Những chiếc bánh chưng có cách làm "không giống ai"

ANTĐ - Làng Bèo được những người dân xứ Thanh biết đến với tục lệ làm bánh chưng xanh vào dịp Tết hàng năm. Chiếc bánh chưng xanh từ trong ra ngoài vô cùng lạ mắt và có cách làm "không giống ai".

15.5977

Làng Bèo - ngôi làng nhỏ nằm bên con sông Mã, tỉnh Thanh Hóa, hiện ra trước mắt, nơi đây có truyền thống làm bánh chưng xanh khá độc đáo: những hạt gạo của chiếc bánh được nhuộm màu xanh bắt mắt, hương vị bánh có mùi thơm không chỉ từ gạo nếp, đậu xanh mà còn cả từ những loại lá nhuộm bánh.

Cách làm bánh “không giống ai”

Làng Bèo thuộc xã Vĩnh Long - huyện Vĩnh Lộc - tỉnh Thanh Hóa, về làng hỏi kinh nghiệm nhuộm bánh chưng xanh, không ai không biết đến ông Đinh Trọng Quang - một cụ ông cao tuổi nhất làng. Cách nhuộm bánh thông thường là sẽ dùng nước cốt lá giềng trộn với gạo để gói bánh, tuy nhiên ở làng Bèo người dân sẽ dùng những thứ lá cây “độc” giã nhỏ lấy nước để nhuộm gạo gói bánh khiến chiếc bánh chưng xanh từ ngoài vỏ đến ruột bánh.

Để có được chiếc bánh chưng xanh như ý muốn mọi công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đều phải chính xác và cẩn thận. Loại gạo nếp được dùng làm bánh phải chọn loại gạo nếp thơm, khi đãi gạo phải thật nhanh tay không để cho gạo ngâm trong nước quá lâu chứ không phải ngâm gạo vào nước rồi đãi và nhặt hạt sạn như thông thường. Loại muối dùng cho gạo nấu bánh bắt buộc phải là muối hạt to. Quan trọng hơn nữa là khi đãi xong không được để gạo ra chỗ có ánh nắng mà cần để chỗ bóng râm, như vậy khi nhuộm bánh hạt gạo sẽ ngấm đều hơn.


Lá mây- một loại lá được dùng để nhuộm bánh

Ở làng Bèo người dân dùng những loại lá hiếm có, chỉ mọc ở vùng đồi núi như: Cây câm nấm, lá mây, cây bòng bòng (cơm nếp) và lá giềng giã nhỏ, vắt lấy nước cốt nhuộm bánh. Nhà ông Quang và hai gia đình nữa trong làng là 3 gia đình duy nhất trồng được cây câm nấm- loại lá có thể nói là hiếm dùng trong việc nhuộm bánh chưng. Ông Quang hào hứng kể: “Loại lá này hiếm có, nước cốt rất xanh không ảnh hưởng đến chất lượng bánh, khi dùng các loại lá cây nhuộm nên cho ít lá mây, tuy rằng lá mây làm bánh có mùi thơm, nhưng nếu cho nhiều bánh sẽ nhanh bị chua” .

       
 Lá cây được giã nhỏ để vắt lấy nước cốt


Khâu nhuộm gạo là công đoạn quan trọng nhất để có chiếc bánh chưng màu xanh. Nước cốt sau khi vắt xong nên nhuộm luôn, để lâu nước cốt sẽ không còn màu xanh như ý và có vị chua. Sau khi lấy được nước cốt, bã lá sẽ được giữ lại để dùng cho công đoạn luộc bánh. Ông Quang vừa trộn gạo vừa nói: “Mười bát gạo tương đương với một bát con nước cốt. Nước cốt ít quá bánh sẽ không xanh, nhiều nước cốt quá  bánh sẽ nhanh chua”. Bàn tay ông thoăn thoắt một tay đảo đều gạo một tay rưới nước cốt lên thúng gạo. Sau khi nhuộm xong lần đầu, ông để gạo vào một cái nia rồi tản đều gạo ra, khoảng ba mươi phút sau lại nhuộm lần nữa cho gạo ngấm đều nước cốt.

 
Gạo sau khi nhuộm xong có màu xanh bắt mắt


Công đoạn nhuộm gạo đã xong, để có những chiếc bánh chưng đẹp bày bàn thờ ngày Tết, người dân trong làng thường mời những người khéo tay về gói bánh cho gia đình mình. Khi những chiếc bánh vuông vắn, vừa vặn đã được gói xong những chiếc bánh được xếp vào nồi đểchuẩn bị luộc. Đây là công đoạn khá quan trọng, những chiếc bánh được xếp ngay ngắn vào nồi sau đó phải chèn bã lá nhuộm và lá dong vào xung quanh để cả nồi bánh không có chỗ nào trống. Nếu như cách luộc thông thường bánh cho vào nồi là bắc lên bếp nhưng nếu cho lá nhuộm vào bánh sẽ làm bánh thêm xanh còn nếu chèn không chặt thì khi sôi bánh sẽ bị bung khiến gạo chảy ra ngoài làm cháy nồi bánh.

Bánh chưng được nấu trong khoảng 12 tiếng đồng hồ, bánh nấu càng lâu thì càng rền. Trong lúc nấu bánh phải canh chừng bánh thường xuyên tránh trường hợp nước trong nồi cạn dẫn đến cháy bánh. Bên cạnh nồi bánh chưng bao giờ cũng để sẵn một nồi nước sôi để tiện cho việc châm nước. Qua 12 tiếng đồng hồ, bánh được vớt ra và thả vào chậu nước lạnh để rửa sạch hết nhựa dính bên ngoài, người rửa bánh dùng hai tay ép chặt chiếc bánh để bánh chắc lại.

Chiếc bánh bóc ra có nhuộm một màu xanh từ trong ra ngoài, bánh vẫn giữ nguyên mùi hương của gạo nếp, cộng thêm hương thơm của lá cây bùi bùi, mùi gừng cay ấm nóng, đậu xanh thơm mát...tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị độc đáo, mới lạ. Điều đặc biệt là chiếc bánh chưng vẫn bảo quản được từ 15-20 ngày như bình thường, việc nhuộm bánh không hề ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị truyền thống của bánh mà còn làm cho chiếc bánh có màu sắc độc đáo.


Mai một truyền thống làm bánh gia truyền

Sau khi hoàn tất việc vớt bánh chưng  ông Quang mở lòng chia sẻ: “Hiện nay việc làm bánh chưng xanh đang dần bị mai một vì những loại cây đặc biệt để nhuộm bánh nhân giống không thành công, người dân cũng ngại vì có nhiều công đoạn phức tạp đòi hỏi kinh nghiệm (kiếm lá, xay lá và nhuộm bánh). Nhiều gia đình vì ngại nên thường mang mấy ống gạo dăm ba bát đỗ xanh đến các nhà có kinh nghiệm làm bánh để gửi nhờ. Cách đây khoảng chục năm hầu như nhà nào cũng nhuộm bánh chưng xanh, còn bây giờ con số ấy chỉ chỉ chiếm một phần ba thôn, số người có kinh nghiệm nhuộm bánh xanh cũng chỉ còn độ hai chục”.


Ông Quang còn cho biết, hiện tại ông khuyến khích con cháu trong gia đình học cách nhuộm bánh chưng để phong tục làm bánh không bị mai một. Nếu gia đình nào không tìm được lá cây câm nấm, bòng bòng chỉ cần qua nói với ông một tiếng, ông sẵn sàng chia sẻ để nhà nào cũng có bánh chưng xanh bày cỗ tết.

Ngôi làng bé nhỏ khuất dần sau lũy tre làng, chúc cho ông Quang và những người dân trong làng sẽ lưu giữ được tục lệ làm bánh chưng xanh độc đáo này để có một cái Tết truyền thống đầm ấm và hạnh phúc.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]