rạ, là căn bệnh do virus Varicella zoster gây ra chủ yếu ở trẻ em nhỏ tuổi. Sau thời gian ủ bệnh kéo dài 10-14 ngày, người mắc thủy đậu toàn thân sẽ phát ban, nổi mụn nước, tập trung ở vùng mặt và ngực. Bệnh lây nhiễm trực tiếp khi tiếp xúc với đồ dùng hay chạm vào mụn nước của người bệnh hoặc qua đường hô hấp.

 

Trong tiếng Anh, thủy đậu được gọi là “chickenpox”. Cụm từ này xuất phát từ hình dáng của những mụn nước trên cơ thể người bệnh trông rất giống loại đậu gà (chickpeas). Nhiều nguồn tài liệu thậm chí còn khẳng định rằng người phương Tây xưa kia luôn tin thủy đậu có nguồn gốc từ những con gà.
 
Những tài liệu cổ xưa nhất mô tả các triệu chứng bệnh tương tự thủy đậu đã có từ 2.000 năm trước tại thành Babylon cổ đại. Tuy nhiên, theo ghi chép chính thức được nhiều người thừa nhận thì phải tới thế kỉ XVI, Giovanni Filippo (1510 - 1580) mới là người phát hiện ra căn bệnh này. 


Song, trong gần 200 năm sau đó, thủy đậu luôn bị đánh đồng, nhầm lẫn là một bệnh nhẹ biến thể từ đậu mùa. Mãi tới năm 1767, William Heberden là người đầu tiên chứng minh rằng hai căn bệnh trên hoàn toàn khác biệt. Năm 1972, chuyên gia Takahashi đã tạo ra thành công vaccine phòng thủy đậu.
 
Sau này, các nhà khoa học cũng đã khẳng định những ai đã từng mắc thủy đậu sẽ được miễn dịch suốt phần đời còn lại. Thống kê trên toàn cầu cho thấy, hiện nay thế giới chưa phát hiện trường hợp nào bị tái phát thủy đậu 2 lần. 



Theo các chuyên gia, virus Varicella zoster thực ra có thể tấn công con người nhiều lần, song chúng chỉ có thể tạo thủy đậu một lần duy nhất, nếu không cũng chỉ gây ra bệnh zona (giời leo) mà thôi.

2. Sởi
 
Sởi là một trong những căn bệnh cổ xưa nhất mà con người từng mắc phải, xuất hiện từ cách đây 5.000 năm. Bệnh này có tên tiếng Anh là “measles”, có gốc từ “masern” trong tiếng Đức - nghĩa là “đốm”. 


 Rhazes - thầy thuốc Ba Tư - người đầu tiên đề cập tới bệnh sởi trong sách y học của mình.

Mặc dù nguy hiểm nhưng bất cứ người mắc sởi nào nếu qua khỏi sẽ không bao giờ bị căn bệnh này “làm phiền nữa”. Trong quá khứ, thầy thuốc Ba Tư tên Muhammad ibn Zakariya ar-Razi (còn gọi là Rhazes) (860-932) là người đưa ra những mô tả đầu tiên về sởi trên thế giới. Tuy nhiên, khi đó ông cho rằng, sởi chỉ là một biến thể của bệnh đậu mùa mà thôi.
 
Sau thời của Rhazes, sởi chìm vào quên lãng tới hơn 600 năm. Tới thời cận đại, người ta mới lại chú ý tới nó sau những đại dịch sởi hoành hành khắp nơi. Ngày 15/10/1958 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại sởi. 


Sam Katz - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho thử nghiệm phiên bản vaccine sởi đầu tiên, vốn dựa trên mẫu virus được phân lập 4 năm về trước bởi Thomas Peebles. Tuy nhiên, thử nghiệm không hoàn toàn thành công khi 9/11 em được tiêm thử nghiệm vẫn có các dấu hiệu và triệu chứng của sởi nhẹ. 
 

Hình ảnh virus gây bệnh sởi dưới kính hiển vi.

Năm 1963, Edmonston B trở thành vaccine sởi đầu tiên trên thế giới. Do phản ứng phụ như phát ban, sốt cao nên sau này, nhiều loại vaccine mới đã được cải tiến ra đời như Schwarz và Attenuvax… thay thế cho Edmonston. 

Hiện nay, loại vaccine thông dụng nhất ra đời từ năm 2005 có tên MMRV, là vaccine thích hợp cho nhiều loại bệnh cùng lúc bao gồm sởi – quai bị - rubella – thủy đậu.
 
3. Quai bị 
 
Quai bị cũng là một căn bệnh được xếp vào danh sách những căn bệnh chỉ mắc một lần trong đời, sau đó thì miễn dịch hoàn toàn. Thường được biết tới với cái tên “má chàm bàm”, bệnh này do một loại virus ARN thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae gây ra. Khi mắc quai bị, người bệnh có biểu hiện sưng một hay nhiều tuyến nước bọt với biểu hiện rõ nhất là hai má và mang tai.


Hình ảnh một bệnh nhân bị quai bị.

Giống như sởi và thủy đậu, quai bị cũng là một trong những căn bệnh hiếm hoi… nhiễm một lần. Bệnh này ít gây tử vong song có rất nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tinh hoàn, viêm khớp xương hàm, viêm màng não… và tới nay, quai bị không có thuốc đặc trị. Cách tốt nhất được các bác sĩ khuyến cáo là tiêm chủng vaccine phòng quai bị.
 
Lật lại lịch sử y học thế giới, có thể thấy quai bị được phát hiện ra từ rất sớm. Ông tổ ngành y Hippocrates trong cuốn sách được viết từ thế kỷ V TCN đã nhắc tới căn bệnh này. Theo đó, bác sĩ người Hy Lạp đã mô tả các triệu chứng của căn bệnh này khá chính xác như sưng một bên má, cổ họng cũng như sưng tinh hoàn ở một số bệnh nhân nam.

 

Tới thế kỷ XVIII và XIX, quai bị đã phổ biến khắp thế giới. Theo nhiều tài liệu lịch sử, đây chính là tác nhân gây ra nhiều đại dịch trong thời kỳ này, đặc biệt là ở các doanh trại quân đội, trường nội trú, bến cảng và nhà tù. Trong thế chiến I, quai bị được xếp vào những nguyên nhân gây suy giảm ý chí và sức lực chiến đấu của quân đội Pháp.
 
Mãi tới năm 1967, vaccine đầu tiên phòng quai bị mới xuất hiện nhờ Maurice Hilleman. Ông đã thành công trong việc phân lập virus gây quai bị từ chính con gái 5 tuổi của mình đang mắc bệnh. Vaccine đó sau này được đặt tên là “Jeryl Lynn strain”. 9 năm sau, loại virus MMR (tích hợp quai bị-sởi-rubella) mới đã được cấp phép sử dụng và trở thành loại vaccine phổ biến rộng rãi cho tới ngày nay. 

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: History Of Vaccines, Ehow, Wikipedia...
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]