Những chi tiết rập khuôn thú vị trong điện ảnh

(Văn hóa) - Vô tình hay hữu ý, những nhà biên kịch đã dùng đi dùng lại những chi tiết dưới đây trong những bộ phim khác nhau của mình. Thay vì trách móc cho sự thiếu sáng tạo ấy, chúng ta chợt nhận ra những chi tiết này thực sự rất buồn cười và thú vị.

15.6242

1. Trong phim tình cảm – hài, những anh chàng đầu to mắt cận hoặc chỉ biết chúi mũi vào truyện tranh thường có những đức tính tốt đẹp, hay những cử chỉ hy sinh thầm lặng mà vì một lý do thần kỳ nào đó, đa số những người xung quanh anh ta nhận ra được trừ nữ chính.

Dẫu đã có bạn trai, nhân vật nữ chính này vẫn có tình cảm với anh chàng mọt sách, và đến cuối phim cả hai thành một đôi vì gã bạn trai của cô này thường không tử tế như vẻ bề ngoài.

 
Trong “Norbit” (2007), anh chàng Norbit khờ khạo lại được cô nàng Kate xinh đẹp để ý, mặc dù cô này đã đính hôn. Gã hôn phu của cô về sau vỡ lẽ ra chỉ là một tên lừa đảo tồi tệ.

2. Quán bar và sàn nhảy thường là nơi tụ tập của ma cà rồng, sát thủ hoặc những thế lực siêu nhiên không thiện ý khác. Bạn dễ dàng nhận ra họ, khi giữa một chốn mà nhạc giật xập xình, các nam thanh nữ tú nhảy và lắc cực hào hứng, thì sẽ có một bàn gồm toàn những thanh niên nghiêm túc lịch lãm trong những bộ vest đen đang vừa thưởng thức rượu vừa bàn tán gì đó. Và không có cô gái bốc lửa nào vây quanh họ cả!

 
Trong “I, Frankenstein” (2014), khi Adam xâm nhập vào một quán bar, bọn quỷ dữ vận những bộ vest văn phòng sang trọng, đang ngồi trầm ngâm một góc uống rượu, tương tự với phim Blade (1998) hay những phim tương tự có đề tài ma cà rồng.

3. Nhân vật chính diện luôn gặp trở ngại và tốn nhiều thời gian khi đánh tay đôi với một gã nào đó hơn là khi một mình chống lại cả một băng đảng.

 
Trong “Transformers: Revenge of the Fallen”, Optimus Prime “tả xung hữu đột” khá dễ dàng trước Megatron cùng những thuộc hạ của hắn; trong khi ở phần một, một mình gã đã cho Optimus một trận thừa sống thiếu chết.

4. Logic vật lý không được quyết định bởi kiến thức thực tế, mà là bởi đạo diễn. Khi nam và nữ chính cùng rơi xuống từ một tòa nhà cao tầng, dẫu cách nhau một khoảng không nhưng nam chính vẫn có thể rướn người và bắt được nữ chính.

Cũng vậy, xe hơi có thể lật ngược và nằm đo đất trên đường, nhưng nổ hay không thì còn tùy vào phim.

 
Trong “The Dark Knight”(2008), khi Batman tấn công và làm lật nhào xe tải của Joker, chiếc xe tải không hề nổ tung, và Joker có thể thoát ra dễ dàng.

5. Khi có một nhóm các thành viên thuộc các đất nước khác nhau, thì người Nga thường là gã bặm trợn và có tinh thần yêu nước vô hạn, người Châu Á thường là thiên tài hoặc biết võ kungfu, Pháp và Ý thì rất lắm mồm, còn nhân vật da màu duy nhất trong hội thường có nguy cơ chết đầu tiên. Phim của nước nào thì nhân vật có quốc tịch nước đó sẽ vào vai chính.

 
Trong “The Darkest Hour” (2011), chàng nhân vật chính (người Mỹ) để sống còn đã phải làm thủ lĩnh bất đắc dĩ cho một nhóm “đa sắc tộc” với một gã người Thụy Điển hèn nhát, gã người Nga yêu nước. Trong “Battleship”, viên sĩ quan hải quân người Nhật đưa ra những chiến lược xuất sắc để chiến thắng những người ngoài hành tinh.

6. Sau khi cuộc chiến gây tổn thất trên diện rộng của nhân vật chính diện và nhân vật phản diện kết thúc, nhân vật chính sẽ tươi cười bỏ đi hoặc đứng quay lưng lại để nói một triết lý cao thâm gì đó, mà hoàn toàn không sợ cảnh sát sờ gáy và bãi hoang tàn từ cuộc chiến của hai người thì đã có ai khác dẹp giúp cho?

Trong “Man of Steel” (2013), trận chiến cuối cùng giữa Superman và Tướng Zod đã hủy hoại hầu hết những tòa nhà cao tầng, khiến thành phố Metropolis trở thành bãi hoang tàn. Và chúng ta chẳng thấy sự truy cứu trách nhiệm nào ở đây cả.

7. Các nhân vật trong phim sau khi trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh hoặc vết thương chí tử thì khi hồi phục da dẻ vẫn lành lặn và xinh đẹp, không để lại chút sẹo nào. Và nếu có sẹo, chúng đều vô tình được tạo ra ở những vị trí chỉ khiến nhân vật trông “ngầu” hơn như mắt hoặc lưng.

Ví dụ cụ thể cho trường hợp này là vết sẹo “rất phong cách” trên trán của Harry Potter, hay những nhân vật bặm trợn có sẹo mà bạn thường thấy trong những bộ phim hành động. Hay gần đây nhất là “Jack Ryan” (2014), khi chàng đặc vụ trải qua chấn thương thập tử nhất sinh thì lúc hồi phục vẫn đẹp trai tươi tắn như cũ.

8. Khi nhân vật chính đi đến một vùng đất lạ, nơi đó luôn xảy ra những đại họa như trộm cướp, nghi thức tế thần của một giáo phái tà ác, quái vật tấn công,… Và nhân vật chính luôn đi qua bãi ấp trứng của những sinh vật kỳ lạ vào thời điểm mà chúng sắp nở.

Điển hình cho chi tiết này là dòng phim về “Jurassic Park”, hay những bộ phim có đề tài phiêu lưu đến vùng đất lạ tương tự.

9. Trong nội bộ CIA hoặc các tổ chức tương tự luôn có một thành viên cấp cao biến chất muốn thâu tóm quyền lực hoặc thống trị thế giới.

 
“The A-Team”,”The Expendables” (cùng năm 2010) hay “The Losers” đều có tuyến nhân vật phản diện là những đặc vụ CIA biến chất.

10. Người ngoài hành tinh luôn là những kẻ man rợ và khát máu. Nếu họ không như thế, họ đang phải chạy chốn một chủng tộc man rợ và khát máu khác, và họ không chọn hành tinh nào khác mà luôn chọn Trái đất làm nơi cầu cứu.

Rất ít phim ảnh (trừ phim hài) mà ở đó người ngoài hành tinh là những sinh vật thân thiện. Phần lớn chúng được đề cập là những gã thợ săn khát máu hay những sinh vật man dại (dòng phim “Aliens vs Predators”)

Phúc Nguyễn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]