Những “chiến binh nhí” chống ung thư máu

(Kiến Thức) - Không báo trước, máu sẽ cứ chảy ra không ngừng từ mũi, từ chân răng…, da lúc nào cũng xanh lét. Thêm một giây sống là phụ thuộc hoàn toàn bằng máu của người khác…

15.5939

Thư tạm biệt một thiên thần

Chiều nay, cư dân mạng lan truyền bức thư chia tay con gái của bố bé Mèo - bệnh Nhi ung thư máu nổi tiếng trên facebook của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ngày 11/3, cô bé Mèo vừa tròn 1 tuổi đầu từ giã cõi đời sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật và hóa chất.

 Nhiều em bé ở viện huyết học truyền máu được duy trì sự sống nhờ những bịch máu thế này

"Tạm biệt bé Mèo...

Những mũi tiêm, những đợt truyền hóa chất, những vết thương do vỡ ven và những cơn sốt kinh hoàng...tất cả những đớn đau ấy là quá sức đối với con. Vậy nhưng con đã rất kiên cường chiến đấu, giành giật từng ngày sự sống quý giá. Con đã là anh hùng, là chiến binh dũng cảm trong trái tim của mọi người, bé bỏng à. Con làm cho mọi người nhận ra giá trị của những phút giây được sốngtrên cuộc đời này, giá trị của những khoảnh khắc được ở bên nhau là lớn lao biết nhường nào...".

Anh Tuấn - bố bé Mèo mở đầu bức thư như thế. Trong khoảng thời gian con gái nhập viện, người cha này liên tục cập nhật những hình ảnh và thông tin về cô con gái bé bỏng. Song, thật khó nhận ra sự đau đớn và tuyệt vọng trong những "status" của anh, thay vào đó là hình ảnh về cô bé Mèo và những bệnh nhi thật dũng cảm chống lại căn bệnh chết người, chống lại những cơn đau do kim tiêm, những kiệt quệ vì hóa chất...
 
“Bác sĩ tiêm nước vào lọ hóa chất đỏ, nó sủi lên như màu máu. Bác sĩ nín thở, hút rồi bơm lại vào chai truyền. Một vài giọt bắn ra găng tay, rơi xuống sàn. Xong việc, cô bác sĩ kêu mệt vì nín thở. Mẹ của một bệnh nhân vội lấy cây lau nhà ra lau. Lướt qua lướt lại đến cả chục lần, màu đỏ của hóa chất vẫn nguyên vết tròn xoe trên sàn nhà. Phải lau đến lần thứ hai vết hóa chất mới mờ đi. 

Ấy vậy mà đây đã là lần thứ ba thứ hóa chất đó được truyền vào người con. Bố đau lòng lắm...", anh Tuấn viết trong một đêm không ngủ canh giấc cho con gái.

Bé Mèo - con gái anh Cao Mạnh Tuấn sinh ngày 8/1/2012. Em chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhi của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chịu cảnh: bỗng dưng một ngày bị sốt cao, rồi đi khám, trải qua các cuộc xét nghiệm… con bị ung thư máu.

Chiến đấu vượt nỗi đau

Bước chân vào khoa Nhi,  Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nếu không đủ cứng rắn thì có lẽ người đến thăm không có đủ nước mắt để rơi trước những nỗi đau mà các em bé ở đây đang phải chịu đựng. Có bé đã 5,6 tuổi, có bé bước sang tuổi thứ 10 có bé vừa cất tiếng khóc chào đời... chưa biết cuộc sống ngoài kia có màu gì đã bước chân vào viện bắt đầu cuộc chiến đấu với bệnh tật.

Bệnh nhi Trần Mạnh Cường, 13 tuổi, nhập viện điều trị vì bị bạch cầu cấp từ tháng 9/2012. Nhà nghèo, bố mẹ gom góp để mẹ đưa em đi chữa bệnh. Khám bệnh cho con nhưng rồi đến viện, mẹ Cường cũng phát hiện có bệnh, hai mẹ con cùng nằm viện điều trị và chăm nhau. Trong phòng bệnh số 618, Cường là anh lớn. Mỗi lần bác sĩ tiêm hay truyền em cố kìm không khóc to thành tiếng để làm gương cho các em bé của mình.

 Hai bệnh nhi ngồi giả vờ lấy ven cho nhau

Ở khoa Nhi này, 100 đứa bé thì 99 đứa nhìn thấy bác sĩ là sợ, một đứa còn lại vì lớn rồi nên ráng tỏ ra anh hùng. Lý do bởi bác sĩ vào không lấy ven thì cũng tiêm, không tiêm thì cũng làm cái gì đó đau đớn lắm. Chúng không ghét bác sĩ, nhưng sợ đã trở thành thói quen. 

Em Trần Hải Đăng năm tuổi ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Mới chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được hơn một tháng. Đăng bị bạch cầu cấp tái phát. Năm ngoái, khi chưa phát bệnh, Đăng nặng 22 kg nhưng đến giờ chỉ còn hơn 10kg, bị bệnh cả ở chân nên không đi lại, không diện được quần áo mới. Đăng cụp mi xuống buồn buồn nói: “Tết các cô cho con quần áo mới, đẹp lắm nhưng con chắc chẳng mặc được nữa rồi”.

Những người bệnh, những em bé mấy tháng tuổi mang trong mình thứ bệnh quái ác, chỉ bất chợt thôi máu sẽ cứ chảy ra mũi, ra chân răng…đến cạn dần, cạn dần máu trong người, da lúc nào cũng xanh lét ; thêm một giây phút trên cõi đời là phải sống hoàn toàn bằng máu của người khác…

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc viện Huyết học và truyền máu, số lượng bệnh nhi ở Khoa nhi dao động khoảng 100 -140 bệnh nhân. Tuổi của các em từ vài tháng đến 16 tuổi. 100% bệnh nhi ở về đều mắc bệnh về máu như: bệnh bạch cầu mãn tính, bạch cầu cấp, bạch cầu lympho mãn tính, bạch cầu dòng tủy cấp tính, Thalassemia, máu khó đông...

Không ngừng hy vọng

Đại đa số cha, mẹ của các bệnh nhi bị mắc căn bệnh hiểm nghèo khi tâm sự đều cố gắng giữ niềm tin: "Còn nước, còn tát". Niềm tin này không phải thiếu cơ sở khi ngày càng nhiều ứng dụng mới được đưa vào và tỷ lệ chữa trị thành công đang tăng lên.

ThS.BS.Võ Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: "Trong 6 năm trở lại đây, Viện đã tiến hành ghép tủy thành công cho gần 70 bệnh nhân, riêng từ đầu năm 2013 đến nay, Khoa Ghép tế bào gốc của Viện đã và đang tiến hành 4 ca ghép (trong đó có 3 ca ghép đồng loại và 1 ca ghép tự thân), hiện tại sức khỏe của các bệnh nhân được ghép tủy đang tiến triển rất tốt, các kết quả xét nghiệm thể hiện những thành công bước đầu của các ca ghép này".

Nỗi lo thường trực nhất ở Viện là thiếu máu, đặc biệt cho các bệnh nhi bởi diễn biến bệnh rất nhanh và khó lường. Tuy nhiên, bệnh viện cũng thường tổ chức các cuộc hiến máu nhân đạo và nhận được nhiều lượng máu quý giá. Riêng Lễ hội Xuân hồng 2013 diễn ra ngày 3/3 vừa qua, bệnh viện đã nhận thêm được gần 7.000 đơn vị máu. 

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]